Thi hành án là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Năm 2017, tỷ lệ thi hành án của tỉnh Vĩnh Long vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Thi hành án là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Năm 2017, tỷ lệ thi hành án của tỉnh Vĩnh Long vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Vượt chỉ tiêu
Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long, 2017 là năm thứ 2 thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 111 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật về tội phạm, công tác của viện kiểm sát, tòa án và thi hành án dân sự.
Theo đó, tỉnh phấn đấu phải đạt được chỉ tiêu thi hành án xong trên 72% về việc, trên 30% về tiền trong số những trường hợp có điều kiện thi hành và giảm tỷ lệ phải chuyển sang năm sau 9% về việc và 6% về tiền.
Ông Lâm Phước Nghĩa- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long- cho rằng, thi hành án là một lĩnh vực có nhiều rủi ro, luôn mang tính chất “đối đầu” với các bên. Thời gian qua lượng án phát sinh ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, lại liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa phương.
Trong đó, các tài sản tranh chấp, tài sản để thi hành án đa số là đất đai; trong khi các cơ chế, chính sách về đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, nhất là việc xác định quyền sở hữu tài sản thuộc về cá nhân hay hộ gia đình, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót, chậm tiến độ thi hành án.
Cũng có trường hợp tài sản là phương tiện đường thủy không xác định được vị trí, tài sản bán đấu giá nhiều lần nhưng không ai mua, khiến lượng việc và tiền thi hành án buộc phải “dồn” về năm sau.
Năm 2017, ghi nhận số việc và tiền phải thi hành tăng cao so cùng kỳ (trên 1.500 việc và trên 335 tỷ đồng). Giá trị tài sản thi hành lớn và người phải thi hành án còn tìm cách trì hoãn, khiếu nại kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi hành án.
Tuy nhiên, theo ông Lâm Phước Nghĩa, nhờ công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan nên năm 2017 tiến độ thi hành án có phần thuận lợi và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đặc biệt là vào những tháng cuối năm, Cục Thi hành án dân sự đã tăng cường chấp hành viên xuống chi cục thi hành án các huyện- thị- thành có lượng án lớn nhằm giải quyết dứt điểm những vụ án có điều kiện thi hành, hạn chế tối đa lượng án phải chuyển sang năm sau.
Cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long giải quyết xong trên 7.800 việc (vượt 1,48% chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội) và trên 197 tỷ đồng (vượt 10,85%).
Những trường hợp phải thi hành án chủ yếu liên quan đến các khoản thu cho ngân sách nhà nước, tín dụng, ngân hàng, thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự với các phạm nhân tại các trại giam thuộc Bộ Công an,...
Khó thi hành án tín dụng, ngân hàng
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có dấu hiệu khả quan nhưng vẫn còn chậm, thị trường bất động sản chưa thật sự khởi sắc là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Số liệu của Cục Thi hành án dân sự, năm 2017 có 365 việc phải thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tương đương trên 816 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 40 việc (trên 97 tỷ đồng).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Văn- phụ trách Phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án- cho biết, thời gian qua vẫn còn xuất hiện tình trạng bản án, quyết định của tòa án chưa phân định rõ “tài sản đảm bảo”, mặc dù hợp đồng thế chấp có ghi rõ giới hạn đảm bảo của từng tài sản.
Trong nhiều trường hợp, khi xác minh “tài sản đảm bảo” để thi hành án lại không đúng với nội dung bản ản, quyết định của tòa.
Phổ biến nhất là đất không đúng với hợp đồng thế chấp, có sự chồng lấn, không có lối đi hoặc có sự thay đổi về hiện trạng nhà và tài sản trên đất nên để thi hành xong một bản án như thế là rất nhiêu khê.
Có khi tài sản của doanh nghiệp là các hạng mục công trình nhưng thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, nhiều vụ việc mà cơ quan thi hành án đã kê biên tài sản nhưng đương sự lại chống đối, không hợp tác nên không thẩm định được.
Theo ông Nguyễn Trọng Văn, để đẩy nhanh tiến độ thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải tiếp tục rà soát địa bàn có lượng án lớn, giá trị cao; từ đó tổ chức xác minh, kê biên, thẩm định, bán đấu giá,... chặt chẽ, hạn chế tình trạng “ùn ứ” hồ sơ phải thi hành án.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên tăng cường và đa dạng hóa các hình thức phối hợp với các tổ chức tín dụng; phối hợp tìm giải pháp về thể chế, cơ chế xử lý tài sản trong thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng để chủ động trao đổi với cơ quan thi hành án, tìm phương thức xử lý thích hợp.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin