Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long liên tiếp xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, trong đó có không ít người có hành vi phạm tội khi mắc bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long liên tiếp xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, trong đó có không ít người có hành vi phạm tội khi mắc bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần.
Người phụ nữ có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần thường xuyên đi ngoài đường ở khu vực Phường 4 (TP Vĩnh Long) với trang phục cô dâu. |
Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội nhưng còn nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì phải chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp bệnh nặng thì đưa đi cơ sở y tế chữa bệnh bắt buộc.
Tuy nhiên, người mắc bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần khi trở về địa phương khiến nhiều người lo lắng.
Thực tế, những người bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Như vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 17/2/2017, tại xã Trà Côn (Trà Ôn), từng gây hoang mang dư luận.
Đối tượng Phạm Văn Lên (18 tuổi, ngụ ấp Bang Chang, xã Trà Côn) đã bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 30 năm tù giam về 2 tội “Hiếp dâm” và “Giết người”.
Cũng do gia đình thiếu quan tâm, Lên đã thường xuyên xem phim ảnh đồi trụy và đặc biệt là Lên đang mắc bệnh “rối loạn nhân cách phân liệt”.
Đau xót hơn, nạn nhân của những vụ án này lại là người thân của người thực hiện hành vi phạm tội. Sau vụ án, người thì thương vong, người thì tù tội, để lại cho gia đình, xã hội một nỗi đau lòng khôn nguôi.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh cũng vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Thanh Thủy (57 tuổi, ngụ Ấp 7, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) để điều tra về hành vi giết người. Nghi can Thủy được xác định ban đầu là người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần.
Ngày 19/8/2017, sau khi uống rượu về, ông Nguyễn Văn Bé (56 tuổi, ngụ cùng địa phương) đã chửi mắng chị ruột của mình là bà Thủy.
Tức giận, bà Thủy đã dùng một lưỡi dao cắt mạnh vào cổ và nhiều phần khác trên cơ thể ông Bé, làm ông này chết ngay tại chỗ.
Chị Võ Thị Bé Năm- người dân ở thị trấn Vũng Liêm- cho biết: Nếu trong gia đình có người thân bị bệnh như vậy thì không nên cách ly với người ta quá.
Mình nên nói những lời quan tâm, động viên khích lệ tinh thần người ta, chứ không nên nặng lời xúc phạm vì người ta sẽ buồn và dẫn tới hành vi mất kiểm soát hậu quả sẽ không lường trước được.
Ông Tống Thanh Sơn- người dân ở Phường 8 (TP Vĩnh Long)- cũng chia sẻ: “Tôi chạy xe ở đây, thường xuyên thấy mấy người bệnh tâm thần đi ngoài đường.
Thường mấy đứa trẻ thấy người tâm thần hay chọc ghẹo nên tôi cũng khuyên những em này đừng nên làm vậy, bởi vì người ta không biết gì, không có ý thức nên có thể gây ra cảnh đau lòng.
Gia đình có người thân bệnh tâm thần thì cũng nên quan tâm đừng để đi như vậy sẽ gây ảnh hưởng cho xã hội”.
Gần đây nhất là vào ngày 30/8/2017, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án tù chung thân đối với người cha mất nhân tính là Phan Thanh Tuấn (33 tuổi, ngụ xã An Phước- Mang Thít) về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Điều đáng buồn, nạn nhân trong vụ án lại chính là con ruột của bị cáo. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ Tuấn đi làm thuê ở xa, trong lúc vợ vắng nhà, Tuấn đã nhiều lần thực hiện hành vi đồi bại với con gái của mình cho đến khi bà ngoại của cháu gái phát hiện và đến trình báo với cơ quan công an.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Tuấn được Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh đưa đi giám định tâm thần thì kết quả cho thấy: Trước, trong, sau khi gây án và hiện nay, Tuấn bị bệnh chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ.
Đồng chí Thượng tá Trần Văn Vụ- Phó Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh cho biết: Có một số vụ án mà người thực hiện hành vi tội phạm có dấu hiệu bị mắc bệnh tâm thần.
Do đó, cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần để xác định tình trạng bệnh của đối tượng làm cơ sở để xử lý vụ án.
Qua kết quả giám định xác định hành vi của tội phạm trước, trong và sau khi gây án không đủ năng lực, trách nhiệm thì cơ quan điều tra lên kết luận điều tra vụ án và ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đề nghị Viện Kiểm sát ra quyết định đưa đi chữa bệnh bắt buộc.
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi tội phạm, nếu kết quả giám định bị hạn chế năng lực nhận thức về hành vi thì vẫn xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những vụ án trên cho thấy, khi buông lỏng, thiếu quan tâm, quản lý người bệnh tâm thần thì hậu quả sẽ khó lường.
Vì vậy, khi gia đình chẳng may có người thân mắc bệnh tâm thần thì cần có biện pháp quản lý phù hợp hoặc phải đưa vào các cơ sở chữa bệnh dành cho người tâm thần để điều trị. Đây chính là biện pháp hữu hiệu nhất, góp phần hạn chế những hậu quả đáng tiếc do người tâm thần gây ra.
Bài, ảnh: HOÀNG THÂN (CAVL)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin