Kỳ cuối: Đối tác yêu cầu xử lý chủ Công ty Bảo Anh

05:12, 06/12/2017

Từ sai phạm của Công ty TNHH XD- TM Bảo Anh (gọi tắt là Công ty Bảo Anh), nhiều đơn vị có giao dịch mua bán với Công ty Bảo Anh không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà còn bị truy thu thuế, nên đã bức xúc yêu cầu xử lý hành vi trốn thuế của Huỳnh Thế Phong

Từ sai phạm của Công ty TNHH XD- TM Bảo Anh (gọi tắt là Công ty Bảo Anh), nhiều đơn vị có giao dịch mua bán với Công ty Bảo Anh không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà còn bị truy thu thuế, nên đã bức xúc yêu cầu xử lý hành vi trốn thuế của Huỳnh Thế Phong (SN 1978, hộ khẩu thường trú đường Mậu Thân, Phường 3- TP Vĩnh Long) là Chủ tịch hội đồng thành viên của Công ty Bảo Anh.

Thấy lợi “mờ mắt”

Quá trình Cơ quan điều tra- Công an TP Vĩnh Long thụ lý giải quyết vụ trốn thuế của Công ty Bảo Anh, một số công ty ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu đã bức xúc yêu cầu sớm làm rõ vụ việc để quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng.

Cụ thể, trong 5 đơn vị có ký hợp đồng giao dịch với Công ty Bảo Anh mà cơ quan điều tra chứng minh được, từ năm 2011 đến tháng 8/2012, chỉ có 2 công ty đã kê khai, quyết toán thuế và được cơ quan thuế chấp nhận, các công ty còn lại gồm:

Công ty CP XD- VT Số 9 (ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Công ty CP Tiếp vận Đại Đồng (ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) và Công ty TNHH MTV TM- DV- XD- VT Hoàng Hiếu (ở Quận 11, TP Hồ Chí Minh) sau khi kê khai, quyết toán thuế thì cơ quan thuế phát hiện sai phạm của Công ty Bảo Anh nên không chấp nhận cho các công ty này khấu trừ thuế GTGT đồng thời truy thu thuế đối với các hóa đơn mà Công ty Bảo Anh đã xuất.

Do đó, các công ty này yêu cầu cơ quan chức năng ở Vĩnh Long xử lý hành vi trốn thuế của chủ Công ty Bảo Anh và mong muốn khi có kết quả giải quyết của tòa sẽ được cơ quan thuế chấp nhận cho kê khai khấu trừ thuế theo quy định.

Quá trình điều tra, Huỳnh Thế Phong xác định các giao dịch mua bán, vận chuyển với các công ty nói trên là giao dịch hoàn toàn có thật, giá trị hóa đơn ghi trên liên 2 giao cho đối tác đúng với giá trị thật của giao dịch.

Những hợp đồng này đều do Phong quyết định và ký.

Mỗi số hóa đơn có 3 liên, khi xuất cho đối tác nội dung từng liên đều giống nhau nhưng vì hàng hóa mua vào đều là hàng trôi nổi, các phương tiện vận chuyển vật tư do Phong thuê cũng không có hợp đồng, hóa đơn đầu vào nên không thể kê khai, quyết toán thuế.

Do đó, sau khi thực hiện giao dịch, Phong đã kê khai thuế GTGT thấp hơn thực tế ghi trên hóa đơn để trốn thuế và số tiền trốn thuế gần 4,5 tỷ đồng Phong đã chi vào các hoạt động của công ty và tiêu xài cá nhân.

Do làm ăn thua lỗ nên khi bị cơ quan thuế làm việc, Phong không có điều kiện khắc phục truy nộp lại số tiền trốn thuế dẫn đến bị truy tố.

Không lường hậu quả

Sau thời gian củng cố hồ sơ, các cơ quan tố tụng ở TP Vĩnh Long đã chuyển vụ trốn thuế của Công ty Bảo Anh sang TAND cùng cấp để giải quyết và TAND TP Vĩnh Long vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử hành vi sai phạm của Huỳnh Thế Phong.

Theo HĐXX, bị cáo Phong là chủ công ty, vì động cơ vụ lợi đã cố ý kê khai thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp ít hơn nguồn thu thực tế gây thất thu nguồn ngân sách nhà nước hơn 4,5 tỷ đồng.

Đây là số tiền trốn thuế rất lớn nhưng Phong mới khắc phục được 30 triệu đồng, so với hậu quả vụ án là không đáng kể nếu áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo theo đề nghị của luật sư sẽ không đáp ứng được tình hình răn đe phòng chống tội phạm ở địa phương.

Tuy nhiên, xét bị cáo đã thành khẩn nhận tội, hoàn cảnh gia đình khó khăn, công ty đã ngưng hoạt động nhưng bị cáo vẫn có thiện chí khắc phục hậu quả, các đối tác còn nợ bị cáo chưa thu hồi được nên chưa có điều kiện khắc phục.

Đây là những tình tiết giảm nhẹ được HĐXX xem xét khi quyết định hình phạt nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật và tạo điều kiện cho bị cáo sớm chấp hành án về lao động, tiếp tục khắc phục số tiền trốn thuế.

Do đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm phạt Huỳnh Thế Phong 1 năm 6 tháng tù giam tội “Trốn thuế”.

Do khi thực hiện hành vi trốn thuế, Phong chỉ làm một mình nên các thành viên góp vốn trên danh nghĩa của Công ty Bảo Anh và một số người là bạn bè khi viết hóa đơn dùm Phong không xác định được giao dịch có thật hay không vì Phong không nói và bản thân họ cũng không tìm hiểu, chỉ khi cơ quan điều tra mời làm việc họ mới biết việc Công ty Bảo Anh trốn thuế nên không có dấu hiệu đồng phạm và không bị xử lý.

Đối với bộ phận kế toán của Công ty Bảo Anh tại Vĩnh Long và chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, do không biết họ tên đầy đủ và địa chỉ cụ thể của những người này nên khi nào cơ quan điều tra xác minh, làm việc được sẽ xem xét xử lý sau.

Bản án cũng tuyên Công ty CP XD-VT Số 9, Công ty CP Tiếp vận Đại Đồng và Công ty TNHH MTV TM- DV- XD- VT Hoàng Hiếu không có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế đối với các hóa đơn GTGT mà Công ty Bảo Anh đã xuất nên được quyền liên hệ với các cơ quan thuế nơi đăng ký kê khai làm thủ tục hoàn thuế theo quy định.

Tại khoản 3, Điều 161 Bộ luật Hình sự quy định tội “Trốn thuế” như sau: Người nào trốn thuế với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

DIỄM PHƯỢNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh