Vụ sập cầu tạm (cầu Vồng) do quá tải: Tài xế lãnh án tù, chủ phương tiện bị yêu cầu bồi thường gần 1,5 tỷ đồng

05:11, 17/11/2017

Biết cầu tạm (hạng mục thi công cầu Vồng) cấm xe trên 30 tấn nhưng tài xế Nguyễn Thanh Khoa (SN 1981- trú thôn Đà Nguyên, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng- Lâm Đồng) vẫn điều khiển xe đầu kéo nặng gấp đôi tải trọng cho phép qua cầu, dẫn đến sập cầu gây hậu quả nghiêm trọng.

[links()]

Biết cầu tạm (hạng mục thi công cầu Vồng) cấm xe trên 30 tấn nhưng tài xế Nguyễn Thanh Khoa (SN 1981- trú thôn Đà Nguyên, xã Đà Loan, huyện Đức Trọng- Lâm Đồng) vẫn điều khiển xe đầu kéo nặng gấp đôi tải trọng cho phép qua cầu, dẫn đến sập cầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ sập cầu tạm (hạng mục thi công cầu Vồng) trên QL53 thuộc địa phận Phường 3 và Phường 8 (TP Vĩnh Long) xảy ra rạng sáng 3/12/2013 tuy không thiệt hại về người nhưng làm sập toàn bộ nhịp 3, kéo theo hư hỏng nhịp 1 và 2 gây nhiều thiệt hại về kinh tế, khiến tài xế phải lãnh án tù.

Ngày 28/11/2013, Công ty TNHH Giao nhận và vận tải Tấn Phát Đạt (gọi tắt là Công ty Tấn Phát Đạt) ở TP Hồ Chí Minh có ký hợp đồng với Công ty TNHH 1TV Xử lý nền móng xây dựng Vĩnh Cơ vận chuyển 5 VC xe và dàn máy ép cọc bê tông từ Đồng Nai đến công trình Khu công nghiệp Long Đức ở Trà Vinh, thời gian thực hiện từ ngày 2- 4/12/2013.

Theo hợp đồng nêu trên, chiều 2/12/2013, Giám đốc Công ty Tấn Phát Đạt điều tài xế Nguyễn Thanh Khoa cùng phụ xế điều khiển xe đầu kéo 51C-09177 kéo theo sơ mi rơ- moóc vận chuyển dàn máy ép cọc bê tông nặng 48,5 tấn đi Trà Vinh.

Khoảng 4 giờ 30 sáng 3/12/2013, Khoa điều khiển xe đến cầu tạm (hạng mục thi công cầu Vồng) thấy biển báo cấm xe trên 30 tấn qua cầu và biết rõ tải trọng xe cùng hàng hóa trên xe lúc này nặng hơn gấp đôi nhưng Khoa vẫn cho xe lưu thông qua cầu.

Do quá tải nên xe vừa đến nhịp 3 thì cầu bị sập gây thiệt hại toàn bộ nhịp 3, kéo theo hư hỏng nhịp 1 và 2 của cầu tạm.

Sau tai nạn, cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp Công an TP Vĩnh Long tiến hành khám nghiệm hiện trường và trưng cầu Phân viện Khoa học hình sự- Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh giám định xác định nguyên nhân gây sập cầu tạm (hạng mục thi công cầu Vồng).

Kết quả khám nghiệm xác định tổng tải trọng phương tiện và hàng hóa xe đầu kéo 51C-09177 kéo theo sơ mi rơ- moóc khi qua cầu tạm là 68,5 tấn.

Kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự- Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng nguyên nhân gây sập cầu tạm là do xe đầu kéo kéo theo sơ mi rơ- moóc chở vật nặng quá tải trọng cho phép, tài xế không chấp hành báo hiệu đường bộ khi cho xe qua cầu vi phạm Điều 11 của Luật Giao thông đường bộ.

Do đó, Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố Nguyễn Thanh Khoa về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Sau tai nạn, Khoa đã bỏ ra 220,9 triệu đồng cùng chủ phương tiện khắc phục hậu quả ban đầu và bồi thường cho đơn vị trục vớt phương tiện, có đường dây cáp bị ảnh hưởng.

Đến nay, phía Công ty Tấn Phát Đạt đã bồi thường cho chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long các khoản chi phí trục vớt phương tiện, thi công khắc phục sập nhịp 3 và các nhịp hư hỏng 1, 2 của cầu tạm, chi phí điều tiết giao thông và kiểm định, kiểm tải cầu tạm sau khi khắc phục tổng cộng hơn 897,7 triệu đồng.

Do Khoa cùng chủ phương tiện đã tích cực khắc phục kịp thời hậu quả không để tình trạng ách tắc giao thông nơi xảy ra tai nạn, bản thân Khoa cũng thấy được sai trái là đã chủ quan nghĩ xe qua cầu an toàn dẫn đến sự cố nên đã thành khẩn xin lỗi, hứa không tái phạm.

Do đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt và tuyên Nguyễn Thanh Khoa 9 tháng tù giam tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Về trách nhiệm dân sự, buộc Công ty Tấn Phát Đạt tiếp tục bồi thường cho Trung tâm Thẩm định, kiểm định công trình giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải Vĩnh Long 5 triệu đồng chi phí lập hồ sơ thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và đề cương kiểm định thử tải; bồi thường cho Công ty Điện lực Vĩnh Long hơn 59,1 triệu đồng chi phí di dời mạng lưới điện.

Đối với chi phí điều tiết giao thông hơn 80,8 triệu đồng còn lại và chi phí khảo sát, lập dự toán thiết kế thẩm định, thi công chồng tầng nâng tải trọng nhịp 1, 2 với hơn 420,4 triệu đồng, Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị liên quan yêu cầu Công ty Tấn Phát Đạt bồi thường nhưng đại diện Công ty Tấn Phát Đạt không đồng ý với lý do bản thân cầu tạm đã tự xuống cấp do thời gian sử dụng quá lâu, lưu lượng phương tiện qua lại nhiều, sau khi khắc phục sửa chữa cầu tạm, Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long cho rằng tải trọng nhịp 1, 2 không đảm bảo 30 tấn như ban đầu nên đã tự ý thuê các đơn vị lập hồ sơ thiết kế, kiểm định, thẩm tra và tiến hành thi công chồng tầng nâng tải trọng nhịp 1, 2 mà không có sự bàn bạc với Công ty Tấn Phát Đạt.

Do đó, HĐXX tách phần này ra cho các bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác.

Tại khoản 1, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định “người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ”.

 

Tại khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” như sau: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thuộc trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” thì bị phạt tù từ 3-10 nă


DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh