"Đệ tử lưu linh" tông nhau, người ngồi sau tử nạn

05:11, 30/11/2017

Điều khiển xe trong tình trạng say rượu, Nguyễn Văn Bằng (SN 1970- trú ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh- Đồng Tháp) còn quay mặt về phía sau nói chuyện nên đã tông vào xe của một "đệ tử lưu linh" khác làm người ngồi sau té xuống đường tử vong.

Điều khiển xe trong tình trạng say rượu, Nguyễn Văn Bằng (SN 1970- trú ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh- Đồng Tháp) còn quay mặt về phía sau nói chuyện nên đã tông vào xe của một “đệ tử lưu linh” khác làm người ngồi sau té xuống đường tử vong.

Nguyễn Văn Bằng là thợ hồ, đang tham gia công trình xây dựng ở xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành- Đồng Tháp).

Tối 16/9/2016, Bằng uống rượu cùng nhóm thợ tại công trình xong đã điều khiển xe gắn máy chở chị Phan Thị Thúy (SN 1974- trú ấp Bình Hòa Hạ, xã Trường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp) đến huyện Ba Tri (Bến Tre) dự đám tang. Đến QL80 đoạn ấp Mỹ Phú (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long), Bằng vừa điều khiển xe vừa quay mặt về phía sau nói chuyện với chị Thúy nên không phát hiện anh Hứa Văn Lâm (ở ấp Mỹ Phú) chạy xe gắn máy từ hướng ngã ba Mỹ Thuận trờ tới.

Đến ngã rẽ vào Hương lộ 18, anh Lâm cho xe chuyển hướng sang đường nhưng khi còn cách lề phải khoảng hơn 2m thì bị xe của Bằng chạy đến đụng vào làm cả 3 ngã xuống đường.

Bằng, Thúy và Lâm được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau một tuần nằm viện, chị Thúy tử vong do chấn thương sọ não.

Nguyên nhân tai nạn được xác định do Bằng điều khiển xe khi trong máu có nồng độ cồn vượt mức quy định, không chú ý quan sát mà quay lại nói chuyện với người ngồi sau vi phạm Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ.

Anh Lâm chạy xe cũng trong tình trạng đã uống rượu, khi chuyển hướng từ phải sang trái không nhường đường cho các xe đi chiều ngược lại vi phạm Điều 15 của Luật Giao thông đường bộ nhưng đây chỉ là lỗi hành chính không phải nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn.

Do đó, Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố Nguyễn Văn Bằng về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 2, Điều 202 của Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Bằng thừa nhận bản thân không có giấy phép lái xe nhưng đã điều khiển xe trên 50 phân khối và còn sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Tai nạn xảy ra do lỗi ở bị cáo Bằng không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, quá cẩu thả, chạy xe nhưng không tập trung quan sát, coi thường sức khỏe, tính mạng của bản thân và người ngồi sau nên cần xử mức án tương xứng để răn đe.

Xét Bằng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn nhận tội, tự nguyện bồi thường khắc phục một phần hậu quả, được đại diện gia đình nạn nhân xin giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã xem xét dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và tuyên Nguyễn Văn Bằng 1 năm 6 tháng tù giam tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Bằng và anh Lâm liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 87 triệu đồng.

Cụ thể, anh Lâm có một phần lỗi nên bồi thường 11 triệu đồng; bị cáo Bằng bồi thường 76 triệu đồng và cấp dưỡng cho con trai chị Thúy (SN 2010) mỗi tháng 1,3 triệu đồng cho đến khi bé 18 tuổi và cấp dưỡng cho mẹ ruột chị Thúy mỗi tháng 300.000đ cho đến khi bà qua đời.

Tại khoản 2, Điều 2012 Bộ luật Hình sự quy định tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” như sau:

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thuộc trường hợp “không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định” và “điều khiển xe trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác” thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Theo Luật Giao thông đường bộ

Khi chuyển hướng xe, người điều khiển xe phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi chiều ngược lại và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác (khoản 2, Điều 15 về “Chuyển hướng xe”).

Nghiêm cấm người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/ 100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/ 1 lít khí thở (khoản 8, Điều 8 về “Các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển xe”).

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh