Sa chân lỡ bước vào con đường tù tội, rồi được giáo dục, cải tạo và chấp hành án tốt, họ được Nhà nước tha về trước thời hạn. Khi tái hòa nhập cộng đồng, họ mạnh mẽ vượt qua những kỳ thị, mặc cảm và bằng nghị lực bản thân, quyết vươn lên làm lại cuộc đời...
Sa chân lỡ bước vào con đường tù tội, rồi được giáo dục, cải tạo và chấp hành án tốt, họ được Nhà nước tha về trước thời hạn. Khi tái hòa nhập cộng đồng, họ mạnh mẽ vượt qua những kỳ thị, mặc cảm và bằng nghị lực bản thân, quyết vươn lên làm lại cuộc đời...
Quá khứ tội lỗi
Đến xã Tân An Luông vào một buổi sáng, con đường nhỏ dẫn lối chúng tôi đến nhà anh Lê Minh Phụng (ấp Đập Sậy, xã Tân An Luông- Vũng Liêm)- tấm gương tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng.
Ấn tượng đầu tiên về anh Phụng với chúng tôi là tính tình vui vẻ, cởi mở, như không còn chút gì liên quan đến tên tội phạm từng giết người, cướp của.
Nhắc lại quá khứ, anh Phụng hối hận: “Cơn say rượu bí tỉ cùng phút nóng giận nhất thời, tôi gây ra án mạng và phải đánh đổi tuổi trẻ với bản án 20 năm tù giam. Nhờ cải tạo tốt, tôi được giảm án từ 20 năm xuống còn 16 năm tù”.
Năm 2013, anh Phụng được trả tự do về với gia đình. “Ngày ra tù, tui không biết đường về nhà. Hồi xưa thì đường đất lầy lội, giờ đường mới mở lạ hoắc. 16 năm ở trong tù chứ đâu có ít ỏi gì”- anh Phụng chia sẻ thêm.
Chú Trương Văn No chí thú làm ăn. |
Chia tay với anh Phụng, chúng tôi đến gặp chú Trương Văn No (53 tuổi, ấp Tân Thiềng, xã Tân An Hội- Mang Thít) vào giờ nghỉ trưa. Tuy chú No còn vẻ mệt mỏi sau buổi làm ở cơ sở vật liệu xây dựng nhưng chú vẫn vui vẻ, tâm sự như mở lòng về hoàn cảnh của mình.
Chú No hớp ngụm nước trà rồi kể lại chuyện quá khứ: “Hồi còn trẻ, tui đi làm mướn ở tỉnh Cà Mau rồi xảy ra mâu thuẫn.
Trong cơn say rượu, tui đánh người ta bất tỉnh. Lúc đó, hoảng sợ quá, tui kéo người đó bỏ xuống mương nước luôn. Ngày ra tòa, tui bị kêu án tù chung thân tội “Giết người”.
Cuộc đời tui sụp đổ. Tui nghĩ không còn cơ hội ra ngoài, phải chấp nhận cuộc đời còn lại trong 4 bức tường nhà tù lạnh lẽo. Tui cũng không có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt”.
Chú No chấp hành án được 10 năm rồi nhờ cải tạo tốt nên được giảm án từ tù chung thân xuống tù có thời hạn 20 năm.
“Tui mừng lắm, rơi nước mắt luôn. Suốt mấy đêm liền tui không ngủ được vì thấy có tia sáng cuộc đời rồi”.
Vậy là chú quyết tâm làm thật tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Cuối cùng chú chấp hành 15 năm 6 tháng tù thì được tha về. “Bây giờ mình càng thấy quý tự do” - chú No kể lại trong niềm vui.
Quyết tâm làm lại cuộc đời
Anh Lê Minh Phụng quyết tâm lại cuộc đời. |
Giờ đây, anh Phụng đang là chủ 2 trại gà 1.150 con chuẩn bị xuất chuồng. Anh Phụng kể cho chúng tôi nghe, ngày trở về với 2 bàn tay trắng, nhiều người kỳ thị.
Anh dự tính một mình thui thủi cuộc đời còn lại, phụ giúp cha mẹ làm ruộng sống qua ngày. Nhưng rồi được gia đình, đoàn thể xã hội động viên, dần dần anh mở lòng với cuộc đời.
Anh nói: “Ở trại cải tạo thì tui hổng nhớ chuyện ngoài đời. Bây giờ về nhà thì không nhớ chuyện quá khứ, cố mà mần ăn thôi”.
Ngày tìm được “một nửa cuộc đời” của mình, anh Phụng thấy bản thân phải có trách nhiệm hơn nữa. Đôi vợ chồng đồng lòng, xuôi ngược nhiều nơi làm đủ nghề nhưng cũng không thay đổi được cuộc sống. Cuối cùng, vợ chồng quyết định quay về quê hương để lập nghiệp với sự đùm bọc của người thân và tổ chức xã hội giúp đỡ.
Cha mẹ cho nửa công ruộng, 2 vợ chồng cất tạm căn chòi và bắt đầu chăn nuôi gà. Lần đầu tiên nuôi 200 con gà thịt, do chưa có kinh nghiệm nên không hiệu quả.
Không nản chí, anh tìm tòi học hỏi... Hiện anh nuôi 1.150 con gà hơn 2 tháng tuổi, mỗi con đã được ngoài 1kg.
“Hy vọng đợt gà này thuận lợi sẽ cất căn nhà lành lặn”- anh Phụng dự định. Chúng tôi cảm nhận được, với lòng quyết tâm chí thú làm ăn, chắc chắn một ngày không xa anh Phụng sẽ thành công.
Cuộc sống hạnh phúc của anh Phụng bên vợ và đứa con gái nhỏ 9 tháng tuổi sẽ là động lực giúp anh vượt qua mọi nghịch cảnh.
Còn chú Trương Văn No chia sẻ, hồi ở trong tù mới thấy khao khát tự do bên ngoài, quý giá làm sao. Chú từng hứa với lòng nếu may mắn có cơ hội trở về thì phải sống cho thật tốt.
Ngày còn trong trại, khi ngủ chú thường thấy được đi ăn tiệc, ăn cưới “trong mơ”. Chú nói thêm: “Giờ về 5- 6 năm rồi mà nhiều đêm vẫn còn gặp ác mộng về những ngày tháng lao tù”.
Ngày chấp hành xong án phạt tù trở về, chú No không may mắn như những người khác là được gia đình đón mừng.
Bởi về đến nhà, chú No đau nhói lòng khi biết vợ con không còn ở địa phương và mất luôn liên lạc. Phải đến nhiều năm sau, chú mới tìm lại được con, còn vợ đã “ôm cầm sang bến khác”.
Lúc này, chú suy sụp tinh thần nhưng rồi được bà con, lối xóm cưu mang và được nhận vào làm ở cơ sở vật liệu xây dựng.
Chị Nguyễn Thị Kịp- chủ cơ sở vật liệu- cho biết: “Hồi mới về chú No không nơi tựa, thấy thương lắm. Bây giờ, chú No sức khỏe ổn định, làm lương 4 triệu đồng/tháng bao cơm nước”.
Năm tháng trôi qua, chú No cũng dần lãng quên quá khứ đau buồn. Nói về dự định sau này, chú No chia sẻ: “Sau này già yếu không làm nặng được nữa, có ít vốn sẽ mở tiệm tạp hóa buôn bán kiếm sống là vui rồi”.
Chia tay anh Phụng và chú No, chúng tôi tin rằng những nỗ lực, khát khao làm lại cuộc đời luôn thành hiện thực. Song, trên con đường hoàn lương của họ, rất cần sự mở lòng, dang tay đón nhận từ cộng đồng.
Công an địa phương cho biết, Lê Minh Phụng và Trương Văn No sau khi tái hòa nhập cộng đồng đều chấp hành tốt và rất chí thú làm ăn được người dân quý mến. Tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, anh Phụng và chú No vinh dự được UBND tỉnh Vĩnh Long tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM- TUYẾT NGA
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin