Chỉ cần nẹt pô xe, nhìn "đểu", va chạm nhỏ trên đường, lời nói gây mâu thuẫn hay vô tình trên mạng xã hội… là một bộ phận không nhỏ giới trẻ sẵn sàng xử sự bằng bạo lực. Đã có rất nhiều vụ án khiến người ta phải rùng mình, ghê sợ vì mức độ nguy hiểm cũng như sự vô cảm của một bộ phận giới trẻ ngày nay.
Chỉ cần nẹt pô xe, nhìn “đểu”, va chạm nhỏ trên đường, lời nói gây mâu thuẫn hay vô tình trên mạng xã hội… là một bộ phận không nhỏ giới trẻ sẵn sàng xử sự bằng bạo lực. Đã có rất nhiều vụ án khiến người ta phải rùng mình, ghê sợ vì mức độ nguy hiểm cũng như sự vô cảm của một bộ phận giới trẻ ngày nay.
Xử sự bạo lực, Trương Quốc Bảo đã giết người. |
Xử sự bằng bạo lực
Những vụ án đánh nhau gây thương tích, thậm chí giết người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt không còn là chuyện hiếm, khiến nhiều người cảm thấy nhói lòng trước tình trạng giới trẻ xử sự ngày càng bạo lực, thô bạo.
Không ít người trẻ ngày nay thiếu đạo đức, mất tình người, sống lệch lạc. Trong đó, có cả học sinh khi ra đường mang theo hung khí để sẵn sàng nói chuyện với đối phương bằng bạo lực, gây ra những vụ án đau lòng mà hậu quả khó lường trước được.
Nhiều em sớm phạm tội, vướng vòng lao lý bằng bản án nghiêm minh của pháp luật, phải giam mình nơi 4 bức tường lạnh lẽo làm dở dang chuyện học hành, tương lai.
Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từ năm 2013-2016, đã xử lý hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý hơn 42.000 đối tượng, trong đó hơn 75% là thanh thiếu niên.
So với trước đây, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng.
Gần đây, mọi người chắc còn nhớ vụ thanh toán đậm tính chất giang hồ khiến 1 người chết ở xã Đồng Phú (Long Hồ).
Chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội mà Trương Quốc Bảo (19 tuổi, ở xã Phước Hậu) và Lê Phương Vinh (16 tuổi, ở xã Đồng Phú) hẹn nhau giải quyết.
Vinh bị Bảo đâm nhiều nhát, gục chết ngay sau đó. Hay 2 nữ sinh mới học lớp 8 một trường ở huyện Long Hồ, chỉ vì có lời lẽ thiếu nhã nhặn rồi hẹn nhau đến chỗ vắng giải quyết bằng hung khí, khiến 1 em bị đâm thấu ngực nhưng may mắn thoát chết nhờ cấp cứu kịp thời.
Qua các vụ án, nhiều phụ huynh lo ngại tình trạng bạo lực học đường, lối hành xử, đạo đức của một bộ phận học sinh xuống cấp.
Ngày nay giới trẻ hiếu thắng, muốn thể hiện “bản lĩnh” nên sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề dù chỉ là chuyện nhỏ nhặt.
Như vụ án cố ý gây thương tích được Cơ quan điều tra- Công an huyện Long Hồ- đang thụ lý, bị hại là anh Huỳnh Công Đấu (xã Phú Đức- Long Hồ) bị nhóm thanh niên nhậu chung quán đánh “hội đồng”.
Anh Đấu bị đánh mà không hề biết mình “tội gì”, chỉ khi bị đánh anh nghe chúng nói “nhìn thấy ghét”. Một trường hợp khác, chỉ từ lời nói mà anh Trần Văn Quang (xã Hòa Bình- Trà Ôn) bị Phan Văn Trọng chém nhiều nhát chí mạng.
Anh Quang cho biết, Trọng đến tiệm game chơi có những lời lẽ thô tục, gây mất trật tự nên anh yêu cầu ra khỏi tiệm. Hắn ta đi một lúc sau đó quay lại cầm dao xông vào chém túi bụi, khiến anh bị thương tích 13%.
Còn rất nhiều trường hợp bởi tính xử sự bạo lực của giới trẻ gây ra nhiều vụ án đau lòng chết chóc, thương tích, rồi tù tội khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh tan nát.
Giáo dục đạo đức, lối sống và pháp luật cho giới trẻ
Thời gian qua, cơ quan pháp luật xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm nhưng tội phạm ở giới trẻ chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp.
Tình trạng giới trẻ xử sự bạo lực trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều trường hợp chỉ vì một phút bồng bột, thể hiện cái tôi mà để lại nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần cho biết bao gia đình.
Trong cuộc hội thảo về giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho giới trẻ, các chuyên gia tâm lý nhận định sở dĩ có tình trạng bạo lực trong giới trẻ, một phần do quá trình hội nhập các nền văn hóa, nếp sống, phong cách nước ngoài du nhập vào Việt Nam qua mạng xã hội, phim ảnh,… ngành chức năng sàng lọc chưa kỹ khiến cho các em bị lôi cuốn, đầu độc bởi lối sống thực dụng, bạo lực.
Nhiều em ngộ nhận về bản thân và xem thường người khác, các giá trị truyền thống, pháp luật… nên có những hành vi vượt ngưỡng cho phép.
Bên cạnh đó, phần lớn giới trẻ không được trang bị đầy đủ những kỹ năng để đối phó các sự việc xảy đến với mình.
PGS.TS Trần Kiều- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý- giáo dục Việt Nam- cho rằng giới trẻ xử sự bạo lực có nhiều nguyên nhân.
Đó là những thay đổi phức tạp các yếu tố tâm sinh lý và những tác động bên ngoài, như: gia đình buông lỏng quản lý, thường xuyên có bạo lực, không khí học hành ở trường quá căng thẳng.
Và cộng thêm sự phát tán đến chóng mặt của mạng xã hội.
Ở độ tuổi các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, khi tiếp cận với quá nhiều nội dung giải trí không lành mạnh sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhận thức, hành động theo bản năng, rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động.
Ngăn chặn lối sống bạo lực trong giới trẻ cần có những biện pháp mạnh và đồng bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và pháp luật cho giới trẻ.
Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục cũng rất quan trọng.
Trong đó, vai trò tích cực nhất vẫn là gia đình, là những người sinh ra và nuôi dưỡng trẻ. Chính sự quan tâm, giáo dục, sự gương mẫu trong các mối quan hệ xã hội sẽ là tấm gương sáng, động lực giúp em soi rọi lại bản thân, từ đó chọn cho mình cách phát triển tốt.
PGS.TS Trần Kiều khẳng định gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ. Bởi thế, gia đình hãy là tấm gương cho con. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể và địa phương cũng cần tạo nhiều sân chơi bổ ích để thu hút giới trẻ. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin