Lê Thị Kim Ngọc lợi dụng lòng tin lập ra hàng chục phần "hụi ma" để lừa gạt chiếm đoạt tiền của người. Đến khi vụ việc bị bại lộ, Ngọc tuyên bố "bể hụi" khiến nhiều người rơi vào cảnh điêu đứng.
Lê Thị Kim Ngọc lợi dụng lòng tin lập ra hàng chục phần “hụi ma” để lừa gạt chiếm đoạt tiền của người. Đến khi vụ việc bị bại lộ, Ngọc tuyên bố “bể hụi” khiến nhiều người rơi vào cảnh điêu đứng.
Tháng 7/2009, Ngọc (SN 1969, xã Thanh Đức- Long Hồ) bắt đầu làm đầu thảo hụi (chủ hụi) hưởng hoa hồng để có đồng vô đồng ra tiêu xài hàng ngày.
Mới đầu, chỉ vài dây hụi, đôi mươi ngàn đồng/phần, tham gia chủ yếu là những người hàng xóm.
Hụi theo hình thức tổ chức bốc thăm hàng tháng, ai kêu cao sẽ được hốt, đôi khi người dân cần tiền cũng được ưu tiên trên tinh thần tình làng nghĩa xóm giúp đỡ lẫn nhau. Thời gian đầu lập hụi, Ngọc giao tiền cho hụi viên hốt đúng hẹn tạo được lòng tin.
“Tiếng lành đồn xa”, có nhiều người ở địa phương khác cũng đến xin tham gia hụi của Ngọc và từ đó hụi của Ngọc ngày càng “nở nồi”, có thời điểm lên gần 20 dây hụi, với cả trăm lượt người tham gia (có người tham gia nhiều phần hụi).
Từ đây, hình thức chơi hụi của Ngọc cũng đa dạng hơn (hụi tuần, hụi nửa tháng, hụi một tháng), giá trị một phần hụi từ vài chục ngàn đồng lên 5 triệu đồng và thu nhập từ nghề “đầu thảo” tăng lên mà không phải cực khổ nên Ngọc bỏ công việc gia đình cho chồng con, suốt ngày kè kè sổ sách, lo thu tiền các hụi viên.
Tuy nhiên, Ngọc không bằng lòng từ thu nhập chân chính mà lợi dụng lòng tin của hụi viên để chiếm đoạt tiền. Ngọc khai: Ngọc bắt đầu lập “hụi ma” từ năm 2010 đến năm 2014 được 19 dây hụi các loại.
“Chiêu” của Ngọc là lấy tên khống tham gia chơi hụi và đến kỳ bốc thăm, những hụi viên không đến dự thì Ngọc bỏ thăm cao hốt luôn. Ngọc chiếm đoạt của các hụi viên gần 350 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian làm chủ hụi, Ngọc chiếm đoạt tiền của các hụi viên nên gia đình nhanh chóng khấm khá, tạo được lòng tin khiến hụi viên càng tin tưởng “chọn mặt gửi tiền” chơi hụi mà không phải lo lắng.
Họ không ngại khó khăn làm lụng vất vả kiếm tiền đóng hụi và mơ ước sẽ có được một số tiền lớn hơn để sắm sửa tiện nghi trong gia đình, xây dựng nhà. Nhưng rồi tất cả sụp đổ khi Ngọc tuyên bố “bể hụi”.
Số tiền mà Ngọc chiếm đoạt là tiền mồ hôi, nước mắt của người dân lao động cật lực, dành dụm. Có người hoàn cảnh cuộc sống hết sức khó khăn, làm thuê mướn bấp bênh như chú Nguyễn Văn Chiến (xã Thanh Đức).
“Hồi trước, bà Ngọc làm ăn uy tín giao tiền hụi viên đúng hẹn nên được nhiều người tin và cả xóm này hầu như gia đình nào cũng chơi hụi của bà Ngọc.
Số tiền 8 triệu đồng bà Ngọc chiếm đoạt không lớn so những nhà khá giàu nhưng nó là mồ hôi, công sức lao động của tui.
Số tiền để dành chơi hụi để khi hốt sắm sửa cho gia đình nhưng giờ tui tay trắng. Mong gia đình bà Ngọc có trách nhiệm cùng bà trả lại số tiền chiếm đoạt cho tui”- chú Chiến bức xúc.
Đồng cảnh với chú Chiến, chị Huỳnh Thị Tuyết Nga “mối ruột” của Ngọc, có thời điểm tham gia nhiều phần hụi. “Trước đây bà Ngọc làm ăn đàng hoàng lắm nên mới tin, không đến nhà bỏ thăm. Tui ở nhà làm cặm cụi để có tiền đóng hụi mà không hay biết mình bị lừa”- chị Nga cho biết.
Vì tin tưởng, nhiều hụi viên không kiểm tra danh sách người tham gia, không đến bốc thăm, đến khi “bể hụi” mới hay bà Ngọc lừa gạt mình.
Nhiều hụi viên còn bất ngờ hơn khi biết bà Ngọc còn lập ra hàng loạt phần “hụi ma” để chiếm đoạt tiền.
Sau khi “bể hụi”, các hụi viên chỉ còn cách tố cáo bà Ngọc đến cơ quan điều tra xử lý, hy vọng lấy lại tiền. Tại cơ quan điều tra, bà Ngọc thừa nhận hành vi chiếm đoạt tiền của nhiều hụi viên và bà Ngọc cũng khắc phục được một phần.
Trong 2 ngày (27- 28/7/2017), TAND huyện Long Hồ đưa vụ án ra xét xử đối với Lê Thị Kim Ngọc về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại tòa, nhiều bị hại bức xúc yêu cầu bà Ngọc phải sớm khắc phục hậu quả, bởi tiền hụi bà chiếm đoạt là tiền mồ hôi, công sức khổ cực của họ.
Qua 2 ngày xét xử, tòa tuyên phạt Lê Thị Kim Ngọc (ảnh) 3 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải khắc phục hậu quả cho các hụi viên 300 triệu đồng (số tròn).
Hụi là hình thức góp vốn trên tinh thần tự nguyện khá phổ biến ở nông thôn. Chủ hụi (đầu thảo) tổ chức, góp tiền và được hưởng hoa hồng, còn hụi viên tham gia mục đích tích lũy vốn có lời. Thời gian qua, không ít trường hợp “bể hụi” gây điêu đứng nhiều người. Để hạn chế rủi ro, người tham gia chơi hụi cần tìm hiểu kỹ đầu thảo và cả người cùng tham gia chơi hụi có thật sự đáng tin cậy. Khi chơi hụi cũng cần có vật chứng, tiền hụi đóng vào… để khi “bể hụi”, cơ quan pháp luật có cơ sở giải quyết, buộc chủ hụi khắc phục hậu quả. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM- HỒNG NAM
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin