Hành vi của đối tượng tung tin đồn thất thiệt về máy bay rơi ở Nội Bài là trái pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh.
Hành vi của đối tượng tung tin đồn thất thiệt về máy bay rơi ở Nội Bài là trái pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh.
Vào khoảng thời gian chiều 20/7/2017, cư dân mạng dân xôn xao khi một tài khoản Facebook tung lên 5 ảnh chụp tại một cuộc diễn tập khẩn nguy hàng không với nội dung "Mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng... Nội Bài này". Trong ảnh, một máy bay nằm ngang qua mương nước cùng với xe chữa cháy.
Ngay sau đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Huy Dương - Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - khẳng định thông tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài là bịa đặt. Ông Dương cho biết, trong ca trực từ sáng đến chiều ở sân bay Nội Bài, các chuyến bay đều an toàn, không gặp bất cứ sự cố nào. Ông Nguyễn Huy Dương cho biết, việc đưa thông tin lên mạng ảnh hưởng đến tâm lý các hành khách. Cảng hàng không sẽ báo cáo sự việc lên Ủy ban An ninh hàng không Quốc gia và và đề nghị công an điều tra tài khoản Facebook tung tin "máy bay rơi" ở Nội Bài.
Cảng HKQT Nội Bài. |
Việc tung tin đồn thất thiệt về máy bay rơi sẽ bị xử lý thế nào? Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận: "An ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, có vai trò sống còn đối với sự phát triển của ngành hàng không dân dụng. An ninh hàng không đã được đặt trong tổng thể hệ thống an ninh quốc gia".
Luật sư Thơm đánh giá, hành vi của đối tượng đã đưa thông tin thất thiệt lên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi xem xét đến hành vi phạm tội của các đối tượng cũng cần phải đánh giá tính chất, mức độ hành vi vi phạm, động cơ, mục đích để có thể xử lý theo theo qui định của pháp luật.
"Trường hợp xác định đối tượng có mục đích chống đối chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt máy bay rơi nhằm gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh hàng không cũng như an ninh quốc gia thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm cho biết.
"Nếu hành vi của các đối tượng tung tin thất thiệt về máy bay rơi trên mạng xã hội không nhằm mục đích tuyên truyền chống Nhà nước mà chỉ nhằm câu like, tăng số lượng người truy cập… thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm cho hay.
Luật sư Thơm dẫn chiếu theo Nghị định số 174/2013 (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện): phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm.
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Theo Kiến Thức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin