"Liên minh ma quỷ" rút ruột tiền công trình

05:06, 07/06/2017

Ngày 6/6/2017, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Phòng Công thương huyện Tam Bình.

Ngày 6/6/2017, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Phòng Công thương huyện Tam Bình.

Phiên tòa trong ngày đầu xét xử vụ án (6/6/2017).
Phiên tòa trong ngày đầu xét xử vụ án (6/6/2017).

Cáo trạng Viện KSND truy tố 6 bị cáo: Nguyễn Giao Chi (SN 1959)- nguyên Trưởng Phòng Công thương huyện Tam Bình; Nguyễn Khắc Lâm Sơn (SN 1981)- nguyên kế toán xây dựng cơ bản huyện Tam Bình; Nguyễn Thanh Tâm (SN 1977)– nguyên nhân viên Công ty CP Xây dựng Tam Bình (gọi tắt là Công ty Tam Bình); Nguyễn Thành Nhân (SN 1954)- nguyên Giám đốc Công ty Tam Bình; Huỳnh Quốc Trung (SN 1985)- Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Tân Bình (gọi tắt Công ty TNHH Tân Bình) và Phạm Thanh Sang (SN 1986)- Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng kiến trúc Phố Trẻ (Công ty Phố Trẻ).

“Liên minh ma quỷ”

Hành vi của các bị cáo bị Viện KSND tỉnh Vĩnh Long truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự. Trong đó, bị cáo Nguyễn Giao Chi giữ vai trò chính trong vụ án.

Thời điểm đó, bị cáo Chi là Trưởng Phòng Công thương huyện Tam Bình chỉ đạo cấp dưới và thông đồng với các doanh nghiệp tạo thành “liên minh ma quỷ” rút ruột tiền công trình chia nhau tiêu xài.

Phòng Công thương Tam Bình được UBND huyện Tam Bình giao làm chủ đầu tư các dự án xây dựng giao thông nông thôn và trụ sở làm việc các xã trong huyện.

Theo đó, chủ đầu tư thực hiện dự án chỉ định gói thầu xây dựng khởi công xây dựng công trình trước khi ngân sách phân bổ nguồn vốn nhằm phục vụ yêu cầu phát triển địa phương.

Thời điểm này, Nguyễn Giao Chi- Trưởng phòng- và Nguyễn Khắc Lâm Sơn- kế toán công thương huyện Tam Bình- với chức vụ, quyền hạn của mình, biết rõ các công trình dự án do Phòng Công thương Tam Bình làm chủ đầu tư đã triển khai thực tế, công trình sắp hoàn thành (công trình có nhiều gói thầu).

Bên cạnh có một số công trình không thực hiện gói thầu tư vấn quản lý, tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất, vì phần việc này không có triển khai thực hiện trên thực tế do các công trình đã thi công có khối lượng hoặc chờ quyết toán phần thi công nên kinh phí các gói thầu trên hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, Chi dùng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo cho Sơn tìm các đối tác (công ty xây dựng có pháp nhân) để lập thủ tục các hợp đồng khống một số công việc, nhằm rút tiền ngân sách nhà nước do Phòng Công thương huyện Tam Bình quản lý.

“Rút ruột” tiền công trình

Năm 2010, Chi cùng với Nguyễn Thành Nhân- Giám đốc Công ty Tam Bình thỏa thuận sử dụng pháp nhân của công ty ký khống hợp đồng hoàn toàn không có thực hiện công việc và khống phần công việc, gây thiệt hại trên 3 tỷ đồng.

Trong số tiền này, Phòng Công thương huyện Tam Bình nhận 2,2 tỷ đồng (số tròn), Chi chỉ đạo cho Sơn để ngoài sổ kế toán và gửi 1 tỷ đồng (số tròn) vào tài khoản của Sơn ở ngân hàng để lấy lãi. Sau đó, Chi chỉ đạo cho Sơn rút tiền gửi ngân hàng và tiền để ngoài sổ sách tiêu xài.

Trong đó, Sơn xài hơn 1 tỷ đồng, số còn lại Chi chỉ đạo chia cho nhân viên trong phòng như: chia tiền quản lý dự án, công tác phí, hỗ trợ tiền tết, đi du lịch, khen thưởng, tặng quà cho các ban ngành,…

Tính từ năm 2009- 6/2014, các bị cáo cấu kết lập 138 hợp đồng khống (85 hợp đồng với Công ty Tam Bình, 36 hợp đồng Công ty TNHH Tân Bình và 17 hợp đồng Công ty Phố Trẻ) để chiếm đoạt tiền các gói thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và phân tích đánh giá hồ sơ do Phòng Công thương huyện Tam Bình làm chủ đầu tư. Tổng số tiền thiệt hại do các bị cáo gây ra trên 3,8 tỷ đồng (số tròn).

Năm 2013, Sơn biết được một số công trình xây dựng do Phòng Công thương huyện Tam Bình làm chủ đầu tư không có thực hiện các gói thầu tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và phân tích đánh giá đề xuất. 

Sơn “đề xuất” với Chi tìm cách chiếm đoạt tiền để tiêu xài và được Chi đồng ý. Sau khi được Chi “bật đèn xanh”, Sơn bàn với Nguyễn Thanh Tâm (cán bộ Công ty Tam Bình) tìm cách lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền cùng chia nhau tiêu xài.

Nhiệm vụ của Tâm là tìm đối tác có pháp nhân ký hợp đồng để hợp thức hóa hồ sơ công trình, mục đích rút tiền từ ngân sách nhà nước do Phòng Công thương huyện Tam Bình quản lý.

Do quen biết trước, Tâm gặp Phạm Thanh Sang (Giám đốc Công ty Phố Trẻ) bàn bạc lấy pháp nhân của công ty này để lập khống hồ sơ gói thầu tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và phân tích đánh giá hồ sơ đề xuất.

Họ cũng thỏa thuận chia: Sang nhận 30- 35%, Tâm 40- 45% và Sơn nhận 20% giá trị hợp đồng. Sang lập tổng cộng 17 hồ sơ khống thông qua Chi ký đại diện, với giá trị 185 triệu đồng (số tròn).

Hợp đồng thực hiện, Phòng Công thương huyện Tam Bình chuyển tiền cho Công ty Phố Trẻ, sau đó rút tiền mặt chia nhau tiêu xài.

Cũng thủ đoạn trên được sự đồng ý của Chi, Sơn gặp Huỳnh Quốc Trung (Giám đốc Công ty TNHH Tân Bình) để bàn bạc lập hợp đồng khống các công trình do Phòng Công thương làm chủ đầu tư.

Theo đó, Sơn lập sẵn 36 hồ sơ khống, còn Trung dùng pháp nhân của công ty mình đại diện ký, đóng dấu. Để các hợp đồng đúng thủ tục pháp luật, Chi, Sơn và Trung ghi lùi thời gian để hợp thức hóa thủ tục quyết toán rút tiền ngân sách nhà nước.

Do mối quen biết, Sơn yêu cầu Trung làm đối tác ký các hợp đồng. Tính từ năm 2009-2013, Trung ký 36 hợp đồng với Phòng Công thương Tam Bình, giá trị 390 triệu đồng (số tròn) và Trung hưởng 136 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi vụ án xảy ra, Trung chỉ thừa nhận một phần trách nhiệm bởi trong 36 hợp đồng thì có 9 hợp đồng khống, 3 hợp đồng Trung lập cho Phòng Công thương quyết toán, 14 hợp đồng có thực hiện công việc nhưng sử dụng con dấu đóng lùi ngày.

Dự kiến phiên tòa xét xử diễn ra trong 3 ngày (6- 8/6/2017), Báo Vĩnh Long sẽ tiếp tục thông tin cùng bạn đọc.

2 bị cáo Nguyễn Thanh Tâm và Huỳnh Quốc Trung không thừa nhận tội “Tham ô tài sản” phía Viện KSND truy tố. Bị cáo Tâm cho rằng mình là nhân viên bình thường của Công ty CP Xây dựng Tam Bình nên không phạm tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Huỳnh Quốc Trung cũng biện minh là mình làm thuê, các ký kết hợp đồng có thực hiện. Bị cáo không có bàn bạc với bị cáo Sơn lập hợp đồng khống nên không phạm tội.

Đối với bị cáo Nguyễn Khắc Lâm Sơn, trước hành vi quanh co không thành khẩn nhận tội, vị chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở bị cáo Sơn nên khai báo trung thực để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh