Rượu vào mềm môi, ông Sáu ngẫu hứng làm thơ phiếm chuyện đời, khiến ông Tư hiểu nhầm là ám chỉ mình. Từ câu thơ ấy, 2 ông từ bạn thân trở thành đối nghịch rồi cự cãi, đánh nhau dẫn đến cái chết thương tâm cho ông Sáu.
Rượu vào mềm môi, ông Sáu ngẫu hứng làm thơ phiếm chuyện đời, khiến ông Tư hiểu nhầm là ám chỉ mình. Từ câu thơ ấy, 2 ông từ bạn thân trở thành đối nghịch rồi cự cãi, đánh nhau dẫn đến cái chết thương tâm cho ông Sáu.
Ông Nguyễn Văn Tư và ông Nguyễn Văn Sáu đều tuổi ngoài 60 và ở cùng xóm (xã Ngãi Tứ- Tam Bình). 2 ông bạn già thân nhau nên hễ có “mồi bén” là rủ nhau lai rai vài xị đế nói chuyện đời cho vui. Ai ngờ từ câu thơ ấy, 2 ông từ bạn thân trở thành đối nghịch rồi cự cãi, đánh nhau dẫn đến người chết, người vào tù.
Chiều 25/10/2016, ông Tư, ông Sáu cùng với một số “chiến hữu” ở xóm nhậu kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Khi mọi người ngà ngà say, ông Sáu ngẫu hứng làm câu thơ: “Cá ham ăn dễ sa vào lưới”.
Tưởng chừng “thơ thẩn” làm cho tiệc nhậu thêm rôm rả nhưng không ngờ ông Tư lại hiểu nhầm, nghĩ ông Sáu làm thơ ám chỉ mình ham ăn nên 2 người cự cãi dẫn đến xô xát nhau.
Do rượu vào lại nóng tính nên không ai chịu nhường nhịn ai, bất chấp bạn bè khuyên can. Từ đấu khẩu đến động thủ, những người nhậu chung kịp thời can ngăn nên 2 ông quay vào tiếp tục cuộc nhậu, kéo dài thêm khoảng hơn một tiếng đồng hồ nữa. Nhưng chuyện ông Tư và ông Sáu lại “dậy sóng” vì câu thơ trước đó.
Lúc này ai cũng xỉn nên không còn chú ý, mặc cho 2 ông thách thức đấu nhau. Lần này, 2 ông bạn già kéo đến hành lang để giải quyết hơn thua bằng nắm đấm. Trong lúc giằng co, ông Tư vung nắm đấm vào mặt ông Sáu nhiều cái khiến nạn nhân té ngửa ra sau.
“Tui nhớ đánh vào mặt ông Sáu 3- 4 cái làm ông té ngã, đầu đập vào cạnh tấm ván gỗ bất tỉnh rồi khoảng 15 phút sau ổng tỉnh dậy đi về nhà. Tui nghĩ ổng bị choáng chớ không có thương tích gì nặng nhưng không ngờ chấn thương sọ não rồi chết sau đó”- ông Tư nhớ lại.
Sau khi bị ông Tư đánh, ông Sáu tỉnh lại tự đi về thì bị nôn ói. Người nhà nghĩ là say rượu nhưng một lúc sau thấy sắc mặt ông Sáu càng xấu đi nên gia đình cấp tốc đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trà Ôn cấp cứu thì các bác sĩ chẩn đoán ông bị chấn thương sọ não nặng, chuyển ông Sáu đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhưng ông không qua khỏi.
Sau vụ việc đau lòng, ông Tư bị công an bắt giữ về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Khi tỉnh rượu và biết người bạn già chết do chính mình đánh, ông Tư rất ăn năn, hối hận.
Dù gia đình cuộc sống khó khăn nhưng ông Tư cũng vay mượn lo mai táng, trả viện phí (tổng cộng 76 triệu đồng) cho người bạn thân như phần nào chuộc lại lỗi lầm và mong muốn gia đình ông Sáu tha thứ cho hành động thiếu kiềm chế của mình.
Nhậu nhẹt rồi làm thơ hay nói chuyện phiếm chủ ý để cho vui, tưởng chừng vô hại nhưng vì hiểu lầm mà dẫn đến cảnh đau thương: người chết tức tưởi, kẻ tù tội. Ông Sáu chết đi để lại bao đau thương mất mát không gì bù đắp được.
Còn ông Nguyễn Văn Tư vì uống rượu, có chút nóng giận, thiếu kiềm chế mà gây ra cái chết thương tâm cho người bạn thân nên phải giam mình trong 4 bức tường lạnh lẻo của nhà giam ở cái tuổi ngoài 65. Có lẽ đây là bài học cũng đáng được ngẫm nghĩ trong chuyện ăn nhậu rồi chọc ghẹo, nói chuyện phiếm.
|
TAND huyện Tam Bình đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Tư phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tòa nhận định hành vi bị cáo Tư rất nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của con người, thể hiện ý thức xem thường luật pháp, gây mất trật tự an ninh địa phương.
Tuy nhiên, nhân thân bị cáo Tư tốt, gây án thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, vi phạm pháp luật lần đầu nên cần giảm nhẹ hình phạt để thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.
Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tư 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” và buộc bị cáo bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại là 26 triệu đồng. |
HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin