Cảnh giác với trò lừa trên mạng

06:05, 12/05/2017

Một ngày nọ, bạn bỗng nhận được tin nhắn của người thân, bạn bè gửi qua mạng xã hội Zalo, Facebook,… nhờ nạp cạc điện thoại hoặc hỏi số tài khoản để chuyển tiền, bạn chớ vội tin ngay mà hãy gọi điện kiểm chứng để tránh sụp bẫy kẻ gian.

Một ngày nọ, bạn bỗng nhận được tin nhắn của người thân, bạn bè gửi qua mạng xã hội Zalo, Facebook,… nhờ nạp cạc điện thoại hoặc hỏi số tài khoản để chuyển tiền, bạn chớ vội tin ngay mà hãy gọi điện kiểm chứng để tránh sụp bẫy kẻ gian.

Tin nhắn trên messenger giữa người viết với đối tượng xâm nhập Facebook Nguyễn Hồng giở trò lừa đảo.
Tin nhắn trên messenger giữa người viết với đối tượng xâm nhập Facebook Nguyễn Hồng giở trò lừa đảo.

Chơi Zalo trúng thưởng xe SH và 200 triệu đồng

Tuần trước, tài khoản Zalo của chị Trang Nguyễn (Việt kiều đang định cư tại Đức) nhận được tin nhắn của cô em dâu ở xã Thuận An (TX Bình Minh) với nội dung: “Em vừa trúng thưởng xe SH 150i và 200 triệu đồng do tập đoàn mạng xã hội Zalo và Honda Việt Nam đồng tài trợ. Em muốn tặng chị ít tiền, chị nhắn số tài khoản để em chuyển tiền qua”.

Nhận thấy có gì đó khác thường vì không ai lại chuyển tiền VNĐ cho người đang sống ở nước ngoài nên chị Trang nhắn lại: “Cảm ơn em! Em cho chị biết số tiền em tặng và tài khoản của em đi. Chị biết cách rút tiền từ tài khoản của em”.

Tin nhắn gửi đi nhưng không thấy hồi âm và chỉ ít phút sau đó thì tài khoản Zalo của chị Trang bị khóa. Biết tài khoản Zalo của em dâu bị hacker tấn công và mượn danh để giở trò lừa đảo, chị Trang gọi điện về quê nhà thông báo cho người thân biết.

Em dâu chị Trang nghe xong ngạc nhiên bảo: “Hèn chi mấy bữa nay em không vô Zalo được nhưng bạn bè trong danh bạ lại nhận được tin nhắn nói là em gửi báo đã trúng xe SH 150i và 200 triệu đồng”.

Hôm đó, nhiều người trong gia đình chị Trang đã nhận được tin nhắn có cùng nội dung: “Tài khoản Zalo của bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng giải nhất gồm 1 chiếc xe máy SH 150i và 200 triệu đồng tiền mặt. Giải thưởng do tập đoàn mạng xã hội Zalo và Honda Việt Nam đồng tài trợ”.

Tin nhắn còn cho biết đây là sự kiện nhằm gửi lời tri ân khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ Zalo đồng thời cung cấp một mã số và đường link yêu cầu chủ tài khoản bấm vào đó để làm thủ tục nhận thưởng.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhà mạng Zalo thì đó là địa chỉ giả nhằm mục đích lừa đảo và có chứa vi rút, mọi người không nên tin và truy cập vào.

Tấn công tài khoản Facebook yêu cầu nạp cạc điện thoại

Mới đây, người viết nhận được tin nhắn của dì ruột hỏi “đang làm gì?” qua messenger trên Facebook. Thấy có gì đó khác thường vì xưa nay dì không bao giờ xưng hô “trống không” như thế nên tôi sinh nghi.

Cùng lúc, em gái tôi gọi điện báo dì cũng vừa nhắn tin hỏi thăm vài câu đã nhờ nạp cạc điện thoại Vinaphone 200.000đ. Nhưng khi em tôi hỏi “dì ở đâu, con mua cạc đem lại” thì cứ viện lý do bận không chịu gặp.

Đoán người đang trò chuyện trên mạng không phải là dì, tôi vào messenger trả lời “trống không” như bạn bè. Vậy là đối tượng sụp bẫy xưng với tôi bằng tên Nguyễn Hồng trên Facebook.

Qua vài câu thăm hỏi, người đang mạo danh dì tôi bảo “nhờ tí việc” rồi đề nghị nạp dùm cạc điện thoại Vinaphone 200.000đ bằng cách mua thẻ rồi cào mã số chụp hình gửi qua tin nhắn.

Tôi giả vờ rủ “dì” đến quán cà phê đưa cạc luôn thì đối tượng bảo bận. Khi bị tôi “lật tẩy” bằng tin nhắn “sáng giờ nhận được mấy cái thẻ cào 200 rồi bạn…” thì đối tượng “rời mạng” lặn mất tăm.

Tôi gọi điện cho dì. Dì bảo: “Sáng giờ không đăng nhập Facebook được nhưng may là bạn bè, đối tác làm ăn đã nhận ra Facebook của dì bị hacker tấn công nên gọi điện thông báo cho nhau, nhờ vậy không có ai bị sụp bẫy”.

Bên cạnh những thủ đoạn nêu trên, được biết thông qua mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo còn tìm hiểu thông tin cá nhân của nhiều người.

Sau đó, chúng giả danh cán bộ thanh tra, cảnh sát kinh tế,… gọi điện báo đang điều tra vụ án mà người nhận được cuộc gọi có liên quan và yêu cầu “con mồi” nạp tiền vào tài khoản, sau khi cơ quan chức năng làm rõ nếu không vi phạm sẽ được nhận lại số tiền đó. Do cả tin không ít người đã làm theo dẫn đến “tiền mất tức mang”.

Theo một cán bộ điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Long: Gần đây, tội phạm lừa đảo qua mạng thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi nên khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi có nội dung khác thường nên liên hệ ngay những người có liên quan để kiểm chứng hoặc báo cơ quan công an.

Trường hợp cơ quan điều tra cần làm việc với công dân hay người có liên quan vụ án đều liên hệ bằng thư mời hoặc giấy triệu tập. Do đó, những trường hợp gọi điện thoại, nhắn tin xưng danh cán bộ và có yêu cầu không rõ ràng là không đúng quy định và có ý đồ xấu mọi người không nên tin.

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh