"Nghề" truy tìm và bắt giữ các đối tượng có lệnh truy nã là việc làm "mò kim đáy biển", vì "cây kim" này vừa biết di chuyển lại vừa biết che giấu hành tung. Bắt được đã khó mà thanh loại và quyết định đình nã đối tượng lại càng khó hơn.
“Nghề” truy tìm và bắt giữ các đối tượng có lệnh truy nã là việc làm “mò kim đáy biển”, vì “cây kim” này vừa biết di chuyển lại vừa biết che giấu hành tung. Bắt được đã khó mà thanh loại và quyết định đình nã đối tượng lại càng khó hơn.
1 trong 2 hồ sơ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm- Công an tỉnh Vĩnh Long đã hoàn tất thủ tục đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định đình nã 2 đối tượng đã có lệnh truy nã trước đó là của đối tượng Lê Long Thanh. Đây là hồ sơ khó nhất, mất rất nhiều công sức và thời gian của các cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm.
Đối tượng Lê Long Thanh. |
Hành trình truy tìm đối tượng
Lê Long Thanh (SN 1974, thường trú ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TX Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long). Tháng 8/1995, Thanh bị TAND TX Vĩnh Long tuyên mức án 2 năm tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản công dân”.
Mới chấp hành án được một năm thì vào tháng 8/1996, Thanh bỏ trốn khỏi nơi giam nên Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TX Vĩnh Long ra quyết định truy nã y trên toàn quốc.
Tiếp nhận hồ sơ truy nã đối tượng Lê Long Thanh, các trinh sát truy nã tội phạm đã tổ chức triển khai truy tìm. Thời gian đầu, có nguồn tin cho biết đối tượng đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh và các anh đã “khăn gói” đi tìm hàng tháng trời.
Nhưng đất Sài thành đông người, nhiều ngõ, tìm mãi không được, các anh đành trở về tay không! Những năm sau đó, nhiều phương án truy tìm đối tượng này được đặt ra nhưng rồi cũng chưa thành công. Nhiều năm trôi qua, thông tin về dấu vết của Lê Long Thanh ngày càng ít dần rồi mất hẳn.
Không có thông tin mới về đối tượng, các trinh sát phán đoán có thể đối tượng đã tìm cách thay tên, đổi họ chăng? Chỉ có như thế thì các dấu vết trốn chạy của hắn mới không còn nữa.
Thế là các trinh sát truy nã quyết định truy tìm manh mối trong tàng thư căn cước can phạm. Bởi theo suy đoán của các anh, Lê Long Thanh là đối tượng hình sự lại đang bị truy nã thì sớm muộn gì trong quá trình lẩn trốn y cũng phải tiếp tục phạm tội.
Đổi phương án truy tìm
Phương án đó được triển khai, trinh sát viên kỳ cựu là Trung tá Phan Văn Thuận- Đội trưởng Đội Truy bắt đối tượng truy nã được phân công liên hệ với bộ phận tàng thư của Bộ Công an. Nhiều ngày liền, anh cùng cán bộ tàng thư căng mắt theo từng dấu vết đường vân của các đối tượng nghi vấn. Và… “trời không phụ lòng người”.
Buổi chiều hôm đó, chỉ còn khoảng 15 phút nữa là hết giờ làm việc thì các anh bất ngờ phát hiện một dấu vân tay trùng khớp với đối tượng cần tìm. Tìm nhanh hồ sơ của dấu vân tay này, thật bất ngờ khi người đó lại là Lê Thành Dũng (SN 1978, quê quán ở TP Hồ Chí Minh).
Tin vào kết luận khoa học, mỗi người đều có dấu vân tay riêng, không ai giống ai nên các anh không nản lòng mà quyết định tiếp tục tra cứu cẩn thận dấu vân tay này và toàn bộ hồ sơ lưu một lần nữa ngay sáng hôm sau.
Kết quả lần này cũng vẫn xác định đó là dấu vân tay của Lê Thành Dũng, tuy nhiên số chứng minh nhân dân thì lại trùng khớp với số chứng minh nhân dân của Lê Long Thanh. Chi tiết này đã giúp Trung tá Phan Văn Thuận thêm vững tin khi quyết định phải tìm gặp trực tiếp người có tên Lê Thành Dũng này để xác minh cho rõ.
Hồ sơ lưu trong tàng thư tại đây cho biết, năm 1998, Lê Thành Dũng bị Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên án 6 năm 6 tháng tù giam, nhưng không ghi nơi y đang chấp hành án.
Chỉ với bấy nhiêu thông tin đó cũng đủ để Trung tá Phan Văn Thuận có thể lần tìm ra đối tượng. Thật vậy, chỉ 2 ngày sau đó, đồng chí Thuận đã tìm đến Công an thành phố và tại đây anh được hướng dẫn liên hệ với Công an tỉnh Bình Thuận để biết chi tiết vì phạm nhân Lê Thành Dũng đã được chuyển sang Trại giam Z30D.
Kết quả không ngờ
Trên đường đến Trại giam Z30D, Trung tá Phan Văn Thuận cứ nôn nao mong sớm được đối diện với Lê Thành Dũng. Một chút hồi hộp thoáng qua trong anh vì không biết người mình sắp gặp và Lê Long Thanh có phải là cùng một người như suy đoán hay không?
Nhưng… thật bất ngờ, khi đến nơi, anh được cán bộ Trại giam thông báo người mà anh cần tìm (tức Lê Thành Dũng) đã tìm cách trèo tường để bỏ trốn khỏi nơi giam nên đã bị cán bộ nhà trại bắn chết vào đêm 8/7/2000.
Chi tiết Lê Thành Dũng bị bắn chết khi đang trốn khỏi nơi giam đã gợi cho Trung tá Phan Văn Thuận hình ảnh Lê Long Thanh cũng bỏ trốn khỏi nơi giam ngày nào và đó cũng chính là lý do tại sao anh và đồng đội phải truy tìm y suốt trong thời gian qua.
Cùng dấu vân tay, cùng số chứng minh nhân dân, cùng là đối tượng phạm tội và cùng bỏ trốn khi đang chấp hành án phạt tù, 2 con người này sao có nhiều thứ trùng hợp như vậy? Và để trả lời cho câu hỏi đó, Trung tá Phan Văn Thuận quyết định làm thủ tục mượn hồ sơ nghiệm thi của Lê Thành Dũng đem về nhờ bộ phận chuyên môn nghiên cứu và so sánh với hồ sơ của Lê Long Thanh.
Thời gian sau đó, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm- Công an tỉnh Vĩnh Long nhận được câu trả lời là trên cơ sở xác định của khoa học: 2 tên Lê Thành Dũng và Lê Long Thanh đều là của một người.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm, Trung tá Phan Văn Thuận đã kết thúc được hành trình 20 năm truy tìm đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm Lê Long Thanh.
Mọi chuyện tiếp theo chỉ còn là thủ tục, xác định rõ Lê Long Thanh đã chết. Ngày 18/8/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP Vĩnh Long đã ra quyết định đình nã đối tượng này.
Việc truy tìm thành công và làm rõ được vụ việc như vừa nêu trên rõ ràng là nhờ vào sự cần cù, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của trinh sát viên cùng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm- Công an tỉnh.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý thông tin, hồ sơ nghiệp vụ Công an nhân dân từ Bộ Công an đến công an các địa phương cũng đã thể hiện được tính khoa học, hợp lý, góp phần lớn vào thành công chung trong quá trình truy tìm đối tượng.
|
Thông thường, theo quy định thì những trường hợp người đang bị truy nã trong quá trình bỏ trốn phạm tội mới và bị bắt giữ thì cơ quan điều tra thụ lý vụ án mới thông báo bằng văn bản cho cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã trước đó biết để ra quyết định đình nã và phối hợp điều tra theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, một người là Lê Thành Dũng, còn người kia là Lê Long Thanh nên việc Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP Hồ Chí Minh không thông báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an Vĩnh Long biết là điều tất nhiên. |
MINH TẤN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin