Tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng) vừa diễn ra cuộc trao trả tội phạm. Đối tượng truy nã Trần Thị Lý bị bắt giữ sau gần 6 năm trốn sang nước ngoài.
Tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng) vừa diễn ra cuộc trao trả tội phạm. Đối tượng truy nã Trần Thị Lý bị bắt giữ sau gần 6 năm trốn sang nước ngoài.
Mới đây, tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng đã diễn ra một cuộc trao trả tội phạm đặc biệt. Đối tượng truy nã Trần Thị Lý bị bắt giữ sau gần 6 năm lẩn trốn sang nước ngoài.
Đây chính là sự nỗ lực chung tay trong đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa lực lượng Công an Việt Nam và Trung Quốc.
Lực lượng chức năng tiếp nhận, dẫn giải đối tượng Trần Thị Lý. |
Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (TNTP), Cục Đối ngoại, Cảnh sát TNTP Công an tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh Cao Bằng và lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng chính là những đơn vị chủ công trong việc đưa đối tượng truy nã từ nước ngoài về Việt Nam quy án.
Vụ mua bán phụ nữ xuyên biên giới được Công an tỉnh Yên Bái phát hiện, điều tra, bóc gỡ từ năm 2012. Khi ấy, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã điều tra vụ án Trần Văn Tập (SN 1980, trú tại xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cùng các đối tượng đồng phạm là Trần Xuân Hòa (SN 1969) và Trần Thị Lý (SN 1960), cùng trú tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang phạm tội mua bán người.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, Trần Văn Tập chính là em ruột của Trần Thị Lý. Nhiều năm liền Lý không về Tuyên Quang sinh sống mà phiêu bạt ở Trung Quốc làm ăn. Khoảng tháng 7/2010, trong một lần đi Lạng Sơn chơi, Tập gặp chị gái. Sau những lời hỏi han về gia đình, Lý bàn với Tập đưa phụ nữ sang Trung Quốc cho Lý bán, Lý sẽ trả tiền công cho em mình sòng phẳng.
Để thực hiện trót lọt việc lừa bán phụ nữ qua biên giới, Trần Văn Tập bắt đầu tính toán xem làm thế nào có thể lừa được các cô gái mà không bị nghi ngờ.
Đầu tiên, Tập đi mua ngay sim điện thoại mới lắp vào điện thoại, lấy tên khác là Tuấn khi giao dịch, tự nhận quê ở Vĩnh Phúc và bắt đầu gọi, nhắn tin vu vơ vào các số điện thoại lạ để làm quen.
Thấy có người nhắn tin trả lời, Tập tìm hiểu, nếu là đàn ông thì Tập xin lỗi vì nhầm máy, là phụ nữ thì Tập bắt đầu chiến dịch cưa cẩm, yêu đương.
Trong số những nạn nhân bị "sập bẫy" có chị Bàn Thị N. (SN 1980, trú tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).
Cuối tháng 7, sau một số lần liên hệ, Tập đi xe máy từ Tuyên Quang đến Yên Bái, tìm đến nhà chị N. Chị N. khi gặp cũng tỏ ra quý mến Tập nên đã dẫn sang nhà một số người họ hàng giới thiệu và đưa về nhà mình ăn cơm.
Trong bữa cơm, Tập làm quen với Tưởng Thị Đ. (SN 1992, cháu họ của N.) và ngỏ ý muốn mời cả N. cùng cháu về nhà mình ở Vĩnh Phúc chơi nhưng bố chị N. không đồng ý nên Tập đi xe máy ra khu vực huyện Đoan Hùng, Phú Thọ để nghỉ qua đêm.
Sau đó, Tập điện thoại cho Hòa để bàn kế hoạch đưa đón chị N. từ Yên Bái về Lạng Sơn bán cho Lý. Ngày hôm sau, Tập quay lại nhà chị N. và rủ về nhà mình ở Vĩnh Phúc chơi, chị N. đồng ý và rủ thêm cháu họ là Tưởng Thị Đ. đi cùng. Hai cô gái trẻ không ngờ đó chính là chuyến đi định mệnh, rơi vào cạm bẫy của đường dây mua bán người.
Sau khi cùng Hòa đưa chị N. cùng cháu họ từ Yên Bái đến Lạng Sơn an toàn, Tập đã được Lý đón tiếp và trả trước cho 7 triệu đồng tiền bán chị N. và chị Đ.
Sau hơn 1 năm bị bán làm vợ ở xứ người, chị N. và chị Đ. lần lượt trốn được về Việt Nam, tố cáo hành vi mua bán người của Trần Văn Tập cùng đồng bọn với cơ quan chức năng.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã với những đối tượng bỏ trốn trong đường dây mua bán người nêu trên.
Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lực lượng Cảnh sát TNTP Công an tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành các biện pháp truy bắt, nhưng mắt xích quan trọng nhất trong đường dây là Trần Thị Lý vẫn chưa bị bắt bởi Lý sinh sống tại nước ngoài. Cục Cảnh sát TNTP đã đề nghị với Cục Đối ngoại, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp truy bắt đối tượng Trần Thị Lý phục vụ công tác điều tra, xét xử vụ án.
Thông qua kênh hợp tác quốc tế, Cục Đối ngoại đã trao đổi với cơ quan chức năng Trung Quốc về việc truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Thị Lý nghi đang sinh sống tại Trung Quốc, hiện có lệnh truy nã quốc tế số A-494/1-2017.
Quá trình phối hợp truy bắt tội phạm, ngày 21/3/2017, Văn phòng Sĩ quan liên lạc Cảnh sát, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có trao đổi với cơ quan chức năng Việt Nam về việc đã bắt giữ được đối tượng và đồng ý trao trả đối tượng Trần Thị Lý cho cơ quan chức năng Việt Nam, thời gian bàn giao vào ngày 24/3/2017.
Được lãnh đạo cấp trên giao nhiệm vụ, Cục Cảnh sát TNTP đã liên hệ với Cục Đối ngoại cập nhật thông tin về thời gian, địa điểm trao trả đối tượng; triển khai kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Cục Đối ngoại, Cục Cửa khẩu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phòng Cảnh sát TNTP Công an tỉnh Yên Bái, Công an tỉnh Cao Bằng và Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng tổ chức tiếp nhận đối tượng truy nã quốc tế Trần Thị Lý đảm bảo an toàn, đúng pháp luật.
Ngày 24/3, tại khu vực cầu Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc), đoàn Trung Quốc gồm đại diện Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Thủy Khẩu và Cục Công an huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã bàn giao đối tượng Trần Thị Lý cho đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Công an tỉnh Cao Bằng, Công an tỉnh Yên Bái.
Ngay sau đó, đối tượng đã được lực lượng Công an di lý về Yên Bái để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án mua bán người./.
Theo Anh Hiếu/Công an Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin