Ngày nay, chuyện dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin, giao lưu, học tập hay bình luận cá nhân… trở nên phổ biến trong cuộc sống của mọi người.
Ngày nay, chuyện dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin, giao lưu, học tập hay bình luận cá nhân… trở nên phổ biến trong cuộc sống của mọi người.
Gây hấn trên Facebook, nữ sinh lớp 8 đâm thấu ngực bạn mình. |
Song, thực trạng đáng báo động là một số thanh thiếu niên, học sinh dùng mạng xã hội theo hướng tiêu cực để thách thức, tranh luận, gây hấn rồi dẫn đến giải quyết mâu thuẫn ngoài đời không khác nào kiểu xã hội đen mà hậu quả của nó rất nghiêm trọng: giết người, xâm hại sức khỏe, nhục mạ người khác,…
Người dân ở cù lao Minh chưa quên vụ 2 nhóm thanh niên thanh toán nhau đẫm máu theo kiểu xã hội đen ngay tại chợ Đồng Phú (Long Hồ) làm thương vong 2 người.
Những người buôn bán ở chợ Đồng Phú chứng kiến cảnh họ thanh toán nhau không khỏi rợn người. “2 bên thanh niên mặt còn non choẹt nhưng xăm hình trên người lộ ra bên ngoài trông rất hung tợn và tỏ ra hung hăng.
Chúng la hét rồi xông vào đánh, chém loạn xạ làm 2 người bị thương tích gục ngã…”- một người buôn bán ở chợ Đồng Phú kể lại.
Ngay sau vụ án, công an bắt được hung thủ là Trương Quốc Bảo (20 tuổi, xã Phước Hậu- Long Hồ). Còn 2 bị hại là Lê Phương Vinh (16 tuổi, xã Đồng Phú) bị thương nặng tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu và Ngô Kim Nam (xã Đồng Phú) cũng bị thương nặng phải nhập viện điều trị.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Bảo khai động cơ thanh toán nhau chỉ vì chuyện hết sức bình thường thách thức trên Facebook.
Chúng muốn thể hiện bản tính hiếu chiến “tranh hùng” mà không nghĩ rằng nó để lại hậu quả nghiêm trọng người chết, kẻ phạm tội và cuộc đời sẽ giam mình vào 4 bức tường lạnh lẽo khi tuổi đời còn quá trẻ.
Đối tượng Bảo cho biết, nhận được tin nhắn từ một tài khoản có tên “Kim Nguyên” trên Facebook nội dung trêu chọc, chửi bới, đe dọa. Bảo “điều tra” biết Vinh là chủ tài khoản “Kim Nguyên”.
Thế là Bảo nhắn tin thách thức lại và từ đó 2 bên “đấu” nhau trên Facebook với những lời lẽ sặc mùi giang hồ.
Ngày 7/11/2016, Bảo nhắn tin cho Vinh trên Facebook, rủ nhau “chém lộn”. Còn Vinh cũng sẵn sàng chấp nhận thách đấu với Bảo. Địa điểm “tranh hùng” tại chợ Đồng Phú. Đúng hẹn, Bảo chuẩn bị sẵn con dao nhọn, rủ thêm bạn tên Nhí (chưa rõ địa chỉ) tới điểm hẹn trước chờ Vinh.
Vinh cũng đúng hẹn cùng với Nam có mặt với tư thế sẵn sàng cho cuộc “thư hùng”. Gặp nhau, 2 bên không cần “động khẩu” mà xông vào thanh toán. Vinh, Nam bị Bảo đâm trọng thương, con dao gãy làm đôi.
Cuộc hỗn chiến cùng tiếng la hét, máu đổ, người gục ngã khiến những người chứng kiến hoảng sợ không dám vào can ngăn. Khi vụ việc lắng xuống, họ mới tổ chức đưa những người bị thương đi cấp cứu.
Người dân còn chưa hết bàng hoàng về vụ án trên thì mới đây cũng tại huyện Long Hồ, 2 nữ sinh học lớp 8 hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn cũng từ chuyện lên Facebook thách thức nhau. Hậu quả của “cuộc đấu” là 1 học sinh bị đâm trọng thương phải nhập viện điều trị.
Theo lời khai, 2 nữ sinh này thường xuyên lên Facebook trêu ghẹo nhau với những lời lẽ thiếu nhã nhặn dẫn đến cự cãi trong thời gian dài nhưng chưa có hồi kết.
2 nữ sinh này hẹn gặp nhau ngoài đời để “2 mặt một lời” giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Trước khi đi, các em mang theo hung khí (dao) để trước “động khẩu, sau động thủ”.
Cuộc chiến làm một nữ sinh bị đâm thấu ngực nhưng may mắn vết thương không đi vào vùng nguy hiểm nên giữ được tính mạng.
Ngày nay, học sinh tạo tài khoản cá nhân trên mạng xã hội trở nên phổ biến. Tuy nhiên, khi các em có những vấn đề không đồng quan điểm thì dùng từ ngữ xúc phạm đối phương dẫn đến cự cãi trên mạng.
Khi vụ việc lên đỉnh điểm, không còn kiểm soát bản thân, các em sẵn sàng hẹn nhau đánh hội đồng, làm nhục ở ngoài đường trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội khiến các bậc cha mẹ lo lắng.
Không phủ nhận mạng xã hội tiện ích trong cuộc sống nếu như mọi người sử dụng theo hướng tích cực, đúng mục đích. 2 vụ án trên cũng là hồi chuông cảnh báo những học sinh, thanh thiếu niên khi sử dụng mạng xã hội cần suy nghĩ tích cực để mang lại hiệu quả cho học tập, cho cuộc sống mình.
Thời gian qua, nhiều vụ án đã xuất phát từ mạng ảo do họ mất kiểm soát đối với hành vi, lời nói của mình. Những hậu quả đáng tiếc trên xảy ra, một phần xuất phát từ những cách nhìn nhận, sử dụng lệch lạc về Facebook của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là mỗi người khi sử dụng Facebook phải xây dựng cho mình một văn hóa ứng xử và tuân theo những nguyên tắc chung của mạng xã hội. Mặt khác, mỗi người cũng phải biết tự kiềm chế mình trên Facebook, những cảm xúc đôi khi bị đẩy lên thái quá và nhiều người không còn đủ tỉnh táo để kiểm soát gây ra những hiểu lầm hoặc mâu thuẫn không đáng có. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM- HỒNG NAM
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin