Nhùng nhằng chuyện tranh chấp đất

08:02, 16/02/2017

Hợp đồng chuyển nhượng hoặc cầm cố đất đai nhưng chỉ thỏa thuận miệng hoặc làm hợp đồng bằng giấy viết tay, đến khi xảy ra tranh chấp mới kéo nhau ra tòa giải quyết khiến sự việc kéo dài, mất tình làng nghĩa xóm.

Hợp đồng chuyển nhượng hoặc cầm cố đất đai nhưng chỉ thỏa thuận miệng hoặc làm hợp đồng bằng giấy viết tay, đến khi xảy ra tranh chấp mới kéo nhau ra tòa giải quyết khiến sự việc kéo dài, mất tình làng nghĩa xóm.

Đất đã mang đi cầm nhưng ông Trần Văn Tư (xã Thành Lợi- Bình Tân) lại tự ý chuyển nhượng cho người khác, dẫn đến tranh chấp trong thời gian dài và phải nhờ đến tòa án giải quyết.

Theo đơn khởi kiện của ông Trần Văn Ấm (ngụ cùng địa phương), vào năm 2004, ông có cầm của ông Trần Văn Tư 1,5 công đất, giá 25 chỉ vàng. “Hai bên thỏa thuận nếu đến hạn mà ông Tư không chuộc lại đất thì tôi tiếp tục canh tác.

Nhưng khoảng tháng 1/2015, khi chuẩn bị dọn đất để sạ lúa thì bị anh Huỳnh Văn Cường ngăn cản. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ, thì ra ông Tư đã tự ý chuyển nhượng phần đất trên cho bà Nguyễn Thị Ru Y. Tôi tức quá nên yêu cầu ông Tư trả lại 25 chỉ vàng nhưng ông ấy không thực hiện nên tôi khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi”- ông Ấm kể.

Tại tòa, ông Tư thừa nhận đã cầm 1,5 công đất cho ông Ấm lấy 25 chỉ vàng, thời hạn 2 năm (từ 2004- 2006), làm biên nhận bằng giấy viết tay. Đến năm 2009 thì ông Tư cầm tiếp mảnh đất này cho bà Ru Y. Hai bên cũng tự thỏa thuận 25 chỉ vàng mà ông Tư đã nhận của ông Ấm thì bà Y đứng ra trả thay. Sau đó, bà Y tiếp tục chuyển nhượng phần đất này cho anh Huỳnh Văn Cường.

Anh Cường bức xúc: Tại thời điểm tôi nhận chuyển nhượng thì tôi biết chỉ có bà Y đang canh tác.

Nay ông Ấm khởi kiện yêu cầu ông Tư trả 25 chỉ vàng, nếu không phải giao lại đất thì tôi không đồng ý vì quá trình chuyển nhượng với tôi và bà Y được tiến hành hợp pháp. Hiện nay tôi đứng tên quyền sử dụng đất và đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền mua đất cho bà Y. Việc ông Ấm và ông Tư tranh chấp với nhau thì hai bên tự giải quyết.

TAND huyện Bình Tân xác định, quan hệ pháp luật trong tranh chấp này là “tranh chấp về hợp đồng dân sự”.

Giấy cầm cố đất giữa ông Ấm với ông Tư được các bên thừa nhận. Việc ông Ấm và ông Tư thực hiện hành vi cầm cố quyền sử dụng đất là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Ông Tư không thông báo cho ông Ấm biết việc đã chuyển nhượng đất cho bà Y chođến khi anh Cường ngăn cản không cho ông Ấm canh tác nữa thì lúc này sự việc mới vỡ lẽ, lỗi này hoàn toàn thuộc về ông Tư. Do đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ấm. Vô hiệu giấy cầm cố đất giữa ông Tư với ông Ấm và buộc ông Tư phải có nghĩa vụ trả cho ông Ấm 25 chỉ vàng.

Trong một sự việc khác, ông Lê Ngọc Hùng (xã Thành Trung- Bình Tân) nhận cầm cố của vợ chồng anh Đồng Công Lập và chị Nguyễn Phương Nam 3 công đất, với giá 10 chỉ vàng 24K và 60 triệu đồng, thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên sau đó, anh Lập đã gặp ông Hùng xin mướn lại 3 công đất trên với giá 12 triệu đồng/năm để canh tác.

Nhưng từ đó đến nay anh Lập không thực hiện đúng thỏa thuận. Từ đó, ông Hùng đã khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi. Nhận định của tòa cho thấy, hành vi cầm cố quyền sử dụng đất là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Vì theo quy định của pháp luật về đất đai thì người sử dụng đất chỉ có các quyền là chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê,…

Và, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó, tòa buộc vợ chồng anh Lập phải liên đới trả cho ông Hùng 10 chỉ vàng 24K và 60 triệu đồng.

Qua 2 vụ việc trên cho thấy, nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc tài sản và khi giao dịch phải thực hiện đúng quy định của pháp luật thì sẽ không xảy ra tranh chấp, nhùng nhằng kéo dài.

HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh