Đại gia chuỗi cá tra biến mất

09:02, 21/02/2017

Từ tháng 11-2016 đến nay, vợ chồng bà chủ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco) Nguyễn Thị Huệ Trinh đã biến mất khỏi tỉnh An Giang.

Từ tháng 11-2016 đến nay, vợ chồng bà chủ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Tafishco) Nguyễn Thị Huệ Trinh đã biến mất khỏi tỉnh An Giang.

Trong khi, Tafishco là đầu mối tổ chức chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - xuất khẩu cá tra theo chủ trương của Chính phủ để xây dựng ngành cá tra phát triển bền vững. Nhiều hộ dân có nguy cơ mất cả trăm tỷ đồng đã làm đơn tố cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và nhiều cơ quan khác.

Chuỗi liên kết của kỳ vọng

Ngành cá tra phát triển khá nóng trong những năm đầu thế kỷ XXI, đến năm 2008 thì rơi vào khủng hoảng thừa nguyên liệu. Từ đó, ngành cá tra càng trở nên khó khăn trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường xuất khẩu.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thiếu liên kết giữa nuôi - chế biến - xuất khẩu. Sau nhiều bàn thảo, giữa năm 2014, hai chuỗi liên kết cá tra theo chiều dọc được tổ chức thí điểm (trong 2 năm, đến tháng 5-2016) ở tỉnh Đồng Tháp và An Giang, kỳ vọng đưa ngành cá tra vượt qua khó khăn.

Trụ sở chính của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An. Ảnh: GIA BẢO
Trụ sở chính của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thuận An. Ảnh: GIA BẢO

Ở tỉnh An Giang, Tafishco chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản, được Bộ Công thương tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” với doanh số năm 2013 là 1.133 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2011). Tafishco lập dự án chuỗi liên kết cá tra và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép thực hiện.

Chuỗi liên kết tổ chức theo nguyên tắc hợp tác tay ba: doanh nghiệp chế biến - người nuôi - ngân hàng.

Ngân hàng cho vay tiền mua thức ăn và thuốc chữa bệnh để nuôi cá, con cá phải bán cho Tafishco và mang theo nợ sang Tafishco; sau đó, Tafischco chế biến xuất khẩu, nhận tiền về trả nợ ngân hàng.

Ưu điểm của chuỗi liên kết là tín dụng cho vay không bị cắt khúc theo từng khâu nuôi - chế biến nên ngân hàng có khả năng đáp ứng đủ vốn theo nhu cầu.

Lãi suất vay chỉ 6,5% (thấp hơn thông thường 0,5%), khuyến khích sản xuất theo chuỗi để có điều kiện xây dựng thương hiệu cá tra. Các hộ nuôi cá muốn tham gia chuỗi phải đáp ứng nhiều quy định về kỹ thuật và có ít nhất 30% vốn.

Sau 2 năm, báo cáo hồi tháng 3-2016 của Tafishco khẳng định, chuỗi liên kết đạt kết quả tốt, người nuôi cá luôn có lời, doanh nghiệp ổn định nguyên liệu chế biến nên xuất khẩu đạt hiệu quả cao. Nhiều hộ nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP, BAP, sản phẩm có điều kiện vào thị trường Mỹ.

Từ cơ sở này, tháng 5-2016, UBND tỉnh An Giang cho phép mở rộng chuỗi liên kết, Tafishco trở thành “doanh nghiệp đầu mối thực hiện chuỗi liên kết cá tra”, không chỉ trực tiếp thực hiện mà còn làm đầu mối thu hút nhiều doanh nghiệp khác tham gia.

Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng vốn vay cho chuỗi từ 234,7 tỷ đồng với diện tích nuôi 42ha và 8 hộ dân, tăng lên 416 tỷ đồng với diện tích 72ha và 30 hộ tham gia, kéo dài thời gian thí điểm đến tháng 5-2018.

Đổ vỡ và tố cáo

Sau khi chủ của Tafishco biến mất khỏi địa phương, các hộ nuôi cá tham gia chuỗi bàng hoàng. Theo thống kê, cả chục hộ nuôi cá tra ở tỉnh An Giang đã bị Tafishco nợ hơn 82 tỷ đồng.

Các hộ dân nợ Agribank An Giang gần bằng số tiền đó. Theo quy định của chuỗi thực hiện mấy năm qua, món nợ của các hộ dân ở Agribank An Giang sẽ được Tafishco trả.

Tuy nhiên, Tafishco chưa trả và Agribank An Giang thì quay lại đòi các hộ dân, yêu cầu trả nợ cũ mới được vay nợ mới để tiếp tục nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú, An Giang) than thở, mấy ao cá tra của ông đang kỳ lớn, tháng trước đã đạt 6 - 7 con/kg, không có đủ thức ăn nên bây giờ cá nhỏ lại, chỉ còn 9 - 10 con/kg.

Đối chiếu công nợ hồi đầu tháng 12-2016, ông Tấn bị Tafishco nợ gần 12 tỷ đồng, trong khi ông cũng nợ Agribank An Giang chừng đó và Agribank An Giang yêu cầu muốn tiếp tục vay tiền mua thức ăn cho cá thì ông phải trả nợ cũ.

Một lãnh đạo Argibank An Giang xác nhận, các hộ dân trong chuỗi liên kết với Tafishco đang nợ hàng trăm tỷ đồng và Tafishco cũng nợ ngân hàng số tiền khá lớn. Phó Tổng giám đốc Tafishco Hoàng Hữu Thành cho biết thêm, từ khi nhận ủy quyền điều hành Tafishco, doanh nghiệp không có tiền trả nợ cho nông dân nên đã mở kho cá phi-lê đông lạnh giao cho nông dân khoảng 700 - 800 tấn.

Việc cho nông dân vay tiền mua thức ăn nuôi cá theo chuỗi, thực hiện căn cứ hợp đồng nguyên tắc ba bên: Agribank An Giang, Tafishco và các hộ dân.

Tuy nhiên, còn có thêm nhiều hợp đồng và phụ lục, dù đều bắt buộc thực hiện chuỗi liên kết nhưng cũng có những chi tiết bất lợi với nông dân...

Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh An Giang, ông Phạm Sơn, cũng chỉ cho biết: “UBND tỉnh đã nhận được đơn kiến nghị lần thứ 5 của các hộ dân và đang theo dõi”.

Khoảng hơn chục hộ dân nuôi cá tra ở tỉnh An Giang, sau nhiều lần gửi kiến nghị đến UBND tỉnh An Giang không được giải quyết, đã gửi đơn tố cáo đến Thủ tướng Chính phủ và nhiều cơ quan ở Trung ương.

Theo đơn, Tafisco có dấu hiệu lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để chiếm đoạt tiền của dân và của cả Agribank An Giang. Đồng thời, Agribank An Giang cũng có dấu hiệu tiếp tay cho Tafishco làm sai...

Đơn viết, “Từ khi vợ chồng bà Trinh bỏ trốn đến nay, tiền bán cá của Tafishco được đối tác nước ngoài trả 3 triệu USD đã bị Agribank An Giang thu giữ để bù đắp vào các khoản cho vay sai quy định của chính mình (…).

Những khoản tiền trên đúng ra phải được dùng để thanh toán đáo hạn cho các hộ nông dân chuỗi liên kết chúng tôi”. Đơn của các hộ dân mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ đúng sai, bảo vệ quyền lợi của người dân nuôi cá.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh