Tượng Phật bà bị mất cắp ở chùa Mễ Sở: Quý như bảo vật quốc gia

07:10, 04/10/2016

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, những tượng Quan Thế nghìn tay nghìn mắt to như thế này ở nước ta giờ rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, những tượng Quan Thế nghìn tay nghìn mắt to như thế này ở nước ta giờ rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ nhiều năm nay, vấn nạn trộm cắp cổ vật đã diễn ra ở hầu khắp các di tích trên cả nước. Các “tay đạo chích” thường nhắm vào các tượng thờ cổ trong chốn thiền môn.

Mới đây nhất, dư luận lại bức xúc vì pho tượng Phật bà ở chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) bị mất cắp vào ngày 29/9. Đây là pho tượng Phật cổ quý hiếm đặt tại khu thờ trên tầng 2 của nhà chùa, là một kiệt tác hiếm có ở Việt Nam.

Bức tượng Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt có giá trị (Ảnh TL).
Bức tượng Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt có giá trị (Ảnh TL).

Tượng Quan Thế Âm chùa Mễ Sở là pho tượng cổ với 1.113 tay và 1.113 mắt. Tượng cao 2,8 mét, được chế tác bằng gỗ mít. Từ chỏm đầu tượng tới mặt ngồi cao 140cm, bệ cao 53 cm, tòa sen cao 23cm.

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, tượng Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Đây là một pho tượng Phật quý, có thể đưa vào danh sách bảo vật quốc gia.

“Tượng này không phải kế thừa một cách gần gũi với những pho tượng trước đó, mà có nhiều sự biến đổi nhất định về mặt tạo hình. Các nghệ nhân xưa đã có nhiều sáng tạo nghệ thuật khi tạo tác pho tượng và không lệ thuộc vào các nguyên tắc lúc bấy giờ.

Những tượng Quan Thế nghìn tay nghìn mắt to như thế này ở nước ta giờ rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nay bức tượng bị đánh cắp, dòng chảy của tượng Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn gần như bị thủng một lỗ lớn. Cho nên hết sức đề nghị công an cố gắng tìm bằng được”, PGS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ.

Được biết, do có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc cũng như lịch sử nên bức tượng Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở thường xuyên bị nhòm ngó.

Trước đó, pho tượng này cách đây 28 năm (năm 1988) đã bị mất và tìm lại được nhưng đến giờ lại bị mất lần thứ hai.

Từ video của camera an ninh ghi lại cho thấy, thời điểm pho tượng bị đánh cắp khoảng 1h30 rạng sáng 29/9. Sau khi đưa pho tượng ra ngoài, một người đàn ông bịt mặt, đeo găng tay đã quay lại khu thờ để lau chùi nhằm xóa các dấu vết.

Hiện tại, cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Giang (Công an tỉnh Hưng Yên) cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ điều tra làm rõ vụ mất trộm tượng Phật bà ở chùa Mễ Sở.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau phần lớn các vụ việc mất cắp xảy ra, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra tung tích những kẻ trộm. Hầu hết những cổ vật sau khi bị đánh cắp đều khó có cơ hội tìm lại được.

Có thể kể đến nhiều vụ mất cắp cổ vật tại các di tích từng gây xôn xao dư luận như: Chùa Tây Phương (Hà Tây)  bị mất cắp pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt bằng gỗ khá lớn;  đền Hai Bà Trưng (Hà Tây) mất sắc phong; chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) mất tượng; chùa Biện Sơn (Vĩnh Phúc) mất tượng ở tòa Cửu Long và tượng Mẫu...

Những kẻ trộm cổ vật hầu như ít khi bị lôi ra ngoài ánh sáng, nhưng cũng không có ai phải chịu trách nhiệm sau khi cổ vật trong di tích bị đánh cắp.

Đa phần các địa phương giao cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì trông coi di tích, thậm chí có cơ sở không có người trông coi.

Trong khi đó, thủ đoạn ăn cắp của các nhóm tội phạm thường có tổ chức và rất tinh vi. Đến khi cổ vật bị mất cắp, trách nhiệm không biết quy cho ai. Không ai phải chịu trách nhiệm, đồng nghĩa với việc những cổ vật trong di tích cứ còn bị mất dài dài.

Ngoài ra, phần người dân thì bàng quan vì cho rằng, chùa chiền là nơi thờ tự linh thiêng nên không ai dám vào ăn cắp. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Lâm Biền, chùa chiền là chốn linh thiêng đối với tùy người, không phải ai cũng nghĩ như vậy. Đối với những tên “đạo chích”, cổ vật trong chùa chỉ là món mồi ngon béo bở dễ dàng lấy cắp.

Công tác quản lý bảo vệ các di sản văn hóa, di tích ở các địa phương rõ ràng còn bị buông lỏng, tùy tiện, làm việc theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

Việc trông coi di tích, bảo vệ cổ vật không thể chỉ phụ thuộc vào các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của ngành văn hóa, chính quyền địa phương, ban quản lý di tích, nhân dân địa phương cũng như các cơ quan công an để ngăn chặn vấn nạn trộm cắp cổ vật tại các di tích./.

Theo Hà Phương/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh