Băng trộm vàng ở miền Tây: Núp bóng dân chài đột nhập tiệm vàng

06:08, 16/08/2016

Những ngày qua, người dân ở làng chài ven sông Hậu thuộc xã Thiện Mỹ và thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) không khỏi xôn xao chuyện 3 anh em: Lê Văn Dũng (50 tuổi), Nguyễn Văn Dân (42 tuổi) và Lê Văn Mười (39 tuổi, là em rể Dân và em ruột của Dũng) trong băng trộm vàng nổi tiếng ở miền Tây, đã bị công an bắt giữ.

Những ngày qua, người dân ở làng chài ven sông Hậu thuộc xã Thiện Mỹ và thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) không khỏi xôn xao chuyện 3 anh em: Lê Văn Dũng (50 tuổi), Nguyễn Văn Dân (42 tuổi) và Lê Văn Mười (39 tuổi, là em rể Dân và em ruột của Dũng) trong băng trộm vàng nổi tiếng ở miền Tây, đã bị công an bắt giữ.

Ở cái làng chài này, họ sống rất hiền lành, nên không ai nghĩ họ đã thực hiện nhiều vụ đột nhập các tiệm vàng và cơ sở kinh doanh, trộm tài sản giá trị hàng tỷ đồng để giàu lên nhanh chóng.

Chân dung 3 anh em núp bóng dân chài

 

 

Dũng, Dân, Mười trong băng trộm vàng.
Dũng, Dân, Mười trong băng trộm vàng.

30 năm trước, Dũng đến ấp Mỹ Phó (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) sinh sống và bén duyên với một phụ nữ nơi đây. Gia đình ít đất, hàng ngày vợ chồng Dũng làm nghề chài lưới trên sông Hậu.

Chiều chiều, Dũng chạy ghe ra sông chài lưới đến sáng về. Nếu sáng nào cá tép nhiều thì vợ Dũng mang ra chợ bán, còn nếu ít thì “gõ cửa” xóm giềng bán rẻ cũng kiếm được tiền gạo.

Những lúc sóng to gió lớn không ra sông chài lưới được, Dũng đi hái dừa thuê hoặc ai mướn gì cũng làm, cuộc sống cũng đắp đổi qua ngày.

“Vài năm trở lại đây, anh Dũng bị bệnh, sông cũng ít cá nên chuyển sang chạy ghe vận chuyển hàng thuê. Mỗi chuyến vài ba ngày thì anh Dũng đưa 2-3 triệu đồng xoay xở trong gia đình và cũng có lúc không có ai thuê. Cứ tưởng tiền mang về từ chạy ghe vận chuyển thuê cho người ta. Thật sự tui cũng không biết là ảnh đi trộm cắp…”- vợ của Dũng cho biết.

Dân thì nổi tiếng là “tay sát cá” ở xóm chài. Mỗi lần ra sông, Dân thường đánh bắt nhiều cá hơn người khác. Ban ngày, Dân đi buôn trái cây về bán lại ở các chợ Trà Ôn, chợ nổi Phong Điền. Ít khi thấy Dân ở nhà nên nhiều người không khỏi cảm phục tính cần cù, chịu khó làm ăn của Dân (!)

Còn Mười cũng xuất thân từ nông dân nghèo, cuộc sống khó khăn. Mười trồng rẫy, rảnh rỗi ra chợ làm thêm nghề bốc vác.

Buổi chiều thì theo 2 người anh ra sông chài lưới. Sáng, vợ của Mười đem cá ra chợ bán. Lúc nghèo khó, Mười rất thích ăn mướp hương nên người ở cái xóm chài này gọi chết danh anh ta là “Mười mướp”.

Vài năm gần đây, 3 gia đình của anh em Dũng, Dân và Mười “phất lên” nhanh chóng. Nhà cửa được sửa chữa lại kiên cố, khang trang. Ở xóm chài, ai cũng mừng vì nghĩ họ chí thú làm ăn, biết tích lũy xây dựng cơ ngơi. Nhiều người “dò xét” thì Mười cho biết may mắn trúng 2 tờ vé số độc đắc 3 tỷ đồng.

Thông tin này cũng lan truyền ra ngoài khiến nhiều người mừng, cho là họ chăm chỉ làm ăn nên được may mắn thoát kiếp nghèo.

Ông Châu Minh Phụng- Trưởng Công an xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) cho biết, anh em Dũng rất siêng năng, thường ngày mua bán trái cây, chiều ra sông chài lưới. Họ không nhậu nhẹt hay có biểu hiện gì khác lạ và cũng không vi phạm pháp luật ở địa phương. Họ sống rất tình cảm, được người dân cảm mến nên không ai nghi ngờ họ là kẻ trộm.

Đến khi Dũng, Mười và Dân bị bắt, dân xóm chài bàn tán xôn xao, có người còn chưa tin họ thuộc băng trộm cắp…

Thủ đoạn táo bạo, tinh vi

Trong nhóm của 3 anh em Dũng, còn có Lê Văn Đời, Nguyễn Văn Diệp, Nguyễn Minh Thắng và Phùng Thanh Tâm cùng ở TP Hồ Chí Minh. Băng trộm này chuyên đột nhập vào các tiệm vàng và cơ sở kinh doanh các tỉnh miền Tây để trộm tài sản.

Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, thường chọn thời điểm gây án vào lúc nửa đêm về sáng. Khi tiệm vàng nào lọt vào tầm ngắm, chúng nghiên cứu kỹ vị trí đột nhập và hướng tẩu thoát nên thường “đánh nhanh rút lẹ”.

Một số tiệm vàng có gắn camera vẫn bị băng trộm vô hiệu hóa.
Một số tiệm vàng có gắn camera vẫn bị băng trộm vô hiệu hóa.

Đến ngày tiếp cận tiệm vàng, bọn chúng di chuyển bằng vỏ lãi, đặt máy công suất lớn. Chúng rất cẩn thận “hóa trang”: đeo găng tay, đầu đội nón vải, che kín mặt, tìm cách vô hiệu hóa camera an ninh.

Khi đột nhập, chúng sắp xếp có một tên cầm hung khí đứng trước cửa phòng ngủ của chủ tiệm và nếu chủ tiệm thức giấc phát hiện tri hô, lập tức chúng tấn công để đồng bọn tẩu thoát.

Sau đó, chúng dùng kiềm cộng lực cắt ổ khóa, đột nhập vào bên trong, phá tủ kiếng, hốt vàng vào thau rồi xuống vỏ lãi tẩu thoát. Với những thủ đoạn tinh vi, tính toán kỹ như thế, nhiều tiệm vàng dù được phòng vệ cẩn thận cũng vẫn bị chúng đột nhập, lấy đi nhiều tài sản.

Để tránh bị công an phát hiện, chúng thường xuyên thay đổi địa bàn, hoạt động từ tỉnh này sang tỉnh khác. Chủ quan là chủ tiệm vàng không thể bắt được nên khi đột nhập, chúng rất bình tĩnh, đi lại như chỗ không người.

Thậm chí, có lần chúng đột nhập vào tiệm vàng xong còn ung dung xẻ dưa hấu, dọn cơm ra ăn no nê rồi mới trộm tài sản.

Trong khi các chủ tiệm vàng nơm nớp lo sợ, công an đã quyết định thành lập Ban chuyên án do Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng- Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) làm trưởng ban.

Sau thời gian dài theo dõi, khoảng 2 giờ rạng sáng 30/7/2016, Ban chuyên án “cất vó” tóm được tên Đời và Thắng đang đột nhập vào tiệm vàng ở chợ Kinh (xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên- Sóc Trăng). Sau đó, các đối tượng trong băng trộm lần lượt bị bắt.

Theo Ban chuyên án, từ đầu năm 2015 đến khi bị bắt, băng trộm của Dân, Dũng, Tâm, Mười, Đời, Diệp và Thắng đã thực hiện 21 vụ trộm. Trong số này, chúng đột nhập 10 tiệm vàng, 11 vụ trộm ở cơ sở kinh doanh, với tài sản trị giá hơn 10 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng là các tiệm vàng, cơ sở kinh doanh cặp mé sông ở các tỉnh miền Tây như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang. Số vàng trộm được chúng đem lên TP Hồ Chí Minh nấu lại thành khối mang đến các tiệm vàng ở đây bán, lấy tiền chia nhau xài.

Bài, ảnh: HOÀI NAM- TRUNG HƯNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh