Bộ Công an, Bộ Thông tin- Truyền thông và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vừa tổ chức họp báo, công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 30/7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".
Bộ Công an, Bộ Thông tin- Truyền thông và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vừa tổ chức họp báo, công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Theo nhận định của cơ quan chức năng hoạt động tội phạm mua bán người (TPMBN) ngày càng có thủ đoạn tinh vi, phức tạp và có xu hướng tăng.
Chúng lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập của đất nước và một số người nhẹ dạ cả tin để lừa bán ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, buôn bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép cũng khá phổ biến. Hiện nay, không chỉ mua bán phụ nữ, trẻ em mà còn buôn bán nam giới, trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, nội tạng và đẻ thuê cũng là mục tiêu của bọn mua bán người.
Nhiều phụ nữ sống đua đòi, buông thả, nên lọt vào tầm ngắm của tội phạm mua bán người. |
Nhiều thủ đoạn của bọn TPMBN
Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, trong 5 năm gần đây, tình hình hoạt động của TPMBN diễn biến phức tạp, ngày càng tăng.
Cả nước phát hiện hơn 2.200 vụ (tăng 11,6%) với gần 4.500 nạn nhân, bắt hơn 3.300 nghi can. Qua đó, ngành tòa án các cấp đã xét xử 1.032 vụ với 2.084 bị cáo.
TPMBN thường là đối tượng có tiền án và tiền sự về hành vi mua bán người. Một số là người nước ngoài thông qua công ty môi giới dưới dạng tham quan, du lịch, thực hiện các hợp đồng, dự án kinh tế rồi móc nối, câu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế.
Hoặc các đối tượng từng là nạn nhân của bọn buôn người và không ít phụ nữ lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê dùng “chiêu” diễn cảnh giàu sang “nơi đất khách quê người” để dụ dỗ, lừa bán những người nhẹ dạ cả tin.
Đối tượng mua bán người thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện, điều tra. Chúng thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khác nhau để làm quen và lừa gạt.
Do đó, khi nạn nhân hoặc gia đình tố cáo và cung cấp thông tin rất khó khăn cho việc xác minh, điều tra của cơ quan công an.
Nạn nhân của loại tội phạm này chủ yếu là người dân vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết về xã hội, nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm hay gặp phải những chuyện éo le về tình cảm, chán đời sống buông thả.
Ngoài ra cũng không ít các cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ tin theo lời hứa hẹn đường mật của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài sẽ được đổi đời.
Phần lớn chúng lừa nạn nhân bán sang “thị trường” Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc,… dưới dạng đi du lịch, thăm thân nhân, hợp đồng lao động và khi ra nước ngoài chúng cưỡng bức lao động hoặc bán các nạn nhân vào động mại dâm.
Bên cạnh đó, tình trạng mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức “xem mắt vợ”, kết hôn giả để lừa bán ra nước ngoài cũng rất phổ biến.
Ở Vĩnh Long, tuy chưa phát hiện TPMBN nhưng đã có một số trường hợp nghi vấn bị lừa sang nước ngoài để đòi tiền chuộc.
Song, bị hại do mặc cảm xã hội nên khi về nước thì họ không trở lại địa phương và không tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, Vĩnh Long cũng như bao tỉnh- thành khác, TPMBN đang tiềm ẩn và có thể diễn biến phức tạp bất cứ lúc nào.
Phát huy cả hệ thống chính trị phòng chống TPMBN
Vì thiếu hiểu biết, muốn lấy chồng nước ngoài để đổi đời, nhiều phụ nữ chấp nhận qua cuộc “tuyển chọn vợ” đầy tủi nhục. |
Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa cho biết: “Sẽ huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi TPMBN trên phạm vi toàn quốc”.
Theo đó, công an các cấp tăng cường công tác quản lý, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, tuần tra kiểm soát ở các khu vực biên giới, nhà ga, bến xe, để phát hiện những TPMBN và những trường hợp có nghi vấn, giải cứu kịp thời nạn nhân.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để nâng cao hiệu quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người nghiêm minh, góp phần phòng ngừa, răn đe TPMBN.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, quản lý, giáo dục, giúp đỡ nạn nhân bị bọn tội phạm bán ra nước ngoài được giải cứu trở về. Chú trọng dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đây là vấn đề quan trọng, bởi nghèo khó nạn nhân càng dễ bị bọn buôn người dụ dỗ, lừa gạt. Song song đó, phải tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng chỉ đạo, năm 2016 phải đa dạng hóa hình thức, nội dung truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng, nhân rộng mô hình CLB chuyên sâu, lồng ghép về phòng, chống mua bán người.
Bên cạnh đó, thông tin về phòng, chống TPMBN được đăng tải trên cơ quan báo chí Trung ương, cấp tỉnh ít nhất 1 lần/tháng. Song song đó, các địa phương triển khai “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng” để mọi người hiểu và phòng tránh.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, hàng năm có gần 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên toàn thế giới. Trong đó, có khoảng 1,2 triệu trẻ em và 1/3 phụ nữ bị buôn bán ở các nước Đông Nam Á. Trước nạn TPMBN, Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu các tỉnh- thành tập trung thực hiện “Chương trình hành động phòng, chống TPMBN (Chương trình 130/CP) và triển khai quyết liệt, đồng bộ với hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ… để mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức TPMBN, tự bảo vệ bản thân |
Bài, ảnh: HOÀI NAM
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin