Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chuộc người xuất cảnh lao động trái phép

07:06, 05/06/2016


2.063 là số lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động trên toàn tỉnh Bắc Kạn trong hai năm 2014 – 2015.

2.063 là số lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động trên toàn tỉnh Bắc Kạn trong hai năm 2014 – 2015. 

Cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Bắc Kạn vận động bà con không xuất cảnh lao động trái phép.
Cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Bắc Kạn vận động bà con không xuất cảnh lao động trái phép.

Tình hình người địa phương vượt biên ra nước ngoài làm việc ngày càng gia tăng, không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú, những hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội mà còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự… Đặc biệt là sự xuất hiện của thủ đoạn mới, lừa đảo chuộc người xuất cảnh trái phép với số tiền từ 15-20 triệu đồng/người.

Có dịp theo chân Thượng uý Hứa Luân Trường, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Bắc Kạn và Thượng uý Nông Trung Hữu, Phó Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Pác Nặm đến thôn Đuông Nưa, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của địa phương về công tác xuất nhập cảnh mới hiểu được thực trạng này, cũng như nỗ lực của lực lượng Công an trong việc cảnh báo, ngăn chặn hoạt động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. 

Số liệu của cơ quan Công an cung cấp cho thấy, những tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 700 người xuất cảnh trái phép và nghi xuất cảnh trái phép, trong đó tập trung ở địa bàn Ngân Sơn, Pác Nặm. Không chỉ bằng các tài liệu, văn bản, số liệu khô khốc, các cán bộ Công an còn viện dẫn những câu chuyện thực tế về rủi ro mà người lao động có thể gặp phải khi xuất cảnh lao động trái phép.

Thượng tá Hoàng Văn Thái, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, rủi ro đầu tiên là người lao động không được nước sở tại bảo hộ quyền lợi của mình nên khi bị phát hiện nhập cảnh “chui” sẽ bị xử phạt. 

Có trường hợp người lao động bị ốm, đưa vào bệnh viện dù được các bác sỹ cứu chữa nhưng đã bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Khi người lao động không may bị tử vong, người nhà phải làm giấy thông hành sang nộp phạt và nộp phí điều trị, sau đó làm các thủ tục hỏa táng ở nước bạn rồi mang tro về chứ không được mang thi thể về. 

Bên cạnh đó là rủi ro bị quỵt tiền lương (tháng lương đầu tiên họ lấy lý do mình học việc, không trả thù lao nhưng thực ra tiền đó rơi vào túi người môi giới); bị bắt làm quá giờ; chỗ ăn chỗ làm không đảm bảo. 

Một số người còn gặp phải tình huống chủ vừa trả lương xong thông đồng các đối tượng lưu manh đón đường, cướp lại tiền; hoặc sắp hết hạn hợp đồng chủ báo Công an đến kiểm tra, nhằm để người lao động sợ hãi, bỏ trốn về nước, từ đó quỵt tiền, không trả lương những tháng cuối…

Thực trạng xuất cảnh trái phép lao động ở Bắc Kạn bắt đầu nở rộ từ năm 2013. Công an tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Chỉ thị 07 về tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn người địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. 

Quá trình thực hiện Chỉ thị này, Công an tỉnh đã thành lập tổ truy xét nhằm làm rõ những người cầm đầu, môi giới trong các đường dây. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 4 vụ, 5 đối tượng phạm tội “tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài”.

Năm 2015, Công an tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện quyết định của Giám đốc Công an tỉnh về việc thành lập tổ truy xét, qua đó đã xác minh, làm rõ 9 trường hợp đưa người xuất cảnh trái phép. 

Ngày 27/4/2015, Công an tỉnh Bắc Kạn cũng đã phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngăn chặn, vận động 1 vụ, 43 người trở lại các xã thuộc huyện Ba Bể, Pác Nặm do có sự dẫn dắt, môi giới đưa người xuất cảnh trái phép. 

“Việc điều tra, xử lý ngày càng khó khăn khi hành vi rủ rê tinh vi hơn, không có dấu hiệu thu tiền trước và các đối tượng không bàn bạc người dân sẽ xuất cảnh theo hình thức nào, trốn tránh lực lượng Công an ra sao…, trong khi đó chính là những dấu hiệu để truy tố các đối tượng và đưa ra xử lý trước pháp luật”, Thượng tá Hoàng Văn Thái chia sẻ. 

Anh cho biết, đa phần vụ việc phát hiện gần đây các đối tượng cầm đầu đường dây ở Trung Quốc liên lạc với người dân qua mạng xã hội nên gây khó khăn cho công tác xử lý.

Thượng tá Hoàng Văn Thái cũng lưu ý loại tội phạm mới nảy sinh thời gian gần đây, đó là tình trạng bắt giữ người lao động, sau đó một người tự xưng là Công an Trung Quốc gọi điện thoại thông báo cho gia đình sang “nộp tiền ăn thì được về”. 

Chẳng hạn, năm 2014, ở huyện Chợ Đồn có 5 trường hợp bị bắt giữ ở Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc, người thân phải mang 20 triệu đồng/người chuộc về. Tuy nhiên những người này không nộp tiền chuộc cho cơ quan nhà nước Trung Quốc mà là mang tiền đến biên giới đưa cho một người lạ. Đặc biệt xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền tinh vi mà chỉ khi người lao động được thả về người thân của họ mới ngỡ ngàng mình đã bị lừa. 

Chuyện là đầu tháng 9 năm 2015, trên địa bàn huyện Na Rì có 8 trường hợp người lao động được thông báo bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Đó là Triệu Văn C. (39 tuổi); Triệu Văn M. (17 tuổi, con trai C.); Mã Văn H. (28 tuổi); Lý Văn H. (27 tuổi); Hoàng Văn M. (28 tuổi); Hoàng Ngọc T. (21 tuổi); Hiến Minh H. (26 tuổi), cùng trú xã Lạng San, Na Rì; Phương Văn Q. (26 tuổi), xã Ân Tình, huyện Na Rì. Một thời gian sau có đối tượng tìm đến gia đình các nạn nhân trên đặt vấn đề sẽ đi tìm, chuộc người giúp, yêu cầu mỗi gia đình nộp 1,5 triệu đồng.

Ngày 21/9/2015, đối tượng này quay lại nhà các nạn nhân, mang theo các bức ảnh thể hiện người thân của họ đang bị “xã hội đen” bắt giữ, đồng thời ra điều kiện nếu muốn chuộc người thì nộp 15 triệu đồng/người. Tổng cộng số tiền của 8 người là 120 triệu đồng. Do thương xót người nhà và lo sợ họ bị đánh đập, đối xử tồi tệ nên các gia đình phải vay mượn để chồng đủ tiền. Chục ngày sau kể từ lúc đưa tiền, các gia đình không thể liên lạc được với người này nữa.

Khoảng 3 tháng sau, 8 người này được phóng thích, họ thừa nhận đã bị Công an Trung Quốc bắt chứ không phải “xã hội đen”. Và do hết hạn tạm giữ nên họ được về chứ không phải do số tiền chuộc mà người nhà đã nộp. “Đây là thủ đoạn lừa đảo mới, các nạn nhân khi đến trình báo đã tha thiết mong lực lượng Công an điều tra xử lý các đối tượng để không có thêm nhiều người bị “ăn quả lừa” như thế nữa”, Thượng tá Hoàng Văn Thái thông tin thêm.

Trong hai năm 2014 – 2015, có 137 trường hợp xuất cảnh lao động trái phép bị Công an Trung Quốc bắt, trao trả, tập trung ở các huyện: Na Rì, Pác Nặm, Ngân Sơn. Một số trường hợp phản ánh không được trả hết số tiền công lao động, một số bị bắt và đòi tiền chuộc, một số bị ốm đau, 2 người bị tử vong.

Theo CAND

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh