Kỳ 2: Phút trải lòng của kẻ thủ ác

02:06, 16/06/2016

Lúc ngồi trong phòng giam song sắt, họ mới bình tĩnh suy ngẫm hành vi tội lỗi của mình và trước lúc phán quyết của pháp luật, kẻ thủ ác có những phút giây ít ỏi trải lòng mình.

[links()]

Đi sâu tìm hiểu về những kẻ thủ ác, chúng tôi nhận thấy trong cuộc sống lắm uẩn khúc chất chứa lâu ngày nên khi có “cơ hội” thì bùng phát trong khi bản thân thiếu kiềm chế dẫn đến phạm tội ác tày trời, cướp đi mạng sống chính đấng sinh thành hay anh em ruột thịt từng thương yêu đùm bọc nhau.

Lúc ngồi trong phòng giam song sắt, họ mới bình tĩnh suy ngẫm hành vi tội lỗi của mình và trước lúc phán quyết của pháp luật, kẻ thủ ác có những phút giây ít ỏi trải lòng mình.

Phút trải lòng của Đặng Hùng Phương bên người mẹ già.
Phút trải lòng của Đặng Hùng Phương bên người mẹ già.

Ám ảnh câu nói của cha

Do nhiều ngày tháng ngồi trong trại giam, hôm ra tòa Lê Anh Tuấn trông trắng trẻo, mang vẻ mặt một thanh niên hiền lành. Bước xuống chiếc xe tù, Tuấn nhìn quanh như thể tìm người thân để nói lên lòng hối hận và xin được tha thứ.

Thời gian ngắn ngủi lúc nghị án, Tuấn đã trải lòng mình với người thân. Tuấn bảo, ở trại giam câu nói của ba (ông Lê Văn Lưng) “con giết cha sao Tuấn?” luôn ùa vào tâm trí và nó ám ảnh Tuấn mỗi đêm, đến 3-4 giờ sáng mới chợp mắt được.

Những ngày ở trại giam, Tuấn sống trong tâm trạng lo sợ một ngày đền tội. “Em sợ bị tử hình, không còn cơ hội trở về chăm sóc mẹ. Ở trại giam, em rất trông mẹ đến thăm để nói lên lòng hối hận và mong được mẹ tha thứ đứa nghịch tử…”- Tuấn nói.

Tuấn kể tiếp, lúc em tuyệt vọng bởi lương tâm cắn rứt, đôi khi đầu óc nghĩ quẩn nhưng chợt nhớ đến mẹ rồi cũng thôi. Cùng lúc có lá thư của chị gái gửi vào an ủi, động viên như tia sáng cứu vớt cuộc đời em.

Rồi mẹ cũng vào thăm, em mừng đến phát khóc khi gặp mẹ. Thì ra mẹ không bỏ em và vẫn còn thương em. Mấy tuần qua, mẹ không vào thăm vì cứ đến trại giam lại ngất xỉu. Ngồi ở trại giam, em ngẫm nghĩ tội lỗi khủng khiếp mình gây ra đã khiến cho người thân yêu của mình bao đau khổ. Em hy vọng được pháp luật khoan hồng để em có cơ hội làm lại cuộc đời.

Mọi người cảm thông, chia sẻ hoàn cảnh đáng thương của Tuấn đang đối mặt với án tù khi tuổi đời còn quá trẻ. Tuy nhiên, họ cũng lên án hành vi trái với luân thường đạo lý của Tuấn. Cha mẹ là đấng sinh thành, dù thế nào thì bổn phận làm con cũng không được có những hành động mất hết nhân tính, để rồi gia đình tang tóc.

Thời gian nghị án trôi qua mà Tuấn vẫn chưa trút hết nỗi lòng của mình với người thân. Những người dự khán đứng lên im phăng phắc, hồi hộp nghe HĐXX phán tội của Tuấn. HĐXX nhận định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của bị cáo Tuấn suy đồi đạo đức nên mức án dành cho Tuấn là 17 năm tù tội “Giết người”.

Cuối cùng Tuấn cũng được thoát được mức hình phạt cao nhất là án tử. Trên gương mặt của Tuấn đã bớt vẻ run sợ, lo âu vì còn có cơ hội trở về.

Tuấn hứa với mẹ sẽ cố gắng cải tạo tốt để được sớm trở về, dẫu biết rằng con đường ấy đầy những chông gai và cả kỳ thị. “Con sẽ làm lại từ đầu và hy vọng ba ở nơi chín suối sẽ tha thứ cho đứa con bất hiếu. Giờ niềm vui duy nhất của con là mỗi tháng được gặp mẹ vào thăm và được nhìn thấy mẹ mạnh khỏe để đợi con về...”- Tuấn chia sẻ.

Lương tâm day dứt

Lúc nghị án, nghịch tử Đặng Hùng Phương ôm chầm lấy mẹ già trải lòng mình. Cuộc đời của Phương là chuỗi ngày gian nan, khổ cực. Từ nhỏ, Phương từng chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau rồi 2 mẹ con dắt díu ra ngoài ở.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phương nghỉ học sớm vào đời bươn chải cuộc sống. Nỗi đau đớn cuộc đời vẫn chưa buôn tha, Phương bị cha đánh, đuổi ra khỏi nhà sống vất vưởng cùng đám bạn ngoài xã hội.

Có lẽ ngày tháng ngoài đời không ai dạy dỗ khiến tâm hồn của Phương chai lì, trong lòng luôn chất chứa thù hận người cha để rồi Phương phạm tội tày trời, tước đoạt mạng sống cha mình một cách tàn độc. Đến khi bị bắt, tỉnh lại, Phương cảm thấy hối hận nhưng cũng đã muộn màng.

“Tôi rất hối hận với những gì mình đã làm, giờ muốn quay lại nhưng không thể. Tôi đã gây ra tội không thể tha thứ được, bởi dù thế nào cũng là cha ruột của mình, ít nhiều cũng có công nuôi dưỡng. Mình đi tù, thương cho mẹ lớn tuổi ở ngoài không ai chăm sóc và không biết mẹ còn đủ sức đợi đứa con tội lỗi chấp hành án xong về không...”- Phương nói trong nước mắt.

Nhắc đến người cha xấu số, Phương thở dài não nề và gạt đi giọt nước mắt lăn dài trên má. Phương bộc bạch: “Nếu bây giờ được đứng trước di ảnh của cha, tôi sẽ trải hết nỗi lòng mình, mong cha tha thứ để cho vơi bớt day dứt. Có lẽ bản án chung thân tội “Giết người” dành cho tôi không bằng sự giằng xé, day dứt lương tâm mình. Chưa một phút giây nào trong suy nghĩ của tôi thôi bớt những ám ảnh tội lỗi của mình gây ra. Đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn, tôi bật dậy với những cơn ác mộng cha hiện về. Mỗi lần như thế, tôi ngồi bó gối cho tới sáng…”- Phương kể.

Cũng như Phương, suốt phiên tòa xét xử, Huỳnh Văn Trường khóc như đứa trẻ khiến nhiều người dự khán cũng không sao cầm được nước mắt.

Đứng trước vành móng ngựa, Trường giọng nói ngắt quãng:

“Tuy rất giận anh trai nát rượu làm cho tan nát gia đình, cha mẹ khổ sở nhưng tôi không có ý định giết ảnh vì dù sao cũng là tình thâm ruột thịt. Tôi chỉ muốn dọa để sau này anh không còn ngược đãi cha mẹ, đập phá đồ đạc. Tuy nhiên, do có uống rượu nên tôi thiếu kiềm chế làm xảy ra cảnh đau đớn anh em tương tàn...”

Trong vụ án cũng có một phần lỗi của người anh nên pháp luật giảm nhẹ một phần hình phạt. Mức án 10 năm tù cho Trường tội “Giết người” cũng thể hiện tính khoan hồng của pháp luật. Nhưng có lẽ hình phạt nặng nhất, đeo bám cuộc đời của Trường đó là lương tâm day dứt.

 

Theo TS Nguyễn Minh Đức- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm- Học viện Cảnh sát nhân dân, gia đình có vai trò hàng đầu trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân. Những người phải chứng kiến bạo hành trong gia đình khi còn nhỏ lớn lên dễ bạo lực và hành vi lệch chuẩn. Đa số vụ con giết cha, anh em giết hại lẫn nhau là bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình

>> Kỳ cuối: Nỗi đau người ở lại

™Bài, ảnh: HOÀI NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh