Mới đây, BCĐ 138/CP phòng chống tội phạm tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh- thành trong cả nước và Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, tình hình tội phạm mua bán người ra nước ngoài phức tạp.
Nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin sụp bẫy bọn buôn người (ảnh minh họa). |
Mới đây, BCĐ 138/CP phòng chống tội phạm tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh- thành trong cả nước và Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, tình hình tội phạm mua bán người ra nước ngoài phức tạp.
Bọn tội phạm lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh và một số người nhẹ dạ cả tin bị lừa bán ra nước ngoài. Bên cạnh đó, buôn bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép cũng khá phổ biến.
Lợi dụng lòng nhẹ dạ cả tin của nạn nhân
Theo báo cáo của BCĐ 138/CP, năm 2015, cả nước phát hiện 407 vụ lừa bán người ra nước ngoài hơn 1.000 nạn nhân.
Các nạn nhân phần lớn là phụ nữ, người dân tộc, ở nông thôn hoàn cảnh nghèo khó, có trình độ học vấn thấp, hạn chế về hiểu biết pháp luật. Song, không ít phụ nữ cả tin cuộc sống ở nước ngoài giàu sang, muốn đổi đời nên dễ dàng sụp bẫy bọn buôn người.
Điển hình là vụ Công an TP Cần Thơ triệt xóa đường dây mua bán người do Thượng Văn Sơi (49 tuổi, Tây Ninh) và Lâm Thị Ký (39 tuổi, TP Cần Thơ).
Theo cơ quan điều tra, 2 đối tượng Sơi và Ký quen Nguyễn Thị Đèo (30 tuổi, TP Cần Thơ) đang sinh sống ở Malaysia có nhu cầu tuyển tiếp viên nữ phục vụ quán nước (thực chất là hoạt động mại dâm).
Mỗi cô gái Ký dụ dỗ giao cho Sơi chuyển sang Malaysia cho Đèo được trả tiền công 1,2 triệu đồng.
Vốn có mối quan hệ rộng, với tài ăn nói, Ký về vùng nông thôn dụ dỗ những cô gái quê nghèo nhẹ dạ với chiêu sang nước ngoài làm có thu nhập cao, nhanh chóng đổi đời. Có 2 cô gái tin lời và bị Ký- Sơi đưa sang Malaysia giao cho Đèo. Qua tới bên đó, 2 cô mới biết mình bị bán vào động chứa mại dâm.
Ở đất khách quê người, bất đồng ngôn ngữ không biết cầu cứu ở đâu, 2 cô đành sống những tháng ngày tủi nhục.
Mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh bắt 9 đối tượng liên quan đến đường dây buôn bán phụ nữ do Từ Thị Em (53 tuổi, Tây Ninh) cầm đầu.
Đối tượng Em cùng đồng bọn nhiều lần tổ chức cho người nước ngoài “tuyển vợ” Việt Nam và sau đó, họ làm thủ tục xuất cảnh theo đường du lịch. Mỗi cặp được “kết duyên” chúng bỏ túi hàng triệu đồng “tiền mai mối”. Trước khi bị bắt, đường dây buôn người của Em “kết duyên” hàng chục cô gái Việt cho người nước ngoài.
Mới đây, Cảnh sát Malaysia giải cứu 189 phụ nữ Việt Nam bị ép bán dâm ở các nhà chứa. Các phụ nữ này khai bị lừa sang Malaysia phục vụ quán nước, giúp việc nhà nhưng thực chất là ép bán dâm để trừ nợ. Hàng ngày, họ bị các “đầu gấu” canh chừng rất cẩn thận, thu giữ hộ chiếu, không tiền nên rất khó bỏ trốn.
Ở Vĩnh Long, tuy chưa phát hiện tội phạm buôn bán người nhưng có một số trường hợp nghi vấn do mặc cảm xã hội nên khi về nước thì họ không trở lại địa phương và không hợp tác với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chức năng, tội phạm mua bán người vẫn còn tiềm ẩn.
Nâng cao ý thức cho người dân
Theo nhận định của BCĐ, tội phạm buôn người lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, thông thoáng trong các thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công nhân, giấy lưu hành qua lại biên giới thuận lợi, một số quốc gia miễn thị thực nên tội phạm buôn người cấu kết, hình thành đường dây đưa người ra nước ngoài.
Chúng thường buôn người sang “thị trường” Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nga,… dưới dạng du lịch, thăm thân nhân, hợp đồng lao động và khi ra nước ngoài chúng cưỡng bức lao động hoặc bán các nạn nhân vào động mại dâm.
Để được tha về nước, các nạn nhân phải cầu cứu gia đình tiền chuộc nếu không có khả năng phải chấp nhận làm theo lời chúng và bị đánh đập dã man nếu như chống đối. Bên cạnh, tình trạng mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức “xem mắt vợ”, kết hôn giả để lừa bán ra nước ngoài cũng rất phổ biến.
Cũng theo BCĐ, tình hình người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia đánh bạc cũng phức tạp và mỗi ngày có từ 1.500- 2.000 người sang Campuchia đánh bài. Trong các con bạc, có cả phụ nữ và khi thua bài trở thành nạn nhân bị ép hoạt động mại dâm hay vay nặng lãi, cưỡng bức lao động.
Tình trạng trẻ em, phụ nữ sống lang thang ở tỉnh biên giới cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người. Ở nội địa, các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn cho vay nặng lãi, hoặc lợi dụng các trang mạng xã hội, điện thoại di động, giới thiệu tạo lòng tin, làm quen, rủ đi mua sắm hay tổ chức “cứu nét”.
Đối tượng chúng ngắm đến là em trai, gái mới lớn thiếu sự quan tâm của gia đình, bỏ học sớm, sống “bụi” để dụ dỗ và lừa bán vào động chứa hoạt động mại dâm, đòi gia đình tiền chuộc và còn nhiều thủ đoạn tinh vi khác.
Trước tình trạng buôn bán người đang diễn biến phức tạp, bên cạnh pháp luật xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu các tỉnh- thành tập trung thực hiện “Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người (Chương trình 130/CP) và triển khai quyết liệt, đồng bộ với hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ… để mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức tội phạm mua bán người, tự bảo vệ bản thân.
|
Thượng tướng Lê Quý Vương: Năm 2016, yêu cầu đa dạng hóa hình thức, nội dung truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, nhân rộng mô hình CLB chuyên sâu, lồng ghép về phòng, chống mua bán người.
Từ năm 2016 thông tin về phòng, chống tội phạm mua bán người được đăng tải trên cơ quan báo chí trung ương, cấp tỉnh ít nhất 1 lần/tháng. Song song đó, các địa phương triển khai “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng” để mọi người hiểu và phòng tránh. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin