Với cái mác gia đình giàu, chồng làm trong ngành công an, nên khi Nguyễn Thị Hảo (SN 1967, Phường 8- TP Vĩnh Long) tổ chức hụi thì nhiều người tin tưởng gom góp tiền tham gia đường dây hụi, hy vọng qua đó có một số vốn lớn để lo cho gia đình.
Với cái mác gia đình giàu, chồng làm trong ngành công an, nên khi Nguyễn Thị Hảo (SN 1967, Phường 8- TP Vĩnh Long) tổ chức hụi thì nhiều người tin tưởng gom góp tiền tham gia đường dây hụi, hy vọng qua đó có một số vốn lớn để lo cho gia đình.
Song, họ không ngờ rằng mình bị chủ hụi lợi dụng, lập “hụi ma” để chiếm đoạt tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng. Khi bị bại lộ, Hảo tuyên bố vỡ hụi làm nhiều người trắng tay, cuộc sống gia đình lâm cảnh khốn khó.
Các đối tượng cùng tang vật những chiếc xe đua trái phép. |
Lợi dụng lòng tin của hụi viên
Năm 2010, Hảo bắt đầu tổ chức hụi, mỗi phần giá trị chỉ vài chục ngàn đồng, chủ yếu là các tiểu thương ở chợ Phường 8 và những người lân cận tham gia.
Hình thức tham gia hụi cũng rất phổ biến, theo định kỳ thỏa thuận ngày khui hụi và đóng tiền. Công việc của Hảo- chủ hụi là thu tiền hụi viên và giao lại cho hụi viên hốt, Hảo hưởng theo tỷ lệ phần trăm.
Sau này, công việc may mặc của Hảo ế ẩm, nên càng có nhiều thời gian rảnh lập thêm nhiều dây hụi. Cứ thế, hụi của Hảo ngày càng “nở nồi” có thời điểm lên đến hàng chục dây hơn trăm phần, có giá trị từ 100.000- 1.000.000 đ/phần.
Cũng như bao chủ hụi khác, mới đầu Hảo cũng giao tiền cho hụi viên hốt đúng hẹn, dần tạo được uy tín, lòng tin. Từ đó, không lâu sau Hảo trở thành chủ hụi danh tiếng ở TP Vĩnh Long và có nhiều người ở các địa phương khác cũng tìm đến tham gia hụi của Hảo.
Khi tạo được lòng tin, Hảo nghĩ đến việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của các hụi viên với nhiều thủ đoạn cũ rích mà các chủ hụi trước đây từng sử dụng nhưng vẫn có nhiều người mất cảnh giác để rồi “sụp bẫy”.
Hảo lập danh sách các hụi viên nhưng thực chất là danh sách khống rồi gửi cho các hụi viên và kê thêm số tiền hụi.
Do nhiều năm tham gia hụi của Hảo nên nhiều người tin tưởng, cứ “vô tư” đóng tiền mà không kiểm tra. Trong số các hụi viên, có người không đến nhà Hảo và cũng không biết mặt nhau (thậm chí không biết cả số điện thoại), chỉ nghe lời đồn rồi mỗi lần đóng tiền thì họ gửi qua người quen.
Từ thủ đoạn này, Hảo hàng ngày đều đặn ngồi nhà “hốt bạc” từ các hụi viên mang tới và từ đó “phất” lên nhanh chóng. Gia đình sắm xe hơi, cuộc sống như một bà hoàng, tiền rủng rỉnh “ăn sang mặc đẹp”, nên ngày càng có thêm hụi viên tham gia.
Cuộc sống giàu sang “lên xe xuống ngựa” khiến nhiều người nể phục Hảo giỏi giang, biết cách làm ăn.
Những hụi viên đâu ngờ mình đã bị lợi dụng, chiếm đoạt tiền thời gian dài mà không hề hay biết. Những đồng tiền chắt mót cực khổ để đóng hụi của họ đã bị Hảo chiếm đoạt hết, khiến họ trở thành kẻ trắng tay mà chỉ biết tự trách mình chọn mặt “gửi tiền” nhầm kẻ lừa đảo.
Hụi viên điêu đứng
Ngày Hảo tuyên bố vỡ hụi gây xôn xao ở khu vực Phường 8, các hụi viên điêu đứng, đảo lộn cuộc sống gia đình. Bà Văn Thị Huệ (xã Tân Hạnh- Long Hồ) là “mối” chơi hụi của Hảo và là một trong những hụi viên bị Hảo chiếm đoạt số tiền nhiều nhất: trên 550 triệu đồng.
“Nhìn bề ngoài Hảo giàu có, chồng làm trong ngành công an nên không ai nghĩ cô ta lừa đảo cả. Số tiền gần cả đời tôi cực khổ dành dụm giờ bị cô ta chiếm đoạt…”- bà Huệ bức xúc.
Tương tự, bà Trần Thị Khánh Ngọc (xã Long Phước- Long Hồ) bị Hảo chiếm đoạt trên 300 triệu đồng. Cũng như các hụi viên khác, nghe bạn bè “rỉ tai” Hảo làm đầu thảo uy tín nên bà Ngọc “tham gia nhiều loại hụi của Hảo” và bà Ngọc lo lắng: “Mỗi tháng đóng tiền hàng chục triệu đồng. Bây giờ Hảo đi tù biết bao giờ tôi thu hồi lại vốn…”
Trong số các hụi viên, có người gia đình khó khăn, hàng ngày mua gánh bán bưng tích lũy từng đồng lời, mục đích chơi hụi là để dành tiền lo cho gia đình, con cái học hành sau này. Khi Hảo tuyên bố vỡ hụi, họ lâm vào cảnh khó khăn.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Liêm (Phường 4) hàng ngày bán rau ngoài chợ, tiền lời không có bao nhiêu nhưng cũng ráng tham gia nhiều phần hụi của Hảo để có số tiền lớn lo cho gia đình. Đến thời điểm vỡ hụi, Hảo chiếm đoạt của chị Liêm trên 111 triệu đồng.
“Thấy Hảo sang giàu, làm ăn uy tín nhưng “biết mặt đâu ai biết lòng”. Có những lần cần vốn mua bán, tui đến khui hụi, mặc dù chưa tới giờ nhưng Hảo nói khui rồi. Tới sau này mới biết Hảo sắp xếp, lập khống hụi. Hảo tiêu xài tiền từ mồ hôi, nước mắt của hụi viên để mua xe hơi, sắm sửa…”- chị Liêm nói với tâm trạng bức xúc.
Còn chị L. bị Hảo chiếm đoạt số tiền không lớn so với các hụi viên khác nhưng gia đình lại rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn. Số tiền 40 triệu đồng bị Hảo chiếm đoạt là tài sản lớn của 2 vợ chồng suốt nhiều năm làm lụng vất vả mới tích lũy được và chị L. giấu chồng đem số tiền trên chơi hụi của Hảo để có “đồng ra đồng vô” tiêu xài nhưng rồi giờ đã thành kẻ trắng tay. Khi chồng biết được, đã xảy ra cự cãi và chị L. đành dắt díu đứa con ra thuê phòng trọ ở.
Hụi là hình thức góp vốn tự nguyện, dựa vào lòng tin lẫn nhau rất phổ biến trong dân. Loại hình này có rất nhiều rủi ro và thời gian qua, có nhiều vụ vỡ hụi khiến kẻ đi tù, người tiêu tan tài sản. Người dân cần hết sức ý thức, đừng quá tin người mà trao gửi tiền không đúng nơi đúng chỗ.
Trong 2 ngày (9- 10/5/2016) TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Hảo (ảnh). Trước vành móng ngựa, bị cáo Hảo cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình và hứa sẽ khắc phục hậu quả. Hiện tại, vợ chồng Hảo đã ly hôn, nhưng các bị hại yêu cầu chồng của Hảo và Hảo phải liên đới khắc phục hậu quả. Các bị hại cho rằng nhiều lần đóng tiền hụi qua chồng của Hảo và số tiền Hảo chiếm đoạt tiêu xài chung trong gia đình. Bị cáo Hảo phạm tội nguy hiểm, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, vì lợi ích cá nhân dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của người khác. Tòa tuyên phạt bị cáo Hảo 15 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị cáo Hảo cùng với chồng liên đới khắc phục hậu quả cho các bị hại. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin