Cảnh giác chiêu lừa bán cổ vật dỏm

02:05, 19/05/2016

Thời gian gần đây, một số đối tượng từ địa phương khác đến giả vờ phát hiện được "cổ vật" và bán lại cho người dân với giá "trên trời". Chúng thường sử dụng thủ đoạn giống nhau, là đánh vào tâm lý ham của lạ và tâm linh của người dân để trục lợi.

Thời gian gần đây, một số đối tượng từ địa phương khác đến giả vờ phát hiện được “cổ vật” và bán lại cho người dân với giá “trên trời”. Chúng thường sử dụng thủ đoạn giống nhau, là đánh vào tâm lý ham của lạ và tâm linh của người dân để trục lợi.

 Những “cổ vật” dỏm mà bọn lừa gạt đã bán cho bà N. lấy 3 triệu đồng.
Những “cổ vật” dỏm mà bọn lừa gạt đã bán cho bà N. lấy 3 triệu đồng.

Giả công nhân, bán cổ vật dỏm

Cách đây vài tuần, bà T.T.N. ở xã Trung Ngãi (Vũng Liêm) đang loay hoay quét nhà thì có 2 thanh niên ghé vào giới thiệu là công nhân đang thi công công trình tại xã Trung Hiệp. Họ cho biết trong lúc đào đường vô tình phát hiện 1 chiếc bình bát tiên, 1 tượng Phật Di Lặc ngồi trên cá chép và 1 con cóc.

Vốn tin vào tâm linh nên bà N. đã không ngần ngại bỏ ra 3 triệu đồng mua hết mấy món “cổ vật” trên với hy vọng sẽ được phù hộ ăn nên làm ra và chưng trong nhà cho đẹp. Mấy ngày sau có khách đến thăm, bà N. hí hửng mang “cổ vật” ra khoe. Vừa nhìn thấy, người này khẳng định đây chỉ là đồ giả vì nhìn như màu đồng mạ và báo chí cũng nhiều lần phản ánh những trường hợp tương tự. Không tin, hôm sau bà N. mang ra tiệm vàng kiểm tra thì tá hỏa biết đây thật sự là… đồ dỏm. Bà N. bức xúc: Lúc đó, họ hỏi tôi trong nhà còn có ai không và còn dặn kỹ là đừng cho ai hay biết. Tôi còn mời 2 người này nán lại uống nước nhưng họ từ chối đi ngay. Tôi không nghi ngờ nên đã sụp bẫy.

Trước đó, Công an huyện Long Hồ cũng bắt quả tang Võ Văn Xuyên (SN 1986) và Lê Văn Hai (SN 1968) cùng xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành- Hậu Giang), khi chúng đang “hành nghề” tại xã Phú Quới.

Ông Trần Văn Hiệp- chủ tiệm cầm đồ Ngọc Phương (ấp Phước Yên A, xã Phú Quới) cho biết, nhờ cảnh giác cao, nếu không mình đã sụp bẫy bọn lừa đảo. Hôm đó, 2 người này đến cửa hàng giới thiệu là công nhân đang thi công QL1, khi đào đường phát hiện 1 tượng Phật Di Lặc ngồi trên lưng cá chép và 1 con cóc, gạ bán 9 triệu đồng. Nhìn sơ sơ thì thấy 2 vật này vẫn còn dính bùn đất, trầy xước, nhưng với “con mắt nhà nghề”, ông Hiệp phát hiện đây chỉ là cổ vật giả vì chúng chỉ được mạ màu đồng sơ sài.

“Mặc dù 2 người này quần áo lấm lem bùn đất, trông rất giống công nhân nhưng thấy cử chỉ của họ rất khả nghi nên tôi cố tình kéo dài thời gian và âm thầm báo công an. Khi công an đến thì bọn chúng bỏ chạy thục mạng về hướng Khu công nghiệp Hòa Phú.”- ông Hiệp nhớ lại. Sau khi tóm được 2 thanh niên đào đường dỏm này, chúng khai nhận với thủ đoạn trên đã lừa được nhiều người ở Đồng Tháp và Hậu Giang, Tam Bình (Vĩnh Long) thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng chia nhau tiêu xài.

Đừng nhẹ dạ, cả tin

Qua những vụ việc trên cho thấy các đối tượng lừa đảo thường đánh vào cuộc sống tâm linh, tâm lý ham của lạ của người dân. Chúng tạo vỏ bọc là những công nhân nghèo khổ, vừa “đào được cổ vật lúc làm đường” và dùng lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ khiến không ít nạn nhân mau chóng sập bẫy, thỏa thuận giá cả và rước ngay đồ dỏm về nhà. Khi kiểm tra lại chất lượng mới biết “cổ vật” có thể dễ dàng mua trên thị trường với giá vài chục ngàn đồng.

Lý giải của công an cho thấy, những vật trên thường được kẻ lừa gạt mạ lại màu đồng, sau đó trét bùn đất lên để người khác lầm tưởng là cổ vật nằm dưới đất lâu năm và có giá trị cao. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác, nếu phát hiện những người có lai lịch bất minh rao bán những món đồ không rõ ràng, tốt nhất là đừng mua và phải báo cho cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh