Vay nợ không tiền trả, người chị mang thửa đất đã bán cho em để cấn trừ nợ cho người khác. Đến khi hợp đồng chuyển nhượng ký xong, người chị không có đất để giao nên bị bên mua khởi kiện ra tòa.
Vay nợ không tiền trả, người chị mang thửa đất đã bán cho em để cấn trừ nợ cho người khác. Đến khi hợp đồng chuyển nhượng ký xong, người chị không có đất để giao nên bị bên mua khởi kiện ra tòa.
|
Tại Điều 129 Bộ luật Dân sự quy định: Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu. Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ 3 thì giao dịch đó cũng vô hiệu. |
Bà L.T.T. (Phường 9- TP Vĩnh Long) sở hữu 58,9m2 đất ở đô thị thuộc thửa 144 tọa lạc tại Khóm 2 (Phường 9).
Năm 1999, bà T. chuyển nhượng cho vợ chồng em gái là bà L.T.B.T phần đất phía sau diện tích theo đo đạc thực tế là 18,4m2. Do diện tích quá nhỏ, bà B.T. không làm thủ tục tách thửa, sang tên được nên chỉ làm “giấy tay” và cất căn nhà cấp 4 ở từ đó đến nay.
Ngày 17/1/2012, bà T. làm hợp đồng chuyển nhượng phần đất còn lại của thửa 144 cho ông L.N.A (ở ấp Hiếu Minh B, xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) giá 230 triệu đồng.
Điều đáng nói là sau đó, bà T. mang cả phần đất đã bán cho em gái để cầm cho ông A. vay 30 triệu đồng. Khi vay số tiền này, 2 bên không làm giấy tờ cầm cố mà hủy hợp đồng chuyển nhượng trước đó và làm lại hợp đồng chuyển nhượng mới vào ngày 11/9/2012 với diện tích 58,9m2.
Đây chỉ là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tiền nhưng ông A. vẫn tiến hành các thủ tục sang tên và ngày 30/10/2012, ông A. đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 58,9m2 tại Khóm 2 (Phường 9).
Ngoài hợp đồng chuyển nhượng này, bà T. còn làm biên nhận thỏa thuận đến hết ngày 7/6/2013, nếu không có tiền trả nợ sẽ giao phần đất vợ chồng người em đang sử dụng cho ông A..
Nhưng do đất bà T. đã bán và người em cất nhà ở ổn định hơn 10 năm nên đến ngày hẹn, bà T. không có tiền trả cũng không thể giao đất cho ông A. như thỏa thuận. Do đó, ngày 3/12/2013, ông A. gửi đơn khởi kiện ra tòa. Ngày 11/8/2015, bà T. có đơn phản tố yêu cầu tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 11/9/2012 và giấy chứng nhận QSDĐ thửa 144 đã cấp cho ông A..
Vợ chồng bà B.T, khi biết đất mình đang ở bị chị đem cấn trừ nợ và hiện ông A. đứng tên chủ sở hữu cũng có đơn yêu cầu tòa công nhận phần đất diện tích 18,4m2 cho vợ chồng bà sử dụng “vì gia đình nghèo, hiện không có chỗ ở nào khác”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long cho rằng: Việc xác lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ diện tích 58,9m2 giữa ông A. và bà T. vào ngày 11/9/2012 không xuất phát từ sự tự nguyện của bên chuyển nhượng mà nhằm mục đích để vay tiền.
Hai bên đã dùng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ che giấu hợp đồng vay nên đây là hợp đồng giả tạo. Tuy nhiên, trong hợp đồng này có một phần diện tích đất bà T. chuyển nhượng cho ông A. là tự nguyện, tiền và đất 2 bên đã giao nhận xong nên vẫn có hiệu lực pháp luật một phần.
Xét phần đất vợ chồng bà B.T. mua của bà T. giá 7 triệu đồng, tiền và đất 2 bên đã giao nhận xong. Tuy việc chuyển nhượng này chỉ làm biên nhận viết tay và chưa có giấy chứng nhận QSDĐ nhưng vợ chồng bà B.T. đã cất nhà ở ổn định lâu dài nên theo quy định thì hợp đồng trên vẫn được công nhận hợp pháp.
Căn cứ Điều 129 Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 02/2004-NQ- HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long tuyên vô hiệu một phần hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 11/9/2012 và hủy một phần Quyết định 1897/QĐ-UBND ngày 30/10/2012 về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông A.
Không chấp nhận yêu cầu của ông A. đòi giao phần đất vợ chồng bà B.T. đang sử dụng và chỉ công nhận cho ông A. được QSDĐ diện tích 37,8m2; phần diện tích đất còn lại của thửa 144 công nhận cho vợ chồng bà B.T được QSDĐ và phải tháo dỡ phần gác gỗ diện tích 6,72m2 cất lấn qua đất ông A. đã chuyển nhượng. Bản án cũng tuyên buộc bà T. phải trả cho ông A. số tiền lãi và vốn vay tổng cộng 53 triệu đồng.
|
Theo Nghị quyết số 02/2004-NQ- HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao: Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không có chứng nhận của công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền và đất chuyển nhượng chưa có giấy chứng nhận QSDĐ nhưng sau đó, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, làm nhà kiên cố,… và bên chuyển nhượng không phản đối, cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì tòa án công nhận hợp đồng đó hợp pháp. |
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin