Vụ bát cơm gắn thiết bị 'lạ': Tiết lộ quy trình sản xuất tinh vi

07:04, 12/04/2016

Trước thông tin về chiếc bát ăn cơm gắn thiết bị lạ, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) khẳng định, đó chỉ là một dụng cụ dùng trong chơi cờ bạc bịp, được thiết kế tinh vi.

Trước thông tin về chiếc bát ăn cơm gắn thiết bị lạ, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) khẳng định, đó chỉ là một dụng cụ dùng trong chơi cờ bạc bịp, được thiết kế tinh vi.

Thông tin báo Người Đưa Tin đã phản ánh, vào khoảng 10h ngày 30/3, anh Lê Ngọc Lan (thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) bê bát ăn cơm từ sáng đi rửa.

Khi anh Lan đang rửa thì một chiếc bát bỗng rụng trôn, để lộ ra trong đó nhiều chip, mạch điện tử khiến anh vô cùng lo lắng, hoang mang.

Trước tin tức về chiếc bát ăn cơm gắn thiết bị lạ được tìm thấy ở nhà anh Lê Ngọc Lan, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) khẳng định: Đó chỉ là một dụng cụ dùng trong chơi cờ bạc bịp, không phải là thiết bị nghe trộm hay sản xuất mới mục đích gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Liên quan đến chiếc bát gắn thiết bị lạ gây hoang mang dư luận thời gian vừa qua, vị đại diện C45 cho hay, trước đây Cục Cảnh sát Hình sự đã từng triệt phá một số đường dây chuyên sản xuất, chế tạo thiết bị đánh bạc bịp, hoạt động rất tinh vi.

Cục Cảnh sát Hình sự cũng đã thu giữ hàng nghìn bộ tú lơ khơ, lá chắn, bát, quân vị, thiết bị thu phát sóng… Đáng nói, số thiết bị này được đem đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Những chiếc bát chơi bạc bịp được sản xuất tinh vi.
Những chiếc bát chơi bạc bịp được sản xuất tinh vi.

Nói về loại thiết bị này, vị đại diện C45 cũng khẳng định, đây là loại dụng cụ được sản xuất rất cầu kì, không thể mua bừa bãi mà phải đặt hàng mới có thể mua được.

Hơn nữa, giá thành của chúng cũng khá cao, dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/chiếc. Càng thiết kế tinh xảo thì giá thành của chúng sẽ càng được đẩy lên.

Được biết, những dụng cụ như bát, đĩa (dùng đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa)... sẽ được thiết kế để lắp thiết bị điện tử (camera) trong lòng bát. Và đi kèm với nó là một thiết bị phát sóng ở bên ngoài, giúp nhìn thấy các quân bài phía trong lòng bát.

Ngoài ra, còn có loại thiết bị điện tử khác được chôn dưới nền nhà, con bạc có thể điều khiển theo ý định của mình.

Đặc biệt, “cao thủ” hơn, nhiều đối tượng còn có thể thiết kế ra máy đánh bạc rung bằng bộ phận rung của máy điện thoại. Theo đó, họ ra ngoài thị trường mua những máy điện thoại cũ, hỏng về tháo bộ phận này ra, thiết kế máy báo bài (chẵn hay lẻ).

Theo như lời vị cán bộ trên, trong đường dây sản xuất các thiết bị cờ bạc bịp mà Cục C45 triệt phá, đối tượng chế tạo ra chúng là những người rất thông thạo về công nghệ thông tin.

Thậm chí, họ còn cầm trong tay tấm bằng Đại học. Nhưng vì không thể trang trải cuộc sống từ tấm bằng cử nhân nên họ đã tìm kiếm cơ hội khác từ việc nhận lời làm các thiết bị chơi cờ bạc bịp. Tất nhiên, đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, vị đại diện Cục Cảnh sát Hình sự còn nhấn mạnh, việc sản xuất, mua bán thiết bị cờ bạc “bịp” kéo theo nhiều hệ lụy vô cùng nguy hiểm.

Không chỉ khiến nhiều gia đình bị khuynh gia bại sản, nó còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ trọng án, đòi nợ, khủng bố chất bẩn cũng xuất phát từ cờ bạc.

“Một số con bạc sử dụng các phương tiện, công cụ cờ bạc “bịp” sẽ trở thành người quyết định sự thắng thua trong mỗi ván bài. Đồng nghĩa với việc, các “đối thủ” chỉ có thua chứ không có thắng.

Hơn nữa, nhiều đối tượng khi thua bạc sẽ “cay cú”, và càng gỡ thì càng thua nặng. Mặc dù biết mình bị đối thủ gian lận, dùng thiết bị “bịp” nhưng vì việc đánh bạc là vi phạm pháp luật nên các con bạc không dám đến cơ quan công an tố cáo…” – vị cán bộ trên nói.

Theo Người Đưa Tin.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh