Tội phạm chống người thi hành công vụ có xu hướng tăng

01:04, 13/04/2016

Theo đó, công an tập trung rà soát, nghiên cứu tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm chống người thi hành công vụ đang có xu hướng gia tăng, tính chất nguy hiểm.

 

Đối tượng Phạm Minh Trường ra tòa lãnh án tội “Chống người thi hành công vụ.
Đối tượng Phạm Minh Trường ra tòa lãnh án tội “Chống người thi hành công vụ.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Chỉ thị số 13 của Bộ Công an về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm chống người thi hành công vụ giai đoạn 2011- 2015 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu công an các cấp tăng cường đấu tranh, phòng ngừa tội phạm chống người thi hành công vụ.

Theo đó, công an tập trung rà soát, nghiên cứu tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm chống người thi hành công vụ đang có xu hướng gia tăng, tính chất nguy hiểm.

Tội phạm chống người thi hành công cụ phức tạp, manh động

Theo đánh giá của Bộ Công an, tội phạm này đang diễn biến phức tạp, manh động, ảnh hưởng lớn đến tính nghiêm minh của pháp luật cũng như tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ và gây mất an ninh trật tự.

Hành vi của chúng xuất phát từ việc xem thường pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật kém.

Thời gian qua, ở Vĩnh Long, tội phạm chống người thi hành công vụ xảy ra không ít, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như trường hợp đối tượng Phạm Minh Trường (SN 1984, xã Long Phú- Tam Bình).

Trường nhậu say về thường xuyên ngược đãi cha mẹ, đã được chính quyền địa phương giáo dục, răn đe. Nhưng hôm đó đi nhậu về Trường vẫn “tính nào tật nấy”, lại ngược đãi cha nên bị lực lượng công an mời về trụ sở làm việc.

Khi đó, Trường không chấp hành mà còn chống đối quyết liệt. Hành vi của Trường quá hung hăng nên Phó Công an xã Long Phú là Lê Thanh Truyền buộc phải bắn chỉ thiên (đạn cao su).

Lúc này, Trường như “điếc không sợ súng” lao tới tấn công đồng chí Truyền. Thấy đối tượng quá hung hãn, đồng chí Truyền buộc bắn thêm 2 phát đạn chỉ thiên. Song, Trường càng điên cuồng hơn, lao tới quật đồng chí Truyền ngã xuống lộ rồi siết cổ. May mắn, lực lượng công an kịp thời khống chế được Trường, giải thoát cho anh Truyền.

Mặc dù tay bị còng nhưng Trường vẫn chống đối quyết liệt. Trong lúc lập biên bản, Trường dùng tay bị còng đánh lực lượng công an rồi bỏ chạy. Trường đã bị khởi tố về hành vi “Chống người thi hành công vụ” và lãnh mức án 2 năm tù.

Một trường hợp khác, Trần Trung Nghĩa (SN 1987, xã Phước Hậu- Long Hồ) nhậu say điều khiển xe vi phạm luật, bị cảnh sát giao thông chặn lại kiểm tra.

Tuy nhiên, Nghĩa không chấp hành mà tăng tốc xe chạy đánh võng, như thách thức cảnh sát giao thông. Lực lượng truy đuổi trên một đoạn đường dài mới khống chế được “ma men” Nghĩa. Nghĩa hung hãn tấn công 2 chiến sĩ Nguyễn Minh Thiện và Nguyễn Minh Hải đang làm nhiệm vụ, rồi ngã lăn ra lộ “nằm vạ” bất động.

Lực lượng cảnh sát nghĩ Nghĩa say rượu nên đến mở còng tay. Không ngờ hắn bật dậy nắm lấy áo của chiến sĩ Lê Quang Trạng, dùng chân đạp mạnh vào người Trạng gây thương tích nặng.

Tăng cường công tác đấu tranh, phòng ngừa

Tình trạng tội phạm chống người thi hành công vụ có xu hướng tăng và mức độ nghiêm trọng, gây khó khăn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ. Song, hiện về mặt pháp lý, chế tài xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phần lớn vụ việc xảy ra chỉ bị xử lý hành chính.

Để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm chống người thi hành công vụ, Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu công an các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Tiếp tục nghiên cứu, dự báo sát đúng tình hình; tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm các giải pháp, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ, góp phần đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự…

Song song đó, cơ quan thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, võ thuật và kỹ năng sử dụng các loại phương tiện cho cán bộ, chiến sĩ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thiết thực các đề án, dự án nâng cao năng lực và tăng cường trang bị phương tiện trong lực lượng Công an nhân dân.

Ở các trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế đối tượng (theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan).

Bên cạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm chống người thi hành công vụ, điều quan trọng là mỗi cán bộ, chiến sĩ xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và luôn có ý thức nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật, rèn luyện tác phong, kỹ năng của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân tận tụy, vì nhân dân phục vụ và gắn bó mật thiết với nhân dân.

Theo Bộ Công an, có trên 90% số vụ vi phạm chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở. Trong giai đoạn 2011- 2015, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ với 8.962 đối tượng chống người thi hành công vụ. Hậu quả làm chết 9 người, bị thương 2.643 người, gây thiệt hại gần 73 tỷ đồng và nhiều tài sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị hư hỏng.

 

 

 

Bài ảnh: HOÀI NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh