Phần đất của cha mẹ vất vả tạo lập, mong là sau này để cho các con có cuộc sống tốt hơn. Song, không ngờ chính vì tài sản này mà 2 đứa con tranh chấp kéo dài, cuối cùng dứt tình chị em kéo nhau ra tòa quyết thắng thua bằng pháp luật.
Phần đất của cha mẹ vất vả tạo lập, mong là sau này để cho các con có cuộc sống tốt hơn. Song, không ngờ chính vì tài sản này mà 2 đứa con tranh chấp kéo dài, cuối cùng dứt tình chị em kéo nhau ra tòa quyết thắng thua bằng pháp luật.
Trong vụ án, nguyên đơn Phạm Thị Liên và bị đơn Phạm Hoàng Minh cùng ở xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) là chị em ruột, tranh chấp phần đất của cha mẹ cho.
Hôm ra tòa, ông Phạm Văn Tám- cha của 2 nguyên đơn và bị đơn- năm nay hơn 85 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng cũng lọ mọ đến với tư cách là người có liên quan trong vụ án.
Ông Tám với gương mặt nhăn nheo, đôi mắt đượm buồn nói như trách 2 đứa con: “Bị đơn và nguyên đơn đều là con, chúng dứt tình chị em kiện nhau ra tòa giành đất khiến người làm cha sao khỏi đau lòng?…”.
Ở phiên tòa, chị em họ xem nhau như người dưng nước lã mà quên đi mình là tình thâm ruột thịt, dùng đủ lời lẽ biện minh để được phần lợi ích cho mình.
Ông Tám ngồi nghe các con “tranh luận” mà đau lòng, rơm rớm nước mắt, còn các con vì mải lo giành đất mà không để ý tới.
Nguyên đơn là chị Liên trình bày với tâm trạng bức xúc: Trước đây, cha mẹ có cho phần đất diện tích hơn 10.800m2 tọa lạc tại ấp Hòa Hiệp (xã Nguyễn Văn Thảnh). Phần đất sau này được tách ra làm 2 thửa (thửa 1512 có diện tích 7.237,4m2 và thửa 1513, diện tích 6.678,7m2).
Năm 2009, chị Liên có cho em ruột là anh Minh thửa 1513. Đến năm 2013, Minh canh tác thửa 1512. Tôi có báo chính quyền địa phương và tôi không biết đứa em phù phép như thế nào từ hợp đồng tặng cho mà có được giấy quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Giờ tôi yêu cầu tòa giải quyết, buộc đứa em phải trả lại đất thửa 1512, diện tích 7.237,4m2…
Đứa em út cũng phản kháng quyết liệt, cho rằng: “Phần đất tôi đang canh tác là nguồn gốc của cha mua từ người khác. Sau đó, cha canh tác liên tục đến năm 1990 được Nhà nước cấp QSDĐ, nhưng cho chị Tư (Liên) đứng tên. Đến năm 2008, chị Tư chuyển lại QSDĐ cho cha đứng tên.
Khoảng tháng 8 năm 2008, cha làm hợp đồng tặng cho tôi QSDĐ thửa 1512 và tôi canh tác đến nay”.
Ngồi phía sau nghe các con tranh chấp tài sản, cảm thấy xót xa nhưng ông Tám không biết xử sự ra sao bởi 2 bên đều là con ruột. Tuy nhiên, ông khẳng định nguồn đất trên do ông tạo lập là dành cho con.
Nay ông lớn tuổi không còn khả năng lao động nên tặng cho Minh đứng tên sở hữu. Không ngờ 2 chị em xảy ra tranh chấp…
Qua tài liệu chứng cứ và khai nhận, tòa xác định phần đất tranh chấp trước đây là của ông Tám- cha của 2 đương sự. Sau này, ông Tám làm thủ tục tặng cho con là anh Minh đúng với quy định, được chính quyền địa phương công nhận, cấp QSDĐ.
Chị Liên tự nhận phần đất tranh chấp và yêu cầu anh Minh trả lại đất là không có cơ sở. Từ những nhận định trên, tòa bác đơn khởi kiện đối chị Liên và công nhận phần đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu của anh Minh.
Phiên tòa kết thúc, vụ án được giải quyết bằng pháp luật rõ ràng nhưng kẻ thắng người thua đều không cảm thấy vui. Họ ra về mỗi người một hướng, còn người cha già thì không khỏi đau lòng khi thấy con “tan đàn xẻ nghé”, quên đi tình thâm ruột thịt...
HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin