Ông Nguyễn Văn Tấn (Chủ quán cà phê Xin Chào) đã được xác định là không phạm tội, có nghĩa là ông bị khởi tố, truy tố oan. Vậy những người trực tiếp làm oan ông Nguyễn Văn Tấn sẽ bị xử lý thế nào để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật?
Ông Nguyễn Văn Tấn (Chủ quán cà phê Xin Chào) đã được xác định là không phạm tội, có nghĩa là ông bị khởi tố, truy tố oan. Vậy những người trực tiếp làm oan ông Nguyễn Văn Tấn sẽ bị xử lý thế nào để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật?
Đây là điều mà dư luận đang chờ đợi ở các cơ quan có thẩm quyền của TP HCM trong những ngày tới đây. Ngoài việc xử lý đối với những người trực tiếp làm oan ông Tấn thì Viện KSND huyện Bình Chánh cũng cần nhanh chóng tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cục điều tra hình sự Viện KSNDTC cần vào cuộc điều tra
Theo thông tin, Viện KSND TP đã tạm đình chỉ chức vụ nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Lê Thanh Tòng và ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát vụ án.
Về phía công an, lãnh đạo công an TP cho biết sẽ xử lý trong tuần này. Hình thức xử lý thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.
Việc tạm đình chỉ chức vụ đối với những người này là điều cần thiết. Tuy nhiên, tạm đình chỉ chức vụ chỉ là bước ban đầu trong quy trình xử lý kỷ luật cán bộ công chức, chứ chưa phải là hình thức kỷ luật.
Vì vậy, để lấy lại niềm tin cho người dân, cần phải xử lý thật nghiêm khắc những người đã trực tiếp làm oan cho ông Tấn. Đồng thời, làm rõ động cơ của những người liên quan trực tiếp đến vụ án.
Quán cà phê Xin Chào nằm đối diện Công an huyện Bình Chánh-TP HCM |
Mấy ngày qua, những người có liên quan đều cho rằng do non kém về nghiệp vụ trong việc đánh giá chứng cứ và nhận thức sai về tội danh, điều luật. Lời “trần tình” này có nhiều điều không ổn.
Bởi lẽ, cũng với chứng cứ, tài liệu đó, nhà báo – những người không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ xử lý tội phạm - còn nhìn ra, chỉ ra được việc khởi tố, truy tố là oan.
Ngược lại, những người được đào tạo bài bản, được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm mà không nhìn ra, không nhận thức được, là điều hết sức vô lý và khó hiểu.
Do vậy, lời giải thích của những người trực tiếp làm oan trong vụ án này không thể thuyết phục được dư luận.
Các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý cần làm rõ động cơ đằng sau sự việc này là gì? Có tiêu cực hay lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để cố tình làm oan người dân vô tội hay không?
Muốn chứng minh động cơ của những người này không phải là dễ nhưng không khó đến mức không làm được.
Cục Điều tra hình sự Viện KSND tối cao cần vào cuộc xác minh, điều tra vì ở đây có dấu hiệu liên quan đến tội xâm phạm hoạt động tư pháp, cụ thể là tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” theo điều 293 BLHS 1999. Tôi tin rằng khi Cục điều tra vào cuộc điều tra, mọi việc sẽ được rõ ràng.
Đừng để án oan lơ lửng trên đầu dân
Trường hợp, Cục Điều tra hình sự Viện KSND tối cao không chứng minh được những người có liên quan có động cơ cá nhân để cố tình khởi tố, điều tra, truy tố oan ông Tấn thì những người làm oan ông Tấn cần bị xử lý trách nhiệm cá nhân ở mức cao nhất: loại khỏi ngành.
Bởi lẽ, những người này được nhà nước giao cho họ quyền năng xử lý tội phạm nhưng đã không phân biệt được đâu là tội phạm, đâu là người dân vô tội thì quá nguy hiểm.
Với những người mà như họ tự thừa nhận non kém nghiệp vụ, nhận thức pháp luật không đầy đủ thì ngày nào họ còn ở trong ngành, ngày đó án oan còn lơ lửng trên đầu người dân vô tội.
Vì vậy, không có lý do gì để những người như họ tiếp tục được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi họ không xứng đáng với chức phận cao quý đó.
VKSND huyện Bình Chánh đã công bố quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tấn |
Song song với vụ việc của ông Tấn, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét vụ khởi tố ông Nguyễn Văn Bỉ (người cho ông Tấn thuê đất). Vì vụ này, qua thông tin của báo chí cũng có dấu hiệu oan và những người thực hiện các hoạt động tố tụng cũng chính là người làm oan ông Tấn.
Qua vụ án oan của ông Tấn, một lần nữa gióng lên hồi chuông bao động về tình trạng yếu kém, làm không đúng, không hết trách nhiệm của một bộ phận kiểm sát viên trong việc kiểm sát hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.
Kiểm sát viên là người được luật pháp trao quyền kiểm sát từ đầu đối với hoạt động xử lý tin báo tội phạm, thu thập chứng cứ, khởi tố, điều tra của cơ quan điều tra.
Nếu kiểm sát viên làm đúng, làm đủ và có trách nhiệm thì những việc làm sai của cơ quan điều tra sẽ được ngăn chặn kịp thời, hoặc hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả.
Vì vậy, trong vụ ông Tấn, việc xử lý trách nhiệm của các cán bộ Viện KSND huyện Bình Chánh phải nặng hơn mới đảm bảo được tính nghiêm minh.
Giám đốc Công an TP HCM: Yêu cầu báo cáo vụ "chòi vịt"
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP, cho biết sẽ xem xét hình thức tương ứng để đề xuất Tổng Cục chính trị Công an Nhân dân xử lý trung tá Nguyễn Văn Quý (Trưởng Công an huyện Bình Chánh, TP).
Còn đối với những cán bộ công an có liên quan cấp thấp hơn trung tá Nguyễn Văn Quý, Công an TP HCM sẽ xem xét từng mức độ mà đưa ra hình thức kỷ luật tương xứng với mức độ sai phạm.
Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Bỉ (SN 1968, chủ lô đất trên quán cà phê Xin Chào) bị khởi tố hình sự, trung tướng Lê Đông Phong cho biết đã yêu cầu Công an TP rút hồ sơ vụ này lên kiểm tra, xem xét và báo cáo, nếu xác định có sai phạm sẽ xử lý đối với lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh.
Ông Nguyễn Văn Tấn thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại Căn cứ vào Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, trường hợp ông Tấn được xác định là bị oan và được bồi thường thiệt hại. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là Viện KSND huyện Bình Chánh. Để được bồi thường, ông Tấn làm đơn gửi Viện KSND huyện Bình Chánh yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình với các khoản tiền bồi thường: tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất, thiệt hại thực tế xảy ra… |
Theo NLĐO
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin