Đất có giá, chị em dứt tình!

05:03, 18/03/2016

Anh chị em ruột từng thương yêu nhau, không so đo tính toán hơn thiệt. Tưởng chừng họ càng khắng khít hơn khi đã trưởng thành, ý thức và trách nhiệm về tình cảm gia đình càng cao hơn. Thế nhưng…

Anh chị em ruột từng thương yêu nhau, không so đo tính toán hơn thiệt. Tưởng chừng họ càng khắng khít hơn khi đã trưởng thành, ý thức và trách nhiệm về tình cảm gia đình càng cao hơn. Thế nhưng…

Những nhân vật trong câu chuyện này đã có gia đình riêng, rồi con cháu đề huề và cũng thuộc diện gia đình khá giàu. Song, khi Đường tỉnh 908 đi ngang qua phần đất của cha mẹ để lại, trở thành đất mặt tiền thì anh chị em họ “lóa mắt”, quên đi tình thâm ruột thịt, tranh giành quyền thừa hưởng. Vụ việc kéo dài nhiều năm khiến tình cảm chị em rạn nứt và cuối cùng phải dắt nhau ra tòa, giải quyết bằng pháp luật.

Chuyện đau lòng xảy ra giữa 3 chị em: Nguyễn Thị Th. (SN 1951, Phường 1- TP Sa Đéc- Đồng Tháp), Nguyễn Thị T. (SN 1956, phường Quan Thánh- Đống Đa- Hà Nội) và đứa em trai út Nguyễn Văn Kh. (SN 1956, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân). 3 chị em từng sống hòa thuận, thương yêu, đùm bọc nhau lúc nghèo khó. Hiện tại họ đều trở thành ông bà, có cơ ngơi khá vững chắc. Nhưng không ai ngờ, vì lợi ích trước mắt mà dẫn đến chuyện tranh chấp phần tài sản của cha mẹ để lại.

Bà Th. tỏ ra bức xúc: Cha mẹ để lại phần đất khoảng 2.000m2 đất nông nghiệp tọa lạc tại ấp Hòa Bình (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân). Các anh chị em đều có phần chia thừa kế. Hồi cha mẹ còn sống, căn nhà và đồ đạc trong gia đình cũng được anh chị em đóng góp. Sau này, đứa em trai út (Kh.) tự ý phá dỡ, xây nhà mới và còn không cho chị em về ở. Trước khi qua đời, cha mẹ có lập di chúc phân chia tài sản…

Còn Kh. phản bác đề nghị của người chị yêu cầu chia quyền thừa kế. Kh. cho rằng từ nhỏ anh sống với cha mẹ, có công khai phá đất vườn và sau này được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời điểm này, các chị không có tên trong hộ khẩu vì chuyển về sinh sống bên nhà chồng. Hiện, anh đang thờ cúng cha mẹ nên có quyền thừa kế phần tài của cha mẹ để lại.

“Chị em lớn lên lấy chồng, công sức đóng góp trong gia đình cũng như khai phá đất hoang hóa không đáng bao nhiêu. Trước khi qua đời, mẹ có lập di chúc để lại phần đất trên cho tôi sử dụng vì sau này còn lo thờ cúng ông bà…”- Kh. cho biết.

Vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm khiến tình cảm chị em ngày càng gay gắt, phải đưa ra pháp luật xét xử. Tòa cũng nhiều lần hòa giải, tạo điều kiện cho chị em họ thỏa thuận trên tinh thần chia sẻ, để hàn gắn tình cảm nhưng bất thành. Hôm phiên tòa xét xử, chị em họ tỏ ra tức giận, viện dẫn nhiều thủ đoạn tranh giành tài sản và xem nhau như người dưng kẻ lạ.

Không dừng lại, họ còn tính toán chi li vì lợi ích cho riêng mình mà quên đi tình cảm chị em ruột thịt. Anh Kh. yêu cầu các chị hưởng thừa kế phần đất của cha mẹ để lại thì phải bồi thường công lao động cho anh số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Kh. còn tính toán công chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, mỗi người chị phải trả thêm 160 triệu đồng. Song, yêu cầu của Kh. không được tòa chấp nhận bởi không đúng pháp luật và cũng không hợp đạo lý làm con.

Mặc dù khi cha mẹ qua đời có để lại di chúc cho Kh. nhưng qua xem xét không phù hợp pháp luật nên không được thừa nhận. Theo quy định, các đương sự trong vụ án (Kh., Th., T.) ở hàng thừa kế thứ nhất nên phần tài sản của cha mẹ để lại được chia đều. Từ nhận định trên, tòa chấp nhận đơn khởi kiện của bà Th.. Chấp nhận bà Th., T. và ông Kh. đều được hưởng thừa kế của cha mẹ để lại.

Như vậy, cuối cùng vụ tranh chấp quyền thừa kế trong các chị em bà Th., bà T. và ông Kh. kéo dài nhiều năm cũng được giải quyết bằng pháp luật, nhưng họ đã đánh mất đi điều đáng trân quý là tình cảm chị em ruột, chỉ vì lợi ích riêng tư.

TRUNG HƯNG- HOÀI NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh