Đạo đức của người lái xe

05:03, 02/03/2016

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào 6 giờ sáng ngày mùng 5 tết (12/2/2016) trên QL1, đoạn ấp Phú Long A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (Km2048 + 700), làm 3 người chết, 11 người bị thương. 

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào 6 giờ sáng ngày mùng 5 tết (12/2/2016) trên QL1, đoạn ấp Phú Long A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (Km2048 + 700), làm 3 người chết, 11 người bị thương.

Trong đó có trường hợp tang thương bởi hai bà cháu ngoại chết cùng giờ cùng ngày... Chỉ vì sự bất cẩn, không quan sát của tài xế đã để xe khách của mình đụng vào xe khách đang quay đầu. Qua đây cũng phần nào cần nhắc lại đạo đức của người lái xe.

 

Hai xe bị tai nạn ngày mùng 5 tết trên QL1 làm 3 người chết, 11 người bị thương.
Hai xe bị tai nạn ngày mùng 5 tết trên QL1 làm 3 người chết, 11 người bị thương.

Đạo đức của người lái xe

Độ tin cậy của người lái xe phụ thuộc phần lớn vào các phẩm chất đạo đức như là tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể. Yêu lao động, thái độ ân cần với người khác, sự khiêm tốn- đó là những phẩm chất thường có của một người lái xe tốt và tin cậy.

Còn không yêu thích công việc, ích kỷ, thô bạo và thái độ bất lịch sự với người xung quanh, không tôn trọng kỷ cương pháp luật thì đó là đặc tính của người lái xe thường gây tai nạn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường: Tính vô kỷ luật của người lái xe thường thể hiện ở sự coi thường các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Lái xe thường quan tâm không chỉ sự an toàn của bản thân mà còn của tất cả các đối tượng tham gia giao thông khác.

Không chỉ quan tâm đến các quy định và các quy phạm khác, mà còn quan tâm đến những người cùng tham gia giao thông, ngay cả khi có sai sót của người đi bộ hoặc lái xe khác, cũng cần phải làm tất cả những gì có thể để tránh TNGT. Sự cẩn trọng, sự ý thức phối hợp giữa các đối tượng tham gia giao thông là rất quan trọng, nếu không có thể sẽ dẫn đến vi phạm giao thông.

Một số tài xế không được đào tạo đầy đủ khi điều khiển phương tiện vào cua hoặc ở các giao lộ thường phớt lờ việc nhường đường cho người đi bộ đang qua đường, hoặc nhường đường cho phương tiện khác theo đúng quy tắc giao thông. Không hiếm trường hợp khi bắt buộc nhường đường cho người đi bộ, người lái xe lại văng tục hoặc đe dọa người đi bộ bằng cách bấm kèn inh ỏi hoặc cho xe tiến sát về hướng họ.

Có nhiều trường hợp lái xe phớt lờ đối tượng giao thông khác khi họ gặp khó khăn, ví dụ như không sang được làn khác. Thay vì giúp đỡ bằng cách giảm vận tốc và tăng khoảng cách, họ lại giảm khoảng cách giữa 2 xe.

Cũng có lúc khi xe đi đến ngã tư thì bị tắt máy, thay vì được thông cảm và động viên, người lái xe ấy lại nhận được những lời xúc phạm, chửi mắng hoặc lái xe khác cứ bấm kèn dài hơi thúc giục. Người lái xe nhiều kinh nghiệm cũng có thể rơi vào hoàn cảnh đó, và khi bị nhạo báng như vậy họ dễ bị mất tự chủ và gặp phải sai lầm nghiêm trọng.

Nhiều lúc người lái cần thông cảm và giúp đỡ của người khác, nhưng thường thì khó nhận được sự giúp đỡ nhanh chóng cho dù có rất nhiều xe đi qua. Lái xe sẽ cảm thấy tự tin hơn nhiều nếu mọi người tham gia giao thông có sự phối hợp, giúp đỡ.

Sử dụng rượu bia

Bên cạnh đó, việc uống rượu, bia, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện là biểu hiện nguy hiểm nhất trong các hành vi vô kỷ luật của lái xe. Những hành động phản xã hội như vậy thường xảy ra ở những đơn vị, doanh nghiệp vận tải không tổ chức nhắc nhở, đấu tranh và kiểm soát hành động cá nhân của từng lái xe. Việc giảm khả năng làm việc sau uống rượu, bia hoặc sử dụng ma túy là nguy cơ rất thực tế để xảy ra TNGT.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Thường chia sẻ về tâm lý, kỹ năng lái xe: Rượu, bia cũng là chất kích thích, nên những vi phạm của lái xe sau khi dùng rượu, bia và ma túy có những điểm chung với nhau. Sau khi chỉ dùng dù một lượng không lớn các chất ấy, lớp vỏ não, cơ quan điều khiển hành động và cử chỉ của con người sẽ bị tê liệt, kích thích. Điều đó thể hiện ở việc lái xe không còn nghiêm khắc với bản thân, không còn đánh giá được đúng khả năng xử lý của mình trong các tình huống giao thông phức tạp. Người lái xe cảm thấy tự phụ, muốn mạo hiểm, coi thường luật lệ. Những lái xe say rượu, bia thường tăng tốc, vượt qua những tín hiệu, biển báo cấm, đổi làn đường liên tục, vượt qua xe khác khi chưa đủ điều kiện vượt.

Sau khi uống rượu, bia, mức độ tập trung và độ bền bỉ của lái xe giảm đi, mất sự nhạy bén. Ngoài ra, các quá trình suy nghĩ và trí nhớ cũng kém đi, thời gian phản ứng, sự phối hợp các thao tác không chính xác nữa.

Ngoài ra độ tinh nhanh giảm, tầm nhìn giảm, độ sâu tầm nhìn bị phá vỡ, khó phân biệt được màu sắc, khả năng thích ứng ánh sáng tối giảm đi. Lái xe đánh giá tình hình giao thông giảm đi và những động tác điều khiển trở nên đột ngột, thiếu kiềm chế, định hướng kém, thao tác chậm và sai sót.

Những rối loạn sinh ra trong cơ thể người lái xe khi uống rượu, bia thiếu nghiêm khắc với bản thân sẽ dẫn đến những sai sót nghiêm trọng trong điều khiển phương tiện, thường thì sẽ có hậu quả là TNGT nghiêm trọng.

Điều khiển phương tiện trong trạng thái say rượu, bia hoặc “phê” thuốc không chỉ tăng khả năng phát sinh TNGT mà còn làm cho hậu quả nặng nề hơn với chính người lái và những người cùng tham gia giao thông.

Những hậu quả xã hội của việc lái xe sử dụng rượu, bia và ma túy không chỉ là TNGT với thiệt hại về người và vật chất, mà còn là nguyên nhân của những bệnh tật nguy hiểm, dẫn đến mất khả năng lao động và giảm tuổi thọ. Sử dụng ma túy sẽ dẫn đến những bệnh thay đổi trong cơ thể, hủy hoại cơ thể chỉ trong vài năm. Sự hủy hoại nhân cách của người sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến hủy hoại gia đình.

Giải pháp xử lý đối với tình trạng say và nghiện của người lái xe là cần phải phối hợp chặt chẽ các biện pháp hành chính, luật pháp, tuyên truyền, giáo dục tại từng đơn vị vận tải. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu và áp dụng những phương pháp hiện đại để phát hiện những lái xe có sử dụng rượu, bia, ma túy trong khi điều khiển phương tiện.

Có rất nhiều giải pháp giải quyết bài toán xã hội nhằm tăng ý thức tổ chức kỷ luật của lái xe, hoàn thiện đạo đức, hành vi của họ. Tuy nhiên, các biện pháp hiện nay không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.

Những biện pháp giáo dục và phương thức làm việc đa dạng trong một tập thể sẽ mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác giáo dục lái xe. Trong các đơn vị vận tải, cần duy trì quản lý thông tin cá nhân của lái xe, cho phép lưu lại mọi vi phạm và các TNGT mà các lái xe đã tham gia.

Những vi phạm luật lệ hay tham gia vào TNGT cần được khuyến cáo, thảo luận trong các cuộc họp tập thể (tổ, đội) lao động; việc họp, thảo luận, phê bình này cũng khá hiệu quả cùng với những biện pháp xử lý hành chính.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh