Nhiều trò lừa đảo tràn về nông thôn

09:02, 23/02/2016

Việc hàng ngàn hộ dân ở các huyện, thị trong tỉnh "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi mua phải hàng kém chất lượng của các tổ chức, cá nhân "bán hàng dạo" trong thời gian qua cho thấy, người tiêu dùng dễ bị "sập bẫy" chỉ  vì lòng tham. 

Nhiều gia đình mua phải “hàng đểu” đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Nhiều gia đình mua phải “hàng đểu” đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”

Việc hàng ngàn hộ dân ở các huyện, thị trong tỉnh “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mua phải hàng kém chất lượng của các tổ chức, cá nhân “bán hàng dạo” trong thời gian qua cho thấy, người tiêu dùng dễ bị “sập bẫy” chỉ  vì lòng tham.  

“Giá cả trên trời”

Ngồi nhìn 5 món hàng mà mình đã trót mua của nhóm người chuyên đi “bán hàng dạo” ở nông thôn, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An, Châu Thành) bức xúc:

“Tôi đến dự hội thảo giới thiệu bộ nồi đa năng, đèn pin sử dụng năng lượng mặt trời, nồi tiết kiệm năng lượng…, họ giới thiệu sản phẩm rất tốt nên giá cao, mua thì có kèm tặng phẩm khuyến mãi. Nồi tiết kiệm năng lượng có giá từ 2,1 - 2,8 triệu đồng/cái, tùy vào số tặng phẩm kèo theo, như: Máy xay sinh tố, đèn pin sử dụng năng lượng mặt trời, thau inox…

Đèn sử dụng năng lượng mặt trời giá đến 1,8 triệu đồng nhưng khi mua xong, mang về sử dụng có mấy ngày là mang “đi bỏ” vì chỉ sáng được 1 – 2 tiếng đồng hồ là tắt luôn. Tôi biết mình bị lừa, gọi đến số điện thoại mà trong lúc bán hàng họ công bố nhưng không ai bắt máy. Tốn hết 10 triệu đồng, mà không mua được món hàng nào xứng đáng”.

Một trường hợp khác cũng bị “sập bẫy” là gia đình anh Nguyễn Văn Bình (tổ 16, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An, Châu Thành). Dù nhà nghèo, sống bằng nghề làm mướn nhưng khi nghe quảng cáo “êm tai”, anh đã vội chạy về nhà cầm chiếc xe máy giá 3 triệu đồng để mua bộ nồi tiết kiệm năng lượng (giá 2,8 triệu đồng).

Khi mua xong mới biết mình bị mắc lừa. “Nồi tiết kiệm điện nhưng nấu cơm ít thì bị khét, nấu cơm nhiều thì cơm không chín” – bà Nguyễn Thị Gàng (mẹ anh Bình) bức xúc. Chẳng những mất tiền mùa hàng “dỏm” mà một số gia đình lại thêm bất hòa. Đến ngày chuộc lại xe, anh Bình đành phải bán con bò đang nuôi trong chuồng.

“Nhiều gia đình ở nông thôn rất bức xúc trước sự việc này. Tại sao các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Công an, An ninh kinh tế từ huyện đến tỉnh không vào cuộc xử lý, cảnh báo để người dân không mắc lừa” – ông Lê Thành Nam (xã Bình Long, Châu Phú) bức xúc.

“… Chất lượng dưới đất”

“Tôi khẳng định, giá các mặt hàng của nhóm người đi bán hàng dạo, thì trên trời, mà chất lượng ở dưới đất. Sở dĩ, họ bán được hàng là vì họ đánh vào lòng tham của con người. Một món hàng giá 2,8 triệu đồng như bếp từ, họ tặng kèm ít nhất 3 món hàng khác như máy xay sinh tố, đèn pin sử dụng năng lượng mặt trời, thau inox...

Thử kiểm tra lại những món hàng mà họ tặng, xem giá thị trường bao nhiêu là biết mình có bị mắc lừa không” - bà Trần Thị Lài (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) khẳng định.

Trước Tết Nguyên đán, nhóm người bán hàng dạo đã ghé qua xã Bình Thạnh Đông tổ chức hội thảo, bán hàng. Bằng chiêu thức bán hàng trong vòng vài phút (ai mua thì đăng ký, nộp tiền, hết thời gian thì có mua cũng không bán) nên đã có trên 50 người bị “sập bẫy”.

“Chỉ riêng buổi hội thảo hôm đó, họ đã bán hết một xe hàng, trị giá trên 300 triệu đồng. Họ bán hàng hóa mà như đi ăn cướp. Bán xong là thu xếp đồ lên xe chạy đi ngay. Nhìn cử chỉ đó, tôi biết ngay đây là nhóm người chuyên đi lừa đảo bà con nghèo, nhẹ dạ, cả tin. Có gia đình khi nghe giới thiệu hàng và ăn cháo gà nấu tại hội thảo, thấy khoái nên mua ngay một loạt 6 cái nồi cho các con trong nhà, tổng số tiền hết 16,8 triệu đồng” – ông Nguyễn Văn Cảnh, người dân địa phương, kể lại.

Ghi nhận tại các huyện: Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, Tân Châu, An Phú, Chợ Mới… đều thấy nhóm người đi bán “hàng đểu” này. Đã có hàng ngàn hộ dân “sập bẫy” chúng.

Các mặt hàng họ bán dạo gồm bếp điện, bếp từ, nồi cơm điện, bếp gas, bộ nồi tiết kiệm năng lượng, bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời cho đến nệm, mùng, gối… đa phần đều là hàng nhái, hàng kém chất lượng. Điều đáng nói ở đây, ai là người cấp phép cho các đối tượng này hoạt động trên địa bàn tỉnh, vì những nhóm người này đa phần từ ngoài tỉnh vào để bán.

Thủ đoạn của họ là đến địa phương thuê, mượn hội trường của UBND xã để tổ chức hội thảo, để người dân lầm tưởng đây là tổ chức “danh chánh ngôn thuận” được cấp phép hoạt động. Nhiều gia đình bị “mất đoàn kết nội bộ” do chồng hoặc vợ mua phải “hàng đểu”. Cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ, ngăn chặn hành vi lừa đảo này.

“Gia đình tôi làm rẫy, mỗi vụ 3 tháng chỉ lãi được 10 triệu đồng nhưng hôm rồi chồng tôi đi mượn tiền hàng xóm mua “hàng đểu” hết 7 triệu đồng, mua về sử dụng không được mới tức. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra hành vi bán hàng lừa đảo ở vùng nông thôn của các nhóm người này, hầu ngăn chặn việc làm gian dối của họ” – bà Lâm Thị Kim Phượng (xã Bình Phú, Châu Phú) kiến nghị.

 

Theo http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Nhieu-tro-lua-ao-tran-ve-nong-thon.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh