Trung bình một người dành gần 5 giây để viết một tin nhắn và 2- 3 giây để đọc nó. Khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng đủ để gây ra một vụ tai nạn kinh hoàng nếu đang lái xe.
Trung bình một người dành gần 5 giây để viết một tin nhắn và 2- 3 giây để đọc nó. Khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng đủ để gây ra một vụ tai nạn kinh hoàng nếu đang lái xe.
Có một sự thật là trong số 7 nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn khi lái xe thì có tới 3 nguyên nhân liên quan tới điện thoại di động đó là gọi điện, nhắn tin và mất tập trung. Đây cũng là 3 trường hợp nguy hiểm nhất gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng so với các nguyên nhân còn lại.
Theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia Mỹ (NHTSA) thì có tới 65% vụ tai nạn là do lái xe mất tập trung khoảng 3 giây trước thời điểm xảy ra tai nạn. Và nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mất tập trung lại là những chiếc điện thoại khi tài xế gọi điện thoại hoặc nhắn tin.
Cũng theo nghiên cứu của NHTSA, hành động gọi điện, nhận cuộc gọi làm tăng nguy cơ tai nạn lên 2,8 lần và nói chuyện điện thoại cũng khiến nguy cơ xảy ra tai nạn tăng 1,3 lần.
Tuy nhiên, sẽ chả là gì nếu bạn nhắn tin khi đang lái xe bởi nó làm tăng nguy cơ tai nạn lên tới 23,2 lần so với khi tập trung và gấp 6 lần khi bạn “say xỉn”. Nghiên cứu cũng cho thấy khi sử dụng điện thoại, tài xế phản ứng chậm hơn 35% so với lúc bình thường nhưng có thể lên tới 91% nếu đang nhắn tin.
Nếu bạn nghĩ chỉ có “trẻ trâu” mới nhắn tin khi lái xe thì thật sai lầm bởi theo khảo sát của nhà mạng AT&T tại Mỹ, có tới 49% người lớn nhắn tin khi lái xe trong khi con số này ở những người trẻ là 43%. Đáng ngạc nhiên là có tới 98% người được hỏi nhận thức được nguy hiểm khi nhắn tin trong lúc lái xe và có 40% cho rằng đây là thói quen khó bỏ.
Theo số liệu của Trung tâm Phân tích rủi ro từ ĐH Harvard (Mỹ) nhắn tin khi lái xe lấy đi 3.000 người mỗi năm và khiến 330.000 mạng người bị thương… tại Mỹ. Đây mới chỉ là thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế con số trên có thể lớn hơn nhiều.
Chỉ riêng năm 2014, sử dụng điện thoại khi đang lái xe đã gây ra 320.000 vụ tai nạn tại Mỹ. Tại Anh, có tới 25% trường hợp đâm xe vào người đi bộ là do tài xế đang sử dụng điện thoại. Theo ước tính, số người chết do nhắn tin khi lái xe trên toàn thế giới có thể lên đến cả chục ngàn người mỗi năm.
Hậu quả của việc sử dụng điện thoại di động, nhắn tin khi lái xe đã khiến cả thế giới phải chú ý từ lâu. Từ đầu thế kỷ XXI, Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động khi lái xe.
Hành động này hiện cũng đang bị cấm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mức phạt cho hành động nhắn tin khi lái xe tại một số nước phát triển dao động từ 40- 200 USD. Thậm chí, tài xế có thể phải hầu tòa hoặc nộp phạt lên tới cả ngàn USD nếu đang lái một phương tiện công cộng hay gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Mức nguy hiểm của hành động nhắn tin khi lái xe khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải ban hành lệnh cấm đối với cả quân đội và nhân viên chính phủ. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki Moon cũng lên tiếng phát động chiến dịch “Không nhắn tin khi lái xe” trên toàn thế giới.
Tại Mỹ, nhà mạng AT&T cũng tỏ ra sốt sắng với việc tuyên truyền không nhắn tin khi lái xe. Trong khi đó, nhà mạng Vinaphone tại Việt Nam lại vô ý khi tung banner quảng cáo “khuyến khích” thỏa sức alo khi lái xe trên mạng xã hội gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng thời gian gần đây.
Dĩ nhiên, trong chiến dịch kêu gọi tài xế không nhắn tin khi lái ôtô có mặt hầu hết các nhà sản xuất danh tiếng, từ những thương hiệu hạng sang như BMW, Mercedes đến bình dân như Toyota, Honda, Ford đều có những hành động cụ thể cảnh báo các khách hàng.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Ôtô cũng là đơn vị đầu tiên triển khai và khá sốt sắng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tài xế thông qua chiến dịch “Không nhắn tin khi lái xe” thông qua mạng xã hội, các chương trình chăm sóc và bảo dưỡng ôtô mà đơn vị này tổ chức.
H.H (thế giới xe)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin