Vẫn còn "đã uống rượu bia nhưng cứ lái xe"!

05:01, 27/01/2016

Tại Hội nghị tổng kết ATGT năm 2015, Ban ATGT tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm qua xảy ra 401 vụ TNGT đường bộ làm chết 146 người.

Tại Hội nghị tổng kết ATGT năm 2015, Ban ATGT tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm qua xảy ra 401 vụ TNGT đường bộ làm chết 146 người. Nguyên nhân chính xảy ra TNGT do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường; đặc biệt có trên 70% TNGT liên quan đến rượu bia.

Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe tham gia giao thông.

Qua đó, trong phần thảo luận, hầu hết các đại biểu nêu vấn nạn về việc người điều khiển phương tiện môtô, xe máy tham gia giao thông có nồng độ cồn.

Ban ATGT huyện Vũng Liêm cho biết: Trong năm 2015, huyện Vũng Liêm xảy ra 50 vụ TNGT, trong đó có 30 vụ do người điều khiển phương tiện môtô, xe máy có nồng độ cồn trong máu gây ra. Từ đó, Ban ATGT huyện phải ra kế hoạch tập trung xử lý người điều khiển phương tiện xe cơ giới có nồng độ cồn vượt quá quy định; qua đó, trong năm đã phát hiện đo nồng độ cồn và xử phạt trên 200 trường hợp người uống rượu bia vượt quá quy định theo đúng luật định.

Ban ATGT huyện Bình Tân: TNGT thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18- 20 giờ, chủ yếu trên Đường tỉnh 908 và QL54. Người gây ra tai nạn đa số là người điều khiển môtô, xe máy có nồng độ cồn vượt quá quy định.

Đặc biệt là những nam giới trong độ tuổi lao động; nguyên do là những người này đi làm khoai mướn, sau khi chia tiền rồi rủ nhau ghé quán nhậu một chập rồi mới về nhà. Từ đó, Ban ATGT phải kết hợp với tổ hợp tác lao động để tuyên truyền ATGT và nhấn mạnh chủ đề tác hại của rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Các Ban ATGT TX Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn... và các ngành cũng có chung nhận định người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn là vấn nạn đối với ATGT. Từ đó, các đại biểu đồng tình với biện pháp tăng cường kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chúng ta sẽ không khó khăn gì để nhìn thấy quanh mình những hậu quả của người uống rượu bị tai nạn trong lúc tham gia giao thông và hiện nay đang là nỗi lo lắng, bức xúc của cá nhân, gia đình và xã hội.

Trước tiên, chỉ yêu cầu những người đã có uống bia, rượu thì không nên tham gia giao thông. Theo các chuyên gia, uống rượu điều khiển phương tiện rất nguy hiểm, vì những lý do sau:

- Khi có uống rượu vào dù chưa say thật sự nhưng những phán đoán hầu như không còn được bình thường, nên người uống rượu vào chạy xe với tốc độ khá nhanh mà vẫn cứ thấy chậm; việc nhìn thấy các biển báo, tín hiệu hoặc quan sát trên đường không còn rõ ràng nên có khi xử lý không đúng và có thể gây ra tai nạn.

- Có người uống bia, rượu vào cảm thấy những suy nghĩ, tư duy hoàn toàn tỉnh táo nên tưởng rằng mình không say rượu; nhưng ở bộ phận tiểu não, nơi điều chỉnh chuẩn xác các vận động cơ thể thì đã hoạt động không còn bình thường nên khiến cơ thể đi lảo đảo, lái xe chạy không thẳng mà lệch trái, lệch phải và nhất là khi gặp sự cố thì không thể xử lý nhanh và chuẩn như lúc bình thường… và thế là TNGT xảy ra.

Nhiều người trẻ tuổi, tương lai phơi phới, chỉ vì say rượu tham gia giao thông để xảy ra tai nạn đã mất đi mạng sống để lại bao tiếc thương cho người thân hoặc bị thương tật, sống trong đau khổ, bất lực và ân hận vì phí bỏ tương lai, lại trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hãy nhớ: “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

 

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện xe cơ giới có nồng độ cồn vượt quá quy định

Đối với môtô, xe gắn máy

Tại điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000- 1.000.000đ đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở; Ngoài việc phạt tiền người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Tại điểm e khoản 6 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000- 3.000.000đ đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; ngoài việc phạt tiền người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Đối với ôtô và các loại xe tương tự

Tại điểm b khoản 7 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 7.000.000- 8.000.000đ đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 mg/1 lít khí thở; ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000- 15.000.000đ đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Tại điểm b khoản 5 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000- 3.000.000đ đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại điểm b khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 5 như trên; ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

Bài, ảnh: ĐÔNG BÌNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh