Bị công ty cho thôi việc với quyết định kỷ luật sa thải, ông Phạm Ngọc Lập (SN 1957- ngụ ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu- Long Hồ)- nguyên chuyên viên kỹ thuật Phòng Kỹ thuật- Nghiệp vụ Công ty CP Tư vấn quản lý các dự án xây dựng Vĩnh Long (gọi tắt là Công ty PMC) bức xúc khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi.
Bị công ty cho thôi việc với quyết định kỷ luật sa thải, ông Phạm Ngọc Lập (SN 1957- ngụ ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu- Long Hồ)- nguyên chuyên viên kỹ thuật Phòng Kỹ thuật- Nghiệp vụ Công ty CP Tư vấn quản lý các dự án xây dựng Vĩnh Long (gọi tắt là Công ty PMC) bức xúc khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi.
Phản ánh với phóng viên Báo Vĩnh Long, ông Phạm Ngọc Lập cho rằng: “Tôi chưa hề làm rò rỉ thông tin nào của Công ty PMC nhưng các thành viên Hội đồng kỷ luật lại khẳng định tôi vi phạm nội quy tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của công ty ra ngoài. Khi Công ty PMC gửi thư mời tôi họp không nói rõ là họp xử lý kỷ luật để tôi chuẩn bị tâm lý, chứng cứ tự bào chữa cho mình. Thực tế, cuộc họp hôm đó, lãnh đạo công ty muốn tôi làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng tôi không đồng ý nên mới ra quyết định sa thải trái pháp luật đối với tôi”.
Ông Lập là chuyên viên kỹ thuật, được Công ty PMC ký hợp đồng lao động không thời hạn từ ngày 1/10/2008. Sau 3 năm chuyển đổi từ các ban quản lý dự án giao thông, thủy lợi, dân dụng sang công ty cổ phần, Công ty PMC gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên thu hẹp sản xuất, giảm bớt người lao động. Theo đó, ngày 5/6/2012, Công ty PMC ra Thông báo số 110/PMC-VP chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn với ông Lập kể từ ngày 16/7/2012 và yêu cầu ông Lập chuẩn bị toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tài sản đang đảm trách hoàn thành trước ngày 9/7/2012 để bàn giao.
Sau khi nhận thông báo trên, ông Lập không đến công ty làm việc và bàn giao theo kỳ hạn với lý do “không có gì để bàn giao”. Công ty PMC cũng không có thông báo nào yêu cầu ông trở lại làm việc sau khi hết thời hạn báo trước nên ông Lập xem Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động số 110/PMC-VP của Công ty PMC có hiệu lực nên chuyện không đến cơ quan làm việc là không vi phạm “nghỉ việc không lý do”. Trái lại, lãnh đạo Công ty PMC cho rằng ông Lập “vô tổ chức kỷ luật, nghỉ việc không lý do, chưa phối hợp với công ty giải quyết các chế độ chính sách”.
Trong khi đôi bên vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” trong cách giải quyết thì vào tháng 12/2012, Công ty PMC phát hiện ông Lập sử dụng văn bằng, chứng chỉ tham gia thành lập Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Thành Đạt Vĩnh Long với vai trò thành viên, có cùng ngành nghề kinh doanh với Công ty PMC. Do đó, ngày 20/6/2013, Giám đốc Công ty PMC ra Quyết định số 28/QĐ-PMC sa thải ông Lập với các lỗi “vi phạm nội quy, quy định của công ty trong việc quản lý hồ sơ, tài liệu; sử dụng văn bằng chứng chỉ tham gia thành lập công ty tư nhân với chức danh là thành viên quản lý; không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được phân công, có sai sót trong quá trình giám sát công trình; nghỉ việc không lý do quá 5 ngày/tháng”.
Ông Lập cho rằng quyết định kỷ luật trên không đúng quy định pháp luật nên khởi kiện ra tòa yêu cầu Công ty PMC thanh toán các khoản tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trợ cấp thôi việc, tổng cộng hơn 469,1 triệu đồng.
Tại biên bản làm việc ngày 30/11/2012 và tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lập thừa nhận có ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Thành Đạt Vĩnh Long từ tháng 4/2012 nhưng chưa nhận lương và cũng chưa thực hiện nhiệm vụ nào. Công ty PMC cũng xác nhận chưa phát hiện ông Lập gây ảnh hưởng đến quyền lợi công ty và không có chứng cứ gì thể hiện rõ ông Lập lấy văn bằng, chứng chỉ lưu giữ tại Phòng Tổ chức cán bộ để ký kết hợp đồng lao động với công ty khác làm lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, gây thiệt hại cho công ty. Tuy nhiên, ông Lập vừa tham gia lao động tại Công ty PMC chưa chấm dứt hợp đồng lao động lại ký kết hợp đồng lao động với công ty khác nhưng không thông báo tổ chức đang trực tiếp quản lý là vi phạm nội quy về thời gian làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật.
Riêng lỗi không hoàn thành nhiệm vụ, có sai sót trong quá trình giám sát công trình, Công ty PMC chưa chứng minh được ông Lập không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và vấn đề này đã bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất 2 lần trong một tháng mà sau đó ông Lập vẫn không khắc phục. Công ty PMC chỉ cung cấp bản báo cáo của Phòng Kỹ thuật về việc chủ đầu tư một công trình tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long có ý kiến không chấp nhận phân công ông Lập đến tham gia làm việc; trong tháng 9 và 12/2010, khi được phân công tư vấn giám sát thường trú 2 công trình khác, ông Lập đã để xảy ra sự cố kỹ thuật gãy cọc trụ cầu và đường kém chất lượng, lấy lý do sức khỏe kém không tiếp tục đảm đương công việc ở xa.
Trước tòa, ông Lập thừa nhận có những lỗi trên nhưng do các lỗi này xảy ra từ năm 2010, không còn thời hiệu xử lý vi phạm nên Công ty PMC viện dẫn đây là một trong những lỗi để xử lý kỷ luật ông Lập là chưa chính xác.
Về lỗi nghỉ việc không lý do quá 5 ngày/tháng của ông Lập, cả 2 bên đều trình bày thống nhất là ông Lập có nghỉ việc 10 ngày (từ ngày 16- 27/7/2012) nhưng do sau khi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông Lập, Công ty PMC không có văn bản chính thức đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nên ông Lập vẫn còn là người lao động, thuộc quyền quản lý của Công ty PMC. Nhưng đến ngày 16/7/2012, ông Lập không đi làm là vi phạm nội quy công ty về thời giờ làm việc.
Từ những phân tích nêu trên, HĐXX đủ cơ sở xác định ông Lập có lỗi và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động trong trường hợp này là 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm nhưng đến ngày 20/6/2013, Công ty PMC mới ra Quyết định 28/QĐ-PMC sa thải ông Lập là vi phạm về thời hiệu nên hình thức kỷ luật này chưa đúng quy định pháp luật. Vì vậy, ông Lập yêu cầu hủy Quyết định 28/QĐ-PMC ngày 20/6/2013 là có căn cứ chấp nhận và Công ty PMC phải có nghĩa vụ giải quyết quyền lợi cho ông Lập theo quy định của Bộ luật Lao động.
Theo đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm buộc Công ty PMC thanh toán cho ông Lập các khoản: truy lãnh lương (hệ số 4,66 lên 4,99) từ tháng 1- 4/2012 hơn 1,8 triệu đồng; tiền lương từ ngày 1/5/2012 đến ngày vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm hơn 183 triệu đồng; bồi thường 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động hơn 13,5 triệu đồng; đóng BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 7/2013- 9/2014. Không chấp nhận yêu cầu trợ cấp thôi việc mỗi năm công tác một tháng lương (từ năm 1974- 2013) với số tiền hơn 301 triệu đồng của ông Lập.
Không đồng tình với quyết định trên, ông Lập gửi đơn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét, buộc Công ty PMC phải trả trợ cấp thôi việc với lý do: “Bản án sơ thẩm đã công nhận Công ty PMC áp dụng hình thức sa thải tôi là không có căn cứ và đã tuyên hủy Quyết định 28/QĐ-PMC ngày 20/6/2013. Điều đó có nghĩa là hợp đồng lao động giữa tôi và Công ty PMC đã chấm dứt kể từ ngày 16/9/2014 nên Công ty PMC phải trả trợ cấp thôi việc cho tôi theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động”.
Viện KSND tỉnh Vĩnh Long cũng kháng nghị Bản án sơ thẩm số 1/2014/LĐ-ST của TAND TP Vĩnh Long theo thủ tục phúc thẩm, đề nghị tuyên cụ thể số tiền mà Công ty PMC có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho ông Lập để đảm bảo quyền lợi của các bên trong giai đoạn thi hành án và buộc Công ty PMC phải nộp án phí vì Công ty PMC là bên sử dụng lao động không thuộc diện được miễn án phí theo quy định.
Phía Công ty PMC cũng yêu cầu không hủy Quyết định 28/QĐ-PMC ngày 20/6/2013; không đồng ý thanh toán các khoản tiền ông Lập yêu cầu. Nhưng sau 2 lần TAND tỉnh Vĩnh Long triệu tập đến xét xử, đại diện theo ủy quyền của Công ty PMC vắng mặt không lý do nên yêu cầu kháng cáo của Công ty PMC không được xem xét.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, quá trình lao động của ông Lập tại Công ty PMC là có lỗi nhưng Quyết định 28/QĐ-PMC ngày 20/6/2013 của Giám đốc Công ty PMC thi hành kỷ luật sa thải ông Lập đã hết thời hiệu xử lý vi phạm nên không có căn cứ chấp nhận. Do đó, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên hủy Quyết định 28/QĐ-PMC ngày 20/6/2013 của Công ty PMC, buộc Công ty PMC thanh toán tiền truy lãnh lương cho ông Lập từ tháng 1- 4/2012 hơn 1,8 triệu đồng; tiền lương từ ngày 1/5/2012- 16/9/2014 hơn 190,2 triệu đồng; đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN hơn 7,2 triệu đồng; trợ cấp thôi việc cho ông Lập trong 35 năm làm việc tại Công ty PMC mỗi năm một tháng lương (theo mức lương bình quân của 6 tháng trước khi nghỉ việc) hơn 118,6 triệu đồng, tổng cộng hơn 318,1 triệu đồng.
Ngoài ra, bản án còn buộc Công ty PMC phải nộp hơn 9,5 triệu đồng án phí. Riêng số tiền bồi thường 2 tháng lương (hơn 13,5 triệu đồng) tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty PMC trả cho ông Lập, HĐXX phúc thẩm xét thấy không có căn cứ nên không được chấp nhận.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin