3 cha con tranh chấp 200m2 đất

09:12, 25/12/2015

Ông bà qua đời để lại cho con cháu hưởng hương quả phần đất thổ vườn. Thật đáng tiếc, phần đất vô tri ấy trở thành mục tiêu cho 3 cha con tranh chấp quyết liệt. Điều đáng nói là phần đất có giá trị không lớn, chỉ 200m2. Càng gay gắt khi 3 cha con "dứt tình đoạn nghĩa" dắt nhau ra tòa giải quyết bằng pháp luật.

Ông bà qua đời để lại cho con cháu hưởng hương quả phần đất thổ vườn. Thật đáng tiếc, phần đất vô tri ấy trở thành mục tiêu cho 3 cha con tranh chấp quyết liệt. Điều đáng nói là phần đất có giá trị không lớn, chỉ 200m2. Càng gay gắt khi 3 cha con “dứt tình đoạn nghĩa” dắt nhau ra tòa giải quyết bằng pháp luật.

Vụ việc đáng tiếc này xảy ra ở gia đình ông Nguyễn Văn Tư (SN 1932) với 2 đứa con là Nguyễn Văn Quí (SN 1966) và Nguyễn Văn Mến (SN 1968) cùng ở Tân Lược (Bình Tân).

Ông Tư trong tâm trạng bức xúc trình bày: Ông bà để lại phần đất hương quả hơn 1, 2 công đất tại ấp Tân Lộc (xã Tân Lược) và ông đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Sau này, con cái lớn lên lập gia đình, ra riêng (trong đó có Quí và Mến), ông chia mỗi người cái nền nhà trên phần đất của ông bà để lại đó. Phần đất còn dư dài khoảng 20m, rộng 10m, ông chuyển nhượng để trị bệnh và lo mồ mả ông bà.

Tuy nhiên, khi địa chính xã đến đo đạc, Quí và Mến ngăn cản quyết liệt. “Chuyện gia đình nói ra thật xấu hổ, phần đất không đáng là bao nhưng nội bộ gia đình không giải quyết được phải ra chính quyền địa phương hòa giải cũng không thành và phải ra tòa án xét xử, xóm giềng biết được cười chê, xấu cả cha con…”- ông Tư chia sẻ.

Anh Mến cho biết, được cha (ông Tư) cho một phần đất cất nhà nhưng không tách thửa, QSDĐ cha vẫn đứng tên sở hữu. Sau này, cha có ý định bán 25m2 đất để mua gạch men dán mộ ông nội, tất cả anh em đều đồng ý. Nhưng sau đó, cha đổi ý bán phần đất dư (khoảng 200m2) để còn dư tiền ra cho con cái trả nợ.

Tuy nhiên, tôi và anh Quí cũng đề nghị cha để lại một phần đất gần nhà để sau này có tiền cất thêm nhà sau. Song, cha bán đất nhưng không tách thửa cho anh em đứng tên nên xảy ra việc tranh chấp giữa cha con đáng tiếc này. Cha không đồng ý và khiếu nại ra UBND xã Tân Lược và qua nhiều lần hòa giải nhưng bất thành.

Để phản đối cha bán đất, anh em có rào lưới B40 xung quanh phần đất tranh chấp… “Cha tôi khởi kiện yêu cầu dỡ hàng rào lưới B40, di dời cây trồng và vật kiến trúc trả lại phần đất tranh chấp là không đúng. Bởi phần đất trên có công sức đóng góp của anh em chúng tôi trồng cây ăn trái và chúng tôi cất nhà ở đã lâu, vì vậy không đồng ý cho cha bán đất…”- anh Mến bức xúc.

Anh Quí trình bày thêm: “Phần đất trên của ông bà để lại cho cha (ông Tư) làm chủ sở hữu. Sau này, anh em tôi lớn lên cùng khai phá vườn tạp trồng cây ăn trái và anh em cùng cất nhà ở cách đây khoảng 23 năm rồi. Tôi không đồng ý cho cha bán phần đất trên vì muốn để lại cho con cháu sau này ở. Gia đình con cháu đông nhưng đất đai thì ít và còn để làm đường thoát nước sinh hoạt…”

Vụ tranh chấp giữa 3 cha con ngày càng gay gắt, ai cũng giành quyền lợi mà quên đi tình thâm ruột thịt. “Qua tài liệu, phần đất tranh chấp được xác nhận của ông bà để lại cho ông Tư và năm 2007 UBND huyện Bình Minh (nay là huyện Bình Tân) cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tư. Theo Luật Đất đai thì ông Tư có quyền chuyển đổi, cho thuê, tặng cho... Bởi thế theo yêu cầu của ông Tư là chuyển nhượng một phần đất để lấy tiền điều trị bệnh, xây mộ ông bà là hợp pháp và phù hợp với tình lý…”- HĐXX giải thích.

Từ nhận định trên, bị đơn Quí và Mến ngăn cản cha mình chuyển nhượng đất là không có cơ sở. Nguyên đơn là ông Tư yêu cầu tòa án xem xét giải quyết, buộc 2 bị đơn Quí và Mến tháo dỡ hàng rào, kiến trúc, cây trồng trên phần đất tranh chấp là đúng luật pháp. Từ đó, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của ông Tư và đồng thời cũng buộc Quí và Mến tháo dỡ hàng rào, kiến trúc, cây trồng trên phần đất tranh chấp.

Kết thúc phiên tòa, kẻ thắng người thua đều không ai cảm thấy vui. Lúc ra về, cha con mỗi người đi một hướng trong tâm trạng bức xúc. Nhìn cảnh cha con ông Tư, nhiều người tiếc rẻ: phải chi họ biết kiềm chế, giải quyết vấn đề trên tinh thần tình cảm cha con ruột thịt thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn.

Thời gian qua, nhiều vụ tranh chấp đất trong thân tộc đã xảy ra, phần lớn do các đương sự thiếu hiểu biết về Luật Đất đai. Nhiều vụ tranh chấp còn dẫn đến cảnh đau thương tang tóc. Tại Điều 167, 168 Luật Đất đai năm 2013 có quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ theo quy định của luật này”. 

HOÀI NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh