Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc kiểm điểm về công tác phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát hồi cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương cần siết chặt, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát lậu
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc kiểm điểm về công tác phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát hồi cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương cần siết chặt, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát lậu (không phép) bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện, hầu hết các tuyến sông trên cả nước, tình trạng khai thác mỏ cát không phép diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều nguy cơ cho môi trường, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở đất ven sông, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Các đối tượng đầu tư máy móc công suất lớn bơm hút cát nhanh chóng, để tránh phát hiện. |
Khai thác không phép diễn biến phức tạp
Theo báo cáo cả nước, cơ quan chức năng địa phương cấp khoảng 500 giấy phép bến bãi, kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát. Song, thực tế có hàng trăm bến bãi khác, phương tiện hoạt động khai thác cát không phép gây thiệt hại ngân sách của địa phương hàng tỷ đồng.
Đặc biệt, ở một số địa phương còn có tình trạng bảo kê trong khai thác cát, khi bị phát hiện, chúng manh động, quyết liệt chống người thi hành công vụ. Có nhiều vụ khi lực lượng chức năng phát hiện thì chúng nhận chìm phương tiện, phi tang chứng cứ.
Tính từ năm 2008 đến nay, lực lượng chức năng địa phương xử phạt hành chính hơn 8.000 trường hợp. Trong số này có 22 vụ, với 65 đối tượng khai thác cát, sỏi không phép vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng bị cơ quan điều tra khởi tố hình sự. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi vẫn còn rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để nhất là tại các địa bàn giáp ranh.
Do khai thác không phép tràn lan, đã tác hại nhiều đến môi trường. Nhiều sông, hồ lớn trong cả nước đã và đang có hiện tượng giảm mực nước gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, cả nước đã mất khoảng 500ha đất do xói lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển bền vững quốc gia…
Ở Vĩnh Long, đối tượng khai thác cát trái phép không manh động nhưng cũng khá tinh vi. Thời gian qua, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và đồng thời tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn các chủ phương tiện vào mỏ lấy cát hợp pháp hoặc giúp đỡ họ chuyển đổi nghề, nên số lượng phương tiện khai thác cát không phép giảm dần.
Hiện còn khoảng 20 phương tiện nhỏ, phần lớn ở địa bàn khác đến lén lút khai thác. Họ lợi dụng địa bàn giáp ranh, đêm tối, mưa gió và có cảnh giới. Nhiều chủ phương tiện khai thác cát không phép bị bắt, bị phạt nặng nhưng họ vẫn cố vay tiền đóng phạt rồi tiếp tục trộm cát.
Xử lý nghiêm
Vĩnh Long được thiên nhiên ban tặng nhiều mỏ cát, trữ lượng lớn trên các tuyến sông. Tuy nhiên, trước nạn khai thác cát không phép, tháng 8/2013, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra cát sông bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Tổ công tác phối hợp với các tỉnh lân cận tiến hành khảo sát, trao đổi thông tin các khu vực có mỏ cát cấp phép, thường xuyên báo cáo, trao đổi thông tin về việc khai thác cát sông khu vực địa bàn giáp ranh và đồng thời hỗ trợ lẫn nhau kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy vậy, thời gian qua “cuộc chiến chống trộm cát” vẫn chưa có hồi kết. Mặc dù số lượng phương tiện khai thác cát không phép giảm nhưng hành vi của họ lại tinh vi hơn. Họ đầu tư máy móc công suất lớn, dụng cụ hiện đại, bơm hút cát khoảng 20 phút là đầy tàu. Khi phát hiện có tuần tra, họ nhanh chóng chặt dây neo, bỏ dụng cụ, để tẩu thoát.
Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, thời gian qua, ngành chức năng xử lý, chế tài các trường hợp vi phạm trong khai thác cát còn một số bất cập nên không đủ sức giáo dục răn đe. Hiện, Bộ Tài nguyên- Môi trường đang nghiên cứu, hoàn thiện quy định mới xử lý đối tượng vi phạm phù hợp hơn. Trong đó, xác định rõ “trộm cát” là loại tội phạm…
Ông Lưu Thanh Bảo- Đội trưởng (Phòng Cảnh sát môi trường- Công an Vĩnh Long) cho hay, tồn tại nạn khai thác cát không phép một phần do nhu cầu thực tế san lấp dân dụng trong dân ở vùng nông thôn sâu và lợi nhuận hấp dẫn.
Phương tiện khai thác cát không phép có trọng tải nhỏ, luồn lách được vào các con sông rạch nhỏ. Sắp tới, sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cũng tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn các phương tiện vào mỏ lấy cho an toàn, hợp pháp…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị: Để chấn chỉnh nạn khai thác cát không phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, sắp tới cần thành lập thêm các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhà nước quản lý chặt vật liệu xây dựng, đồng thời không cấp phép mới việc xuất khẩu cát.
Những giấy phép khai thác trước đó cần tổ chức kiểm tra, đánh giá lại, lập kênh thông tin nóng để người dân trực tiếp phản ánh đến các cơ quan chức năng xử lý kịp thời…
Vĩnh Long có 18 mỏ cát nằm trên các tuyến sông Cổ Chiên, sông Tiền và sông Hậu. Các mỏ cát nằm cạnh ranh giới các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ với trữ lượng rất lớn. Hiện có khoảng 10 “điểm nóng” các phương tiện khai thác cát tập trung ở vùng giáp ranh. Các phương tiện vi phạm phần lớn từ địa phương khác đến lợi dụng đêm tối, mưa gió để hút cát. Từ đầu năm đến nay, Tổ công tác liên ngành kiểm tra, bắt giữ 23 phương tiện khai thác cát không phép và xử phạt hình chính 626 triệu đồng. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin