Chỉ một lần thử, người sử dụng ma túy có khi mất cả đời vẫn không thoát ra được, để lại những hệ lụy không hay cho bản thân, gia đình và xã hội. Do đó, cộng đồng cần chung tay đẩy lùi tệ nạn này, giúp người nghiện tránh xa ma túy, tự tin làm lại cuộc đời.
Chỉ một lần thử, người sử dụng ma túy có khi mất cả đời vẫn không thoát ra được, để lại những hệ lụy không hay cho bản thân, gia đình và xã hội. Do đó, cộng đồng cần chung tay đẩy lùi tệ nạn này, giúp người nghiện tránh xa ma túy, tự tin làm lại cuộc đời.
Kỳ 1: Những mái nhà nát tan vì ma túy
Biết bao mái nhà nát tan vì ma túy và không ít người đã đánh đổi cả tương lai, sự sống khi dấn thân vào con đường nghiện ngập. Nhưng từng ngày, từng giờ vẫn có không ít người tiếp tục lao vào “cái chết trắng” bất chấp hậu quả.
Tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn tăng
Công tác phòng chống ma túy ở Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung những năm qua được triển khai bằng nhiều giải pháp nhưng kết quả mang lại chưa cao, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi và không ngừng gia tăng về số người nghiện.
Vĩnh Long tuy không phải địa bàn phức tạp về ma túy nhưng cũng có nhiều “điểm nóng” tập trung các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy như: khu “gò mã lạng”, Hẻm 46 (Phường 2), đường Lò Rèn, khu cầu Lầu (Phường 4), cầu Kinh Cụt (Phường 1),v.v…
Qua đấu tranh, truy quét của lực lượng chức năng, những “điểm nóng” nói trên và một số điểm trồng cây cần sa ở Tam Bình, Bình Minh dần bị triệt xóa hoặc co cụm lại, không còn hoạt động công khai như trước.
Tuy nhiên, số người nghiện ma túy phát hiện trên địa bàn hàng năm vẫn tăng, đặc biệt là tình trạng nghiện ma túy “đá” (ma túy tổng hợp) diễn biến ngày càng phức tạp và đang có xu hướng dịch chuyển về vùng nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 1.078 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 88 người so năm 2014), trong đó có 275 người nghiện ma túy “đá”.
Đoàn viên thanh niên vẽ tranh tuyên truyền phòng chống ma túy. |
“Vũng Liêm là địa phương có số người nghiện ma túy “đá” cao nhất tỉnh do một số đối tượng làm thuê ở các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai,… sa vào con đường nghiện ngập bị chủ đuổi quay về địa phương lôi kéo, dụ dỗ những thanh thiếu niên không có việc làm, thường la cà ở các quán cà phê bằng cách cho thử “hàng đá”. Khi người chơi bắt đầu nghiện thì chúng không cho nữa mà bán để thu lợi.
Vì thế, từ năm 2012 đến nay, số người nghiện ma túy “đá” ở Vũng Liêm cứ lan nhanh và chiếm hơn 2/3 tổng số người nghiện trên địa bàn huyện”- Thượng tá Phan Vĩnh Mặn- Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- Công an tỉnh Vĩnh Long, cho biết.
Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về những vụ vi phạm pháp luật do người nghiện ma túy gây ra nhưng thực tế cho thấy ma túy có liên quan trực tiếp đến tội phạm và các tệ nạn xã hội như người nghiện tăng kéo theo loại tội phạm mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tăng, nhiều người nghiện vì không tiền mua ma túy sử dụng đã trộm cắp, cưỡng đoạt, cướp giật, cướp tài sản,...
Điển hình trong 6 tháng đầu của năm 2015, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của tỉnh phát hiện 16 vụ (18 đối tượng) tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (tăng 2 vụ so cùng kỳ năm 2014).
Trong số này, có vụ mua bán ma túy “đá” với trọng lượng lên đến 74g ở TP Vĩnh Long; vụ Phạm Thanh Vũ (ở xã Thanh Đức- Long Hồ) vừa mãn hạn 9 năm tù tội “Mua bán trái phép chất ma túy” cấu kết 3 đối tượng khác thành lập đường dây cung cấp ma túy cho người nghiện, thu lượng ma túy lớn nhất từ trước tới nay hơn 172g,v.v…
Bên cạnh, sử dụng ma túy qua tiêm chích (chung bơm kim tiêm) còn là con đường lây truyền HIV dẫn đến bệnh AIDS- căn bệnh chưa có thuốc trị, khi mắc phải coi như mang “án tử”, ảnh hưởng không chỉ trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng mà còn để lại gánh nặng về kinh tế cho người thân và xã hội.
Điển hình, vụ vợ chồng con trai một cán bộ ngành tỉnh, nghiện heroin và mua bán ma túy bị công an bắt. Qua xét nghiệm, cả 2 vợ chồng này và một số đối tượng liên quan từng sử dụng chung bơm kim tiêm đều nhiễm HIV.
Con trai của họ khi đó mới hơn một tuổi được ông bà nội đón về nuôi, chờ đủ 18 tháng làm xét nghiệm lại với hy vọng “thằng bé sẽ không nhiễm HIV từ mẹ”. Điều xót xa là khi biết đứa bé bị nhiễm HIV, ông bà nội đã đem cháu gửi vào một trung tâm nuôi trẻ nhiễm HIV ở TP Hồ Chí Minh, hiện không biết còn hay mất. Và đây không phải là nạn nhân duy nhất bị người thân xa lánh bởi HIV ở Vĩnh Long.
Tan nát những mái nhà
Ma túy tàn phá sức khỏe, tương lai của nhiều người, đặc biệt ma túy “đá” thường gây ảo giác khiến người chơi hoang tưởng về những chuyện không có thật dẫn đến hành vi cuồng loạn, vi phạm pháp luật, thậm chí giết người.
Thực tế, đã có không ít vụ án mạng thương tâm xảy ra do hung thủ “ngáo đá” và nhiều người đã phải trả giá bằng bản án tù vì những sai phạm liên quan đến ma túy nhưng không ít người vẫn “nhắm mắt” lao vào để rồi khi “giật mình nhìn lại” thì tương lai, hạnh phúc chẳng còn gì.
Như trường hợp của N.T.K.L (ở Phường 2- TP Vĩnh Long). Do nghiện ma túy nên tiền “bo” kiếm được hàng đêm ở một quán cà phê chỉ đủ cho L. giải quyết cơn ghiền. Không đủ tiền nuôi con và tiêu xài, L. đã mua ma túy bán lại cho nhiều người nghiện khác kiếm lời.
Năm 2013, L. bị bắt và bị kết án 9 năm tù giam tội “Mua bán trái phép chất ma túy” nhưng được hoãn thi hành án vì con gái thứ 2 của L. lúc đó dưới 36 tháng tuổi. “Con nhỏ cần tiền mua sữa, còn em thì ngày nào cũng phải có vài “cữ” mới chịu nổi.
Trong khi tiền kiếm được từ công việc phục vụ ở các quán cà phê và “đi khách” không đủ trang trải nên em quay lại bán ma túy. Biết làm vậy, bị bắt lần nữa sẽ bị phạt nặng nhưng em vẫn liều”- L. bộc bạch khi bị bắt trở lại.
Điều đáng nói là lần tái phạm này, L. còn kéo cả 2 người dì ruột vào vòng lao lý do giúp “giao ma túy” và “lén bán heroin kiếm tiền mua sữa cho cháu”.
“L. có 2 con nhỏ nhưng không chăm sóc mà có tiền là mua ma túy sử dụng nên khi biết nó giấu heroin trong nhà tắm, tui lén lấy mỗi lần từ 1-2 tép bán lại cho người khác để có tiền mua sữa cho con nó. Số heroin (12 tép) công an thu giữ hôm tui bị bắt là do tui lấy của L. để dành bán dần”- trước tòa, dì của L. khai nhận.
Từ chỗ nghiện ngập, L. đã đẩy bản thân và gia đình vào cảnh khốn khó- 2 người dì cùng lãnh mức án 7 năm tù giam tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, còn L. lần thứ 2 ra tòa bị phạt 11 năm tù giam cộng 9 năm tù của bản án trước chưa chấp hành là 20 năm.
Tội nhất là 2 con gái nhỏ của L. (SN 2009 và 2012), từ lúc chào đời chưa một lần biết mặt cha nên khi mẹ đi tù, bà ngoại đã cưu mang, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên chính quyền địa phương vận động các nhà hảo tâm trợ cấp hàng tháng cho 3 bà cháu.
Tương tự, 6 đứa con của T.T.Đ (tạm trú Phường 3, TP Vĩnh Long) cũng rơi vào cảnh “tan đàn, xẻ nghé” khi cha đi cai nghiện, mẹ ở nhà bán ma túy bị phạt 7 năm tù, đàn con nheo nhóc không ai nuôi phải nương nhờ bà con, lối xóm.
“Có tận mắt chứng kiến những gia đình nát tan vì ma túy mới thấy sự tàn phá của nó ghê gớm đến chừng nào. Ở khu vực tôi quản lý, khu “gò mã lạng” được xem là “điểm nóng” về ma túy, tồn tại chỉ một thời gian nhưng đã làm cho rất nhiều gia đình ly tan, con cái nghiện ngập, cha mẹ mua bán heroin phải vào tù. Khi tụ điểm này bị triệt phá, hàng chục người trong tuổi lao động đã ra tòa lãnh từ 7-8 năm tù giam.
Có gia đình, mẹ con, dâu rể, sui gia đều đi tù, cả xóm hầu như chỉ còn người già và trẻ nhỏ, cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn, hậu quả để lại rất nặng nề”- ông Dư Văn Vân- Trưởng Khóm 1 (Phường 2), chia sẻ.
T.T.Đ bị bắt đi tù vì bán ma túy bỏ lại đàn con 6 đứa. |
Hơn 7 năm đã trôi qua, những người bị pháp luật trừng phạt về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” mà ông Vân nói giờ có người đã quay về nhưng cũng có người “ra đi” mãi mãi như N.H.M bị bệnh phổi chết khi đang chấp hành án phạt.
Chồng và mẹ ruột M. khi đó cũng đang chấp hành án tù nên không có mặt tiễn đưa M. lần cuối. Con trai M. (SN 2006) và con của người em chồng cùng bị bắt chung bơ vơ, được ông bà nội đón về nuôi trong căn nhà xập xệ, chính quyền địa phương thấy vậy vận động Mạnh thường quân cất cho căn nhà tình thương.
Tuy đã có chỗ ở lành lặn nhưng cuộc sống của cha mẹ chồng M. và 2 đứa trẻ vẫn luôn trong cảnh “thiếu trước hụt sau” bởi ông bà già yếu, tiền kiếm được từ việc làm thuê không đủ nuôi thân, nuôi cháu.
Đau xót hơn là bà P.T.A (mẹ ruột M.). Bà A. vừa vào tù một thời gian thì lần lượt nhận được tin M. và một người con nữa ở nhà mắc bệnh không tiền trị nên qua đời. Chồng bà A. vì không chịu nỗi những biến cố cứ dồn dập ập đến đã ngã quỵ sau cơn tai biến. Do thế, phút giây trùng phùng của bà A. với những người thân còn lại vào tháng 5/2015 vừa qua chỉ toàn là nước mắt.
Những con số và những phận người đáng thương nêu trên chỉ là một góc nhỏ trong “bức tranh” có đến hơn 204.000 người nghiện của cả nước.
Tuy mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm cuối con đường họ đang đi đều là mất mát, chia ly và tù tội. Do đó, giúp người nghiện tránh xa ma túy là việc cần làm và đòi hỏi sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng nhằm từng bước kéo giảm số người nghiện và đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi xã hội.
Trung bình mỗi năm, Vĩnh Long phát hiện 141 ca nhiễm HIV mới. Hiện toàn tỉnh có hơn 2.500 người nhiễm HIV, trong đó có 738 người đã tử vong do AIDS. Việc gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp trong nhóm nguy cơ cao như gái mại dâm và quan hệ tình dục đồng giới nam là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm này và lan ra cộng đồng. Cả nước hiện có hơn 204 ngàn người nghiện ma túy (heroin, cocain, cần sa, ma túy “đá”,…) và mỗi năm, con số này tăng khoảng 6%. Đáng ngại là có khoảng 76% người nghiện ở tuổi lao động (dưới 35 tuổi) thuộc mọi thành phần trong xã hội. Tại Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu của năm 2015, tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có số người nghiện tăng, chủ yếu là tiêm chích heroin (trên 55,5%), ma túy “đá” (25,5%),… tập trung ở nhóm người từ 16 đến dưới 30 tuổi. |
>> Kỳ sau: “Cộng đồng chung tay giúp người nghiện”
Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin