Nói đến "Cu Cây"- biệt danh của Trần Duy Thanh (SN 1988, xã Thành Đông- Bình Tân) người dân xứ khoai lang Bình Tân đều phải khiếp sợ bởi tính côn đồ và lý lịch vào tù ra khám dày cộp của hắn.
Nói đến “Cu Cây”- biệt danh của Trần Duy Thanh (SN 1988, xã Thành Đông- Bình Tân) người dân xứ khoai lang Bình Tân đều phải khiếp sợ bởi tính côn đồ và lý lịch vào tù ra khám dày cộp của hắn.
Thanh có dáng người cao to, mình xăm đầy hình thù màu đỏ đen và còn là “sư phụ” dạy võ cho đám đàn em thanh niên choai choai sẵn sàng “vào sinh ra tử” vì hắn. Thủ đoạn “moi tiền” của Thanh rất ma mãnh là cho đám đàn em đến đập phá quán karaoke rồi tới dàn xếp, đe dọa đòi bảo kê.
Ngày 9/10/2015, TAND huyện Bình Tân đưa vụ án cưỡng đoạt tài sản xét xử hình sự đối Thanh cùng đồng bọn là vợ: Lê Thị Thúy (SN 1984, xã Thành Đông) và đàn em thân cận Bùi Quang Vinh (SN 1991, xã Tân Lược- Bình Tân).
Bởi tính ranh ma của bị cáo Thanh, HĐXX phải cách ly thẩm vấn. Thanh cũng rất “dẻo miệng”, ăn nói nhỏ nhẹ nghe qua không ai biết hắn là đại ca “chính hiệu” từng gây nỗi khiếp sợ cho nhiều người. Thế nhưng ngồi phía sau và bên ngoài phòng xử án là “đàn em” của bị cáo Thanh, trên người xăm nhiều hình thù trông rất dữ dằn.
Bà Trần Thị Nguyệt đã ngoài 60 tuổi bức xúc: “Quán cà phê karaoke ở quê ít khách nhưng chú Cây (Thanh) nhiều lần đến đòi bảo kê. Mới đầu, tôi không đồng ý thì chú ấy cho người đến đập phá, không có khách nào dám đến ca hát.
Tôi lớn tuổi, lại bệnh tim, sợ chuyện gây gổ nên cuối cùng đồng ý mỗi tháng nộp cho chú 1,5 triệu đồng. Chú hứa sẽ bảo vệ, dàn xếp nếu có ai đến muốn quậy phá quán karaoke. Hàng tháng, tôi để dành tiền các con cho mua thuốc uống để nộp cho chú. Chú đe dọa không được nói với ai hay báo công an về chuyện bảo kê quán…”
Bà Nguyệt cho biết, khoảng tháng 8/2014, gia đình khai trương quán cà phê karaoke tại ấp Tân Lộc (xã Tân Lược- Bình Tân) do đứa con gái Nguyễn Kim Ngọc đứng tên làm chủ. Thời gian đầu, quán karaoke hoạt động bình thường nhưng sau đó có nhóm thanh niên đến ca hát rồi gây sự đập phá tài sản.
Sau đó, Thanh đến hứa sẽ dàn xếp và nhiều lần đề nghị bà Nguyệt đưa tiền bảo kê thì quán sẽ hoạt động bình thường, yên ổn làm ăn. Bà Nguyệt không đồng ý thì ngay lập tức Thanh cho đám đàn em đập phá quán karaoke gây áp lực.
Đến ngày 26/9/2014, Thanh đến gặp bà Nguyệt hỏi như đe dọa: “Bà suy nghĩ kỹ chưa…”. Bà Nguyệt sợ lại bị quậy phá nên đồng ý và nộp cho Thanh 1,5 triệu đồng. Tháng sau, đến ngày nộp tiền bảo kê nhưng bà Nguyệt không có đủ nên chúng lại đến quậy phá. Bà Nguyệt gọi điện thoại báo cho con gái là chị Ngọc đang ở Hà Nội.
Sau đó, chị Ngọc về quê gặp Thanh để thương lượng. Thanh cho biết: “Hổm rày, bà Nguyệt chỉ đưa tiền được 1 tháng và mấy trăm ngàn tiền bảo kê tháng sau. Còn mấy tháng sau này, bà Nguyệt không đưa…”
Chị Ngọc năn nỉ Thanh cho hẹn tháng sau sẽ đóng tiền bởi dạo này quán ít khách. Thanh liền đe dọa: “Quán của em đông khách chứ có vắng gì đâu. Em không đưa tiền là không được đâu nhe…”
Lúc này, vợ của Thanh là Thúy cũng hằn học: “Có những vụ giá lên 5 triệu đồng nhưng tôi không làm. Không đưa tiền là không yên đâu, một tháng có 1,5 triệu đồng mà nhiều gì đâu. Sau tháng này, nộp tiền xong hủy hợp đồng, không còn làm ăn gì nữa...”
Sau cuộc thương lượng, vợ chồng của Thanh hạ tiền bảo kê xuống còn 1 triệu đồng/ tháng. Ngày 30/11/2014, chị Ngọc chưa nộp tiền, Thanh gọi điện nhắc nhở. Chị Ngọc bảo đang ở Sài Gòn, tiền gửi lại cho mẹ rồi, Thanh cho người đến lấy.
Thanh liền chỉ đạo cho vợ (Thúy) và Vinh đến quán karaoke gặp bà Nguyệt lấy tiền bảo kê thì lực lượng công an ập vào bắt quả tang. Thấy họ đi lâu về, liên lạc điện thoại cũng không được, nghi ngờ đã bị công an bắt, Thanh gọi điện cho chị Ngọc đe dọa. Cuộc đối thoại giữa chị Ngọc và Thanh được chị Ngọc ghi âm lại nộp cho cơ quan điều tra.
Ở trại tạm giam, Thanh tỏ ra có “kinh nghiệm” từng vào tù ra khám, quanh co chối tội. Thanh cho rằng chỉ mượn tiền của bà Nguyệt và chị Ngọc chứ không có bảo kê quán karaoke.
Trong trại tạm giam, Thanh giở trò gây rối, kêu oan đòi tự vận gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Công an phải trưng cầu, giám định những mẫu đối thoại điện thoại, ghi âm… và đến gần ngày đưa vụ án ra xét xử, Thanh mới cúi đầu nhận tội.
Tại tòa, 3 bị cáo Trần Duy Thanh, Lê Thị Thúy và Bùi Quang Vinh (ảnh) thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn hối hận. Cả 3 xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và xin khắc phục hậu quả cho bị hại.
Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo rất nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự địa phương, đã dùng vũ lực, thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần để cưỡng đoạt tài sản người khác. Tòa tuyên phạt bị cáo Trần Duy Thanh 2 năm tù giam, bị cáo Lê Thị Thúy và Bùi Quang Vinh mỗi người lãnh 1 năm tù (án treo) cùng tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Năm 2007, Trần Duy Thanh bị TAND huyện Bình Minh (cũ) kết án 2 năm tù tội “Cố ý gây thương tích”. Đến năm 2010, Thanh bốc lịch thêm 9 tháng tội “Hủy hoại tài sản”. Chấp hành xong án, trong thời gian tái hòa nhập cộng đồng, Thanh vẫn quen thói “nói chuyện” bằng bạo lực, dần trở thành “đàn anh” lôi kéo thanh niên địa phương gây rối trật tự. Thanh nhiều lần bị xử lý hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người khác. Lê Thị Thúy cũng không kém “thành tích” của chồng, có tiền sự, bị xử phạt hành chính. |
Bài, ảnh: HOÀI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin