Đặng Hùng Phương nhiều lần bị cha đánh đập, xua đuổi ra khỏi nhà. Còn cha suốt ngày rượu chè, gái gú không quan tâm gì đến vợ con, vợ chồng không hạnh phúc, mỗi người ở một nơi. Trong lúc tinh thần bị kích động, Phương hạ sát cha rồi bỏ xác vào bao, mang đến TP Hồ Chí Minh phi tang.
Lực lượng áp giải Đặng Hùng Phương về trại giam.
Đặng Hùng Phương nhiều lần bị cha đánh đập, xua đuổi ra khỏi nhà. Còn cha suốt ngày rượu chè, gái gú không quan tâm gì đến vợ con, vợ chồng không hạnh phúc, mỗi người ở một nơi. Trong lúc tinh thần bị kích động, Phương hạ sát cha rồi bỏ xác vào bao, mang đến TP Hồ Chí Minh phi tang. Vụ án gây xôn xao dư luận ở vùng quê xã Long An (Long Hồ) ngày nào...
Nghĩ đánh cha cho hả cơn giận
Ngày 30/1/2015, TAND Vĩnh Long đưa vụ án giết người xét xử lưu động đối với bị cáo Đặng Hùng Phương (SN 1987, xã Long Hiệp- Long An).
Sáng sớm, người dân đến đông kín nơi xét xử lưu động là hội trường xã Long An và mọi người không khỏi nhốn nháo, chen lấn khi chiếc xe tù chở Phương từ xa hú còi tiến vào sân UBND xã. Lực lượng áp giải đưa Phương vào nơi xét xử.
Trông y khá bình tĩnh, có phải vì uẩn khúc cuộc đời đã khiến y chai lì? Trước vành móng ngựa, bị cáo Phương khai rất rõ:
“Bị cáo bị cha (Đặng Văn Rô, SN 1949) đánh đập và cha còn hành hạ mẹ (Phan Thị Bé) suýt mất mạng. 2 người lần lượt phải bỏ nhà ra ngoài sống. Một lần bị cáo bắt gặp ổng dẫn gái về nhà ngủ qua đêm. Bị cáo phản đối, ổng lấy búa phang. Nếu bị cáo chạy không thoát thì sẽ không còn mạng sống để hôm nay đứng trước vành móng ngựa…”
Bất hòa của 2 cha con lên đến đỉnh điểm. Hùng phải ra ngoài ở mà không được mang theo đồ đạc. Ngày 4/10/2014, Phương rủ mấy người bạn (không có dấu hiệu đồng phạm) về nhà trói cha lại để lấy đồ ra ngoài ở riêng. Ông Rô tuổi già, sức yếu không thể chống trả lại, tuy bị trói khiêng lên giường, nhưng miệng nói: “Hôm nay, một tao chết, hai mày chết, ba mẹ mày chết…”
Phương nhớ lại ông Rô nhiều lần đánh đập mẹ con Phương và đang trong lúc nóng giận, y nảy sinh ý định giết cha. Phương lấy chày đâm tiêu đánh mạnh vào vùng đầu, làm ông Rô gục xuống, thấy ông Rô còn thở, Phương dùng dây siết cổ cho đến chết.
Sau khi giết cha, Phương bỏ xác vào bao rồi thuê xe ôm ra lộ khu vực Trường An đón xe khách lên TP Hồ Chí Minh phi tang. Khi xe đến khu vực phường Tân Tạo, Phương xuống xe mang theo cái bao có xác cha mình để ven đường rồi đón xe quay về nhà. Hôm sau, người dân đi đường phát hiện cái bao có nghi ngờ nên báo công an và vụ việc được làm sáng tỏ.
Bị cáo Phương biện minh hành vi tội lỗi: “Mình chỉ muốn đánh cha cho hả giận, nhưng rồi không kiềm chế được. Mình mang xác cha lên TP Hồ Chí Minh có nhiều người chôn cất…”
Biết hoàn cảnh của Phương, nhiều người cũng cảm thông, chia sẻ, nhưng hành động đánh cha cho hả cơn giận là không thể chấp nhận được, xã hội lên án, mất hết tính người và gây hậu quả chết người.
Bởi dù sao ông Rô cũng là cha ruột của Phương- là người dưỡng dục sinh thành. Người xưa có câu nói “công cha như núi Thái Sơn”, làm con phải biết hiếu thảo, kính trọng, phụng dưỡng… mới là đạo con.
Con đi tù, mẹ sống với ai?
Suốt phiên tòa, bà Bé khóc đỏ hoe đôi mắt, van xin tòa cho con được hưởng án nhẹ để còn có cơ hội về nuôi dưỡng bà trăm tuổi già. Lúc nghị án, bà Bé đến bên con và hôn lên mặt con: “Mẹ có mình con là niềm an ủi của tuổi già.
Thời gian nghị án ngắn ngủi, bà Bé đến bên con òa khóc.
Con đi tù rồi mẹ sống với ai…”- bà Bé đau khổ. Tình cảnh của mẹ con bà Bé làm nhiều người cảm động và có hơn 20 người dân địa phương làm đơn xin giảm nhẹ cho Phương để mẹ con họ sớm được đoàn tụ.
Theo nhận định của HĐXX, tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của bị cáo Phương là rất nguy hiểm, sát hại cha ruột khiến dư luận lên án. Tuy nhiên, trong vụ án này cũng có phần lỗi của ông Rô là sống thiếu đạo đức, chuẩn mực, bổn phận làm cha dẫn đến bi kịch gia đình. Tòa tuyên phạt bị cáo Đặng Hùng Phương án tù chung thân tội “Giết người”…
Nghe tòa tuyên án con mức tù chung thân, bà Bé ngã gục xuống bàn. Phiên tòa kết thúc, lực lượng áp giải Phương ra xe về trại giam. Chiếc xe tù khuất dần, bà Bé thẫn thờ theo dòng người ra về với tâm trạng đau khổ.
Vụ án khép lại nhưng nỗi đau, mất mát cho người thân không gì bù đắp được. Sau phiên tòa, chúng tôi đến gia đình bà Bé nằm sâu trong ấp Long Hiệp. Căn nhà nhỏ đơn sơ vốn vắng lặng giờ càng đìu hiu, lạnh lẽo hơn.
Từ ngày xảy ra thảm kịch, an táng cho chồng xong, bà Bé ra ngoài buôn bán đôi ba bữa mới về nhà một lần. Những ngày bà Bé vắng nhà, đứa con riêng ông Rô ở cách đó vài cây số đến lo nhang đèn cho cha và đêm xuống cảnh vật còn não nề hơn, bốn bên chỉ có tiếng côn trùng nỉ non. Sau cuộc trò chuyện, bà Bé như vơi bớt được nỗi đau.
“Con có giận hờn cha mẹ như thế nào cũng không được đối xử như vậy. Có lẽ những uất ức bị cha hành hạ, đối xử tệ nên nó bộc phát thiếu suy nghĩ…”- bà Bé nói như trách đứa con trai.
Chia tay ra về, chúng tôi cảm thấy xót lòng cho hoàn cảnh của bà Bé. Chồng chết, con lãnh án chung thân, bà Bé phải sống trong nỗi cô đơn tuổi già ở căn nhà trống vắng khi bà đã bước sang tuổi 65.
“Tôi gá nghĩa với ông Rô chung sống hơn 35 năm, nhưng cũng chừng ấy thời gian không hạnh phúc. Không chịu nổi chồng vũ phu, tôi ra ngoài sinh sống, Phương ở lại nhà với ông Rô. Hàng ngày, tôi buôn bán trái cây những lúc nhớ con ghé thăm vài tiếng rồi cũng đi. Ở nhà ổng không quan tâm gì đến con cái, còn đánh đập đuổi đi. Sau những mùa lúa, ổng bán hết lấy tiền gái gú, cờ bạc và khi hết tiền ổng đòi bán đất mới dẫn đến bi kịch gia đình như hôm nay…”- bà Bé cho biết. |
Bài, ảnh: HOÀI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin