Lái xe khi có rượu- hiểm họa TNGT

08:01, 07/01/2015

Theo báo cáo năm 2014 (từ ngày 16/12/2013 đến 15/12/2014) trên địa bàn tỉnh xảy ra 529 vụ TNGT đường bộ làm chết 139 người, bị thương 690 người, thiệt hại tài sản khoảng 1,75 tỷ đồng. So với năm 2013, giảm 321 vụ, tăng 44 người chết, bị thương giảm 473 người.

Theo báo cáo năm 2014 (từ ngày 16/12/2013 đến 15/12/2014) trên địa bàn tỉnh xảy ra 529 vụ TNGT đường bộ làm chết 139 người, bị thương 690 người, thiệt hại tài sản khoảng 1,75 tỷ đồng. So với năm 2013, giảm 321 vụ, tăng 44 người chết, bị thương giảm 473 người.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, sang đường bất cẩn… và hầu hết số vụ TNGT đều có môtô, xe máy.


Đường nông thôn ngày nay đã thông suốt, rộng mở, thanh niên thoải mái uống rượu chở 3 lạng lách, không đội nón bảo hiểm.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không ngừng phát triển, hầu hết các xã- thị trấn đều có đường ôtô đến trung tâm hành chính của xã, thị trấn; hệ thống đường giao thông nông thôn đều được phát triển rộng khắp đến khóm- ấp, hộ gia đình.

Từ đó, phần lớn nhân dân sử dụng phương tiện môtô, xe gắn máy để đi lại, giao thương… Bên cạnh đời sống của nhân dân được nâng lên thì nhu cầu và xu hướng sử dụng rượu, bia trong các bữa tiệc, trong quan hệ công việc đang ngày càng gia tăng.

Đáng lo ngại hơn là lứa tuổi thanh, thiếu niên không nghề nghiệp thường xuyên tụ tập sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện vi phạm trật tự ATGT ngày càng nhiều, nguy cơ gây ra TNGT ngày càng cao.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), trong năm 2014 (từ ngày 16/11/2013 đến 15/11/2014), lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh và các huyện đã thực hiện hơn 9.000 ca tuần tra kiểm soát.

Qua đó đã phát hiện 31.569 lượt phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó người điều khiển môtô, xe máy vi phạm chiếm gần 80%. Đặc biệt, có 1.355 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển môtô, xe máy chiếm 1.347 trường hợp, người điều khiển ôtô vi phạm bị phát hiện và xử lý vi phạm 8 trường hợp.
 
Đây là con số do lực lượng tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý. Thực tế tình trạng người có uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là môtô, xe máy xuất hiện rất nhiều, từ nông thôn đến thành thị.

Theo PGS. TS Phạm Đình Xinh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT (Học viện Cảnh sát nhân dân): Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới TNGT, bao gồm cả khách quan và chủ quan nhưng quan trọng là cần xem xét, tìm ra đâu là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp gây ra các vụ TNGT để đưa ra các giải pháp khắc phục.

Trong quá trình nghiên cứu, 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT đã được chỉ ra, gồm: cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, yếu tố kỹ thuật của phương tiện tham gia giao thông, tác động của nguyên nhân khách quan và nhóm nguyên nhân chính là do con người gây ra. Con người là yếu tố có tính chất quyết định đến hoạt động của phương tiện cũng như nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT.

Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng TNGT. Dẫn chứng là hơn 80% vụ TNGT xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông và người đi bộ.

Trạng thái sinh lý của người điều khiển phương tiện giao thông là yếu tố quyết định chủ yếu đến tình trạng an toàn khi lái xe, bao gồm những yếu tố như sự mệt mỏi, tình trạng bệnh tật, sử dụng cồn hay chất gây nghiện, tình trạng tâm lý bị kích động…

Khi con người lâm vào tình trạng mệt mỏi như phải làm việc căng thẳng, ít thời gian nghỉ ngơi… thì thị giác, thính giác, xúc giác và các phản ứng nhận thức, vận động khác đều bị phân tán, ảnh hưởng. Đó là cơ chế sinh học của cơ thể tự bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài để nhanh chóng hồi phục. Chính bởi vậy việc lái xe khi mệt mỏi sẽ có nguy cơ dẫn đến tai nạn cao.

Việc sử dụng rượu bia và các chất kích thích cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều khiển phương tiện giao thông.

Các chất có cồn và các chất kích thích khi tác động vào cơ thể sẽ làm tê liệt hoạt động của não, làm suy giảm khả năng nhận thức, phân tích và phán đoán tình huống của người lái xe. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nga đã chỉ ra rằng khi nồng độ cồn trong máu đạt từ 0,3- 0,5% thì nguy cơ để xảy ra TNGT tăng gấp 7 lần, còn khi đạt mức từ 1,0- 1,4% thì nguy cơ tăng lên đến 30 lần.

Một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến chính là ý thức của người tham gia giao thông. Sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, tài sản đã trở thành thói quen cố hữu của nhiều người. Những việc bình thường như: dừng trước vạch sơn, nhường người đi bộ, qua đường đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ… trở thành bất bình thường.

Trong khi những việc không bình thường như: vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không đội nón bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe… lại trở nên bình thường, thậm chí là hiển nhiên với một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng trên, góp phần đảm bảo trật tự, ATGT, mọi người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện phải nhận thức rõ hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông;

lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, mở nhiều chiến dịch ra quân… nhằm giáo dục, tạo thói quen, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân;

đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT, qua đó thông tin quy định về nồng độ cồn đối với người sử dụng khi tham gia giao thông cũng như tác hại của việc uống rượu, bia… để nhân dân biết thực hiện.

Mặt khác, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể thường xuyên vận động cán bộ, đảng viên, công chức, hội viên phải tiên phong, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông để nhân dân học tập làm theo.

Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình và người khác, chúng ta hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông. Đây cũng là biện pháp để mọi người cùng chung tay xây dựng “văn hóa giao thông” và góp phần giảm thiểu TNGT.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh