Siết chặt quản lý tải trọng xe để giữ ATGT

07:12, 17/12/2014

Thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, chỉ thị của Thủ tướng và các công điện của Thủ tướng chỉ đạo về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện chở quá tải và siết chặt quản lý tải trọng xe... Song, tình trạng phương tiện vận tải đường bộ chở quá tải trọng cho phép vẫn còn diễn biến phức tạp.

Thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, chỉ thị của Thủ tướng và các công điện của Thủ tướng chỉ đạo về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện chở quá tải và siết chặt quản lý tải trọng xe... Song, tình trạng phương tiện vận tải đường bộ chở quá tải trọng cho phép vẫn còn diễn biến phức tạp.


Xe tải nặng chở quá tải trọng sẽ làm hư mặt đường và dễ gây tai nạn. Trong ảnh: Thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông, quân sự kiểm tra tải trọng xe tại trạm cân lưu động.

Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ hàng, các đơn vị bốc xếp hàng hóa tại các đầu mối hàng hóa lớn, kho hàng, bến bãi hàng hóa, mỏ vật liệu... thực hiện xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng lái xe, chủ hàng, đơn vị bốc xếp hàng hóa và đơn vị vận tải vi phạm quy định về xếp và chở hàng hóa quá tải trọng cho phép của phương tiện, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh- thành trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số vấn đề trọng tâm:

Yêu cầu các đơn vị là đầu mối hàng hóa lớn, kho hàng, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dụng, các mỏ vật liệu... trên địa bàn ký cam kết không thực hiện xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép khi tham gia giao thông.

Như tin đã đưa, chiều 15/12, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) làm việc với Ban ATGT, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị đầu mối hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh về việc triển khai công tác ký cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép đối với các đơn vị là đầu mối hàng hóa.

Nội dung làm việc về tình hình triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến chủ trương kiểm soát tải trọng xe của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT; kiểm tra, nắm tình hình việc xếp hàng hóa lên phương tiện tại một số đơn vị đầu mối hàng hóa; yêu cầu các đơn vị là đầu mối hàng hóa lớn, kho hàng thực hiện ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông.
 
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã thống nhất cao và ủng hộ chủ trương của Nhà nước về quản lý vận tải và kiểm tra phương tiện chở quá tải trên đường bộ.

Đại diện Cảng Vĩnh Long phát biểu: Hội đồng Quản trị và nhân viên Cảng Vĩnh Long rất đồng tình ủng hộ việc kiểm tra tải trọng xe tham gia giao thông. Riêng Ban Giám đốc cảng và nhân viên luôn kiểm tra các phương tiện xếp hàng hóa lên phương tiện xe tải, phương tiện nào chở quá tải thì không cho rời cảng và buộc phải hạ tải.

Đại diện DNTN Phước Vinh- đơn vị cảng bốc dỡ vật liệu xây dựng: Công việc quản lý tải trọng xe là việc làm thiết thực để đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, cần phải công bằng, cần quản lý cả xe tải nhỏ. Qua đó cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét cho vượt tải vài phần trăm, vì chở đúng tải sẽ phải tăng cước phí vận chuyển…

Việc cơi nới thùng, hiện doanh nghiệp có xe tải cơi thùng lên cao để chở vật liệu xây dựng an toàn hơn, đề nghị các cơ quan quản lý xem xét.

Trả lời doanh nghiệp, ông Phạm Quang Vinh- Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: Việc cơi nới thùng xe hiện nay thực hiện theo đúng quy chuẩn, quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó Cục Đăng kiểm có quy định cụ thể, chi tiết và đã có triển khai đến các doanh nghiệp.

Vấn đề vận tải, tải trọng xe, phải thực hiện theo quy định của Bộ GTVT và xử phạt vượt quá tải trọng xe theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định 107/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Kiên quyết đến cuối năm 2015 sẽ không còn xe chở quá tải, để đảm bảo ATGT.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh