2 chú cháu từng ở chung gia đình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đến khi lớn lên, 2 người lập gia đình ở riêng lại xảy ra tranh chấp phần đất của ông bà để lại. Chú cháu “cạn tàu ráo máng” tình nghĩa, phải đưa nhau ra tòa phân xét thắng thua.
2 chú cháu từng ở chung gia đình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đến khi lớn lên, 2 người lập gia đình ở riêng lại xảy ra tranh chấp phần đất của ông bà để lại. Chú cháu “cạn tàu ráo máng” tình nghĩa, phải đưa nhau ra tòa phân xét thắng thua.
Anh Nguyễn Văn Cà (xã Tân Thành- Bình Tân) tâm trạng không vui khi nhắc lại câu chuyện chú cháu tranh giành nhau đất ông bà. Theo anh Cà trình bày, trước đây anh cùng với người chú là Nguyễn Văn Tám ở chung nhà của ông nội (anh Cà cháu nội, còn chú Tám con út) sống hòa thuận, thương yêu nhau.
Hồi đó ông nội là Nguyễn Văn Hai có phần đất ruộng 5.200m2 (số tròn) tọa lạc ấp Tân Mỹ (xã Tân Thành) và sau này phần đất trên đưa vào tập đoàn sản xuất. Đến năm 1991, ông nội cho anh đứng tên phần đất trên để canh tác và chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho anh. Lúc này, chú Tám cũng biết và đồng ý.
Đến năm 2001, gia đình gặp khó khăn nên anh cố cho chú Tám phần đất trên, với 48 triệu đồng. Chú cháu tin tưởng nhau nên việc cố đất không làm giấy tờ gì. Sau này, chương trình đo đạc VLAP, chú Tám tự ý đứng tên phần đất trên. Tôi thắc mắc thì chú Tám giải thích là phần đất trên chú mua chứ không phải cố nên xảy ra tranh chấp…
Trong những lần hòa giải ở địa phương, ông Tám cũng xác định phần đất trên là của cha (ông nội của Cà) để lại cho anh Cà. Tuy nhiên, sau này anh Cà bán lại cho ông với giá 61 triệu đồng chứ không phải cố đất.
Ông Tám còn đưa ra chứng cứ giấy viết tay thỏa thuận mua bán của 2 chú cháu (không có chứng thực) và ông Tám cũng yêu cầu anh Cà phải làm thủ tục chuyển QSDĐ cho ông đúng theo pháp luật hoặc chuộc lại đất nhưng theo giá thị trường hiện tại là 40 chỉ vàng 24k/công (1.000m2). Tuy nhiên, phía anh Cà khẳng định giấy thỏa thuận trên là giả, cần đi giám định.
“Vụ việc cũng muốn giải quyết nội bộ, để chú cháu sau này còn nhìn mặt nhau. Nhưng hết cách 2 chú cháu chấp nhận kéo nhau ra tòa dứt tình đoạt nghĩa xem như người dưng kẻ lạ cảm thấy cũng xót lòng lắm…”- anh Cà chia sẻ.
Hôm phiên tòa diễn ra, phía ông Tám ủy quyền cho đứa con trai là anh Nguyễn Văn Thô và anh Thô còn thuê 3 luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi cho gia đình. Tại phiên tòa, 2 bên dùng đủ lời đấu đá mà quên đi mình là dòng họ ruột thịt nhau.
Anh Cà cũng khăng khăng xác định là phần đất chỉ cố cho chú Tám chứ không bán và muốn chuộc lại để canh tác lo cuộc sống gia đình. Phía anh Thô (đại diện cho ông Tám) cũng khẳng định phần đất trên là của gia đình mua nên không có ý cho anh Cà chuộc lại.
Luật sư bào chữa quyền lợi cho phía ông Tám, cũng yêu cầu tòa hoãn phiên tòa để giám định lại các chữ ký giấy bán đất của nguyên đơn (anh Cà) và đồng thời cần xem xét lãi suất phần tiền cố đất…
Qua xem xét hồ sơ, chứng cứ có được TAND huyện Bình Tân xác định: Nguyên đơn anh Cà cố phần đất 5.200m2 cho bị đơn ông Tám là có cơ sở. Tuy nhiên, hợp đồng giữa 2 người là giao dịch dân sự đã vô hiệu.
Theo quy định của pháp luật về đất đai thì người sử dụng QSDĐ chỉ có các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thuế chấp, góp vốn… và cũng theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Đồng thời qua giám định giấy mua bán đất có chữ ký của anh Cà là giả…
Từ những nhận xét trên, tòa quyết định công nhận phần đất 5.200m2 đất thuộc sở hữu anh Cà và anh Cà có trách nhiệm trả lại 48 triệu đồng tiền cố đất cho phía gia đình ông Tám.
Vụ án cuối cùng cũng được giải quyết bằng pháp luật kẻ thắng người thua, nhưng 2 bên đã đánh mất đi tình nghĩa chú cháu.
|
HOÀI PHONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin