Xót lòng khi con kiện mẹ

08:06, 18/06/2014

Mẹ con, anh em sống chung một nhà yêu thương, hiếu thảo, hòa thuận nhau. Đứa con mua đất để cho mẹ đứng tên chủ quyền rồi xây nhà cùng chung sống. Thế nhưng chuyện đáng tiếc xảy ra khi 2 mẹ con tranh chấp cái nền nhà chỉ 112m2 đất và vụ việc phải nhờ đến chính quyền địa phương hòa giải nhưng cũng không thành. Xót lòng hơn khi đứa con út kiện mẹ ra tòa án đòi chia nền nhà,

Mẹ con, anh em sống chung một nhà yêu thương, hiếu thảo, hòa thuận nhau. Đứa con mua đất để cho mẹ đứng tên chủ quyền rồi xây nhà cùng chung sống. Thế nhưng chuyện đáng tiếc xảy ra khi 2 mẹ con tranh chấp cái nền nhà chỉ 112m2 đất và vụ việc phải nhờ đến chính quyền địa phương hòa giải nhưng cũng không thành. Xót lòng hơn khi đứa con út kiện mẹ ra tòa án đòi chia nền nhà, khiến tình mẫu tử càng rạn nứt.

Chuyện đáng buồn này xảy ra giữa bà T. và đứa con trai út V. (Thanh Bình- Vũng Liêm). Anh V. khẳng định rằng phần nền nhà 112m2 đất là anh chuyển nhượng của Thái Khắc Phục cùng địa phương, giá 2,5 triệu đồng, vào năm 1999. Tuy nhiên lúc đó, anh để cho mẹ là bà T. đứng tên QSDĐ và có hợp đồng chuyển nhượng đất với anh Phục nhưng bị thất lạc...

Năm 2004, gia đình xây căn nhà cấp 4 trên phần đất 112m2. Đến năm 2008 mẹ của V. là bà T. cùng với anh trai của V. tới sống chung và các thành viên sống hòa thuận nhau.

Thời điểm đó, anh V. thường vắng nhà đi làm ăn xa, còn bà T. ở nhà tự ý hợp đồng chuyển nhượng phần đất cho người khác. Anh V. hay được ngăn cản mẹ vì phần đất này thuộc quyền sở hữu của mình.

Sau đó, bà T. làm hợp đồng tặng cho phần đất trên cho anh V. nhưng làm thủ tục chưa xong, bà đổi ý đòi chia tài sản. Từ đây, cuộc sống gia đình bỗng chốc xáo trộn, cảm giác nặng nề vì mọi người luôn hiềm khích nhau. Gia đình chia 2 bên đối nghịch nhau. Dư luận cũng xì xầm bàn tán ra vào.

A. (anh thứ 2 của V. và cũng là con bà T.) không giấu được nổi buồn khi gia đình rơi vào tình cảnh khó xử như thế. Anh, em, mẹ con không thuận thảo, đòi chia tài sản mà giá trị cũng không đáng là bao.

Anh A. cho biết: Phần đất trên của mẹ (bà T.) mua của anh Phục, đứa em út (anh V.) có đóng góp vào và mẹ quản lý sử dụng cho đến nay. Anh được mẹ ủy quyền trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất với đứa em út, nhưng cảm thấy rất khó xử vì cả 2 đều là tình thâm ruột thịt…

Hôm TAND huyện Vũng Liêm đưa vụ án ra xét xử, một bên nguyên đơn là đứa em út, còn bị đơn là người mẹ già. Người mẹ già ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu, không đến tòa được nên ủy quyền cho người con thứ 2 là anh A. 2 anh em cùng một mẹ sinh ra, ở chung căn nhà, giờ đây ra tòa tranh chấp cái nền nhà, khiến nhiều người cảm thấy xót lòng.

Tại phiên tòa, anh A. cũng xác định cái nền nhà mẹ và vợ chồng đứa em (anh V.) quản lý. Hiện tại cuộc sống gia đình khó khăn, nên 2 anh em cũng chấp nhận chia cái nền nhà diện tích 112m2. Theo đó, anh V. được sở hữu 68m2, phần còn lại mẹ là bà T. sử dụng và căn nhà trên phần đất cũng chia đôi giá trị.

Tuy nhiên, bà T. có chỗ ở khác, anh V. không có đất riêng để xây nhà. Để đảm bảo thực trạng sử dụng đất, HĐXX quyết định cho anh V. được sở hữu hết phần đất 112m2 và căn nhà trên phần đất. Anh V. phải có trách nhiệm trả giá trị phần đất và phần căn nhà cho bà T. số tiền là 55 triệu đồng (theo Hội đồng định giá tài sản).

Vụ án đã được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, nhưng gia đình anh V. và bà T. không còn cuộc sống vui vẻ trong một mái nhà chung như trước đây. Thiết nghĩ, đất là tài sản quan trọng, nhưng không vì thế mà đánh mất đi tình thâm ruột thịt vốn truyền thống tốt đẹp của người Việt chúng ta.

Nhiều người tiếc rẻ cho gia đình của anh V. phải chi giải quyết vấn đề trên tinh thần tình cảm thì chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt hơn. Anh V. được sở hữu căn nhà và đất nhưng trong lòng cũng không hẳn vui khi bên thua kiện chính là mẹ ruột của mình.

Ngày nay, khi “tấc đất trở thành tấc vàng” thì chuyện tranh chấp đất trong thân tộc, anh em ruột thịt hay xóm giềng xảy ra càng nhiều. Từ vụ việc trên mọi người hãy lấy làm bài học kinh nghiệm khi gia đình có xảy tranh chấp tài sản.

HOÀI NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh