Nhận định Quốc, Lộc, Việt đang tụ họp với nhau để đối phó và lẩn trốn, Ban chuyên án chỉ đạo trinh sát khẩn trương lần theo dấu vết, tổ chức tốt mạng lưới an ninh nhân dân ở những nơi trọng yếu, phối hợp với Cảnh sát hình sự Hậu Giang tổ chức mai phục đón lỏng tại các phường Tân An, An Lạc và các vùng ven bến sông Ninh Kiều, Cần Thơ.
>> Kỳ 1: Đêm mùng 3 tết kinh hoàng
>> Kỳ 2: Cuộc điều tra dần mở nút thắt
Nhận định Quốc, Lộc, Việt đang tụ họp với nhau để đối phó và lẩn trốn, Ban chuyên án chỉ đạo trinh sát khẩn trương lần theo dấu vết, tổ chức tốt mạng lưới an ninh nhân dân ở những nơi trọng yếu, phối hợp với Cảnh sát hình sự Hậu Giang tổ chức mai phục đón lỏng tại các phường Tân An, An Lạc và các vùng ven bến sông Ninh Kiều, Cần Thơ.
Các nhân viên bị bọn cướp bắt trói. Ảnh tư liệu
Lúc này trinh sát nắm được nguồn tin quan trọng: tên Việt có quen biết Út Râu, Út Râu có lần về Phụng Hiệp rước vợ tên Việt lên Cần Thơ. Trong bọn này, có một chiếc ghe máy dầu đang lưu đậu ở bến Ninh Kiều và cù lao trên sông Hậu. Nhận định Út Râu là đầu mối quan trọng của tên Việt và đồng bọn, Ban chuyên án cho bắt Út Râu để khai thác.
Ngày 20/3/1981, quần chúng cho biết, Út Râu đang ngồi uống rượu với tên Việt trong quán gần bến đò Ninh Kiều. Trinh sát lập tức bao vây nhưng chỉ bắt được Út Râu, còn tên Việt đã kịp phóng xuống sông trốn thoát. Ngày 29/3, tên Quốc (em ruột Việt) sa lưới trinh sát tại bến Ninh Kiều.
Cũng tại đây, trinh sát hóa thân thành tên Quốc tiếp tục đón bắt Việt và Lộc. Nhưng trinh sát bị lộ, Lộc, Việt đã nhanh chân bôn tẩu. Rút kinh nghiệm sơ suất trên, Ban chuyên án đưa Út Râu từ bến phà Cần Thơ về bến phà Mỹ Thuận.
Trước việc một số tên đã sa lưới trong thời gian ngắn, tên Việt cảm thấy bất an nên quyết định nhanh chóng về thành phố ẩn trốn. Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã nắm được diễn biến tâm lý hoang mang của Việt và xác định hắn sẽ về thành phố vào ngày 7/4 mà không thể không qua phà Mỹ Thuận. Theo lệnh của Ban chuyên án, trinh sát bố trí mai phục 24/24 tại bến phà Mỹ Thuận.
Chiều 7/4, khi Việt (Đoàn Văn Út) vừa qua phà thì trinh sát từ trong các quán ào ra truy bắt, Việt chạy ngược lại bị trinh sát Lâm tung cú đá vào bụng khiến hắn ôm bụng quỵ xuống, khẩu súng Rulo cưa nòng và 6 viên đạn rơi xuống.
Khi hắn gượng dậy định chạy thoát thì trinh sát Lâm tiếp tục tấn công bằng 3 cú đá nữa và quật hắn xuống đường, buộc hắn thúc thủ. Vừa lúc các trinh sát khác ập đến.
Là tên đầu sỏ nhất trong băng cướp, Đoàn Văn Út từng thề rằng, khi rơi vào tay công an thì thà chết chứ không khai báo, nhưng trước tài nghệ đấu tranh khôn khéo và thuyết phục bằng tình cảm của trinh sát, nhất là việc trinh sát cho băng bó vết thương (do quá trình vật nhau với trinh sát Lâm) khiến tên Út cảm động nên đã thú nhận tham gia vụ cướp và khai ra các tên đồng bọn còn đang lẩn trốn.
Từ lời khai của Út, trinh sát tiếp tục lần theo dấu vết tên Lộc thì được biết hắn có cô bồ tên Đen, là gái mại dâm ngụ ở phường Cái Khế (Cần Thơ), đang ở trong trường phục hồi nhân phẩm Trần Việt Châu (Cần Thơ).
Làm việc với trinh sát, Đen khai chỉ có người chồng chưa chính thức tên là Trần Quốc Thạnh, một cán bộ ở TX Trà Vinh.
Qua mô tả của Đen về Thạnh, trinh sát nhận ra ngay đó là chân dung tên Lộc. Chiều 15/4/1981, khi Thạnh đến trường phục hồi nhân phẩm bảo lãnh cho Đen thì bị trinh sát bắt giữ. Lộc cố cãi “tôi không phải Lộc, tôi là Thạnh, các ông bắt nhầm người rồi”. Nhưng trước sự kiên quyết của các trinh sát, Lộc buộc phải lên xe về Vĩnh Long.
Lộc khai đã giấu vàng mua từ tiền bán thuốc Tây cướp tại tổng kho ở đám bần ngoài sông Hậu. Phó phòng Nguyễn Văn Bé Tư cùng các trinh sát đưa Lộc lên ghe dẫn ra sông tìm hoài không thấy. Nghi Lộc giả bộ để tìm đường lặn sông trốn thoát, đồng chí Tư quyết định đưa hắn lên bờ.
Một bất ngờ xảy ra lúc này là khi các anh còng tay áp giải Lộc ra sông thì người dân nghi ngờ có chuyện mờ ám gì đó nên báo Công an phường Cái Khế và Cảnh sát giao thông đường thủy.
Hai lực lượng này đang phối hợp truy theo xem chuyện gì thì Phó phòng Bé Tư cùng trinh sát đã đưa Lộc vào bờ.
Nhận ra vị Phó Phòng hình sự, đồng chí trưởng Công an phường Cái Khế nói: “Sao các anh không nói để anh em phối hợp, mấy anh đi có mấy người, nó mà nhảy xuống sông thì tìm đỏ con mắt cũng không thấy đó”. “Hôm trước có trao đổi với các đồng chí rồi, nhưng hôm nay khẩn cấp quá, anh em tính tự xử lý được nên không làm phiền các chú”.
Lúc này trời đã sập tối, khi đồng chí Bé Tư dẫn Lộc lại xe và mở cửa thì Lộc bất ngờ thúc cùi chỏ vào người anh rồi tuôn chạy. Các trinh sát và công an phường lập tức phóng theo, nhưng trời tối, những con hẻm ngoằn ngoèo đã giúp tên Lộc thoát chạy được vài con hẻm.
Đến hẻm thứ ba thì trinh sát Lâm thấy một bóng người vừa chạy qua, anh lập tức nổ súng cảnh cáo, phát thứ hai thì găm thẳng vào tim tên Lộc khiến hắn gục ngã và chết tại chỗ. Lúc đó là 22 giờ đêm 7/4/1981.
Đến ngày 14/4, trinh sát bắt tên Đoàn Văn Hồng (Lê Hồng Phước) tại TP Hồ Chí Minh. Đến đây thì toàn bộ băng cướp và những đối tượng liên quan đã bị bắt giữ. Bọn cướp gồm các tên: Đoàn Văn Út (Út Đoàn, Việt), Đoàn Văn Voi (Lộc), Đoàn Văn Liêm (Quang), Đoàn Văn Hồng (Lê Hồng Phước), Đoàn Thành Hiệp (Quốc), Đoàn Ngọc Thới (Tuấn, Long). Băng cướp dưới sự chủ mưu cầm đầu của ba tên Việt, Lộc, Liêm.
Những tên đồng bọn và tiêu thụ gồm: Đoàn Văn Chức (là cha của các tên Tính, Nhịn, Ái, Lộc, Việt, Quốc), Đoàn Văn Tính (là cha của các tên Hồng, Quang, Liêm, Thới), Đoàn Văn Nhịn, Đoàn Văn Ái, Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Năm Em, Lê Thị Xích, Đỗ Thị Thu, Phạm Văn Thành.
Trong đó, Đoàn Văn Út với trình độ học vấn Cử nhân Văn khoa, hiểu biết rộng và đầy mưu lược. Trong 2 bản tường trình gần 100 trang giấy, hắn kể chi tiết quá trình chuẩn bị và thực hiện vụ cướp, những thủ đoạn đối phó với công an và hướng dẫn đồng bọn lẩn trốn khá xảo quyệt, tinh vi.
Để thực hiện vụ cướp, hắn cho người (Đoàn Văn Liêm) nhiều lần xâm nhập tìm hiểu tổng kho, vẽ sơ đồ chi tiết, móc nối với nội bộ tổng kho để hành động, mà những kẻ “nội gián” chỉ thực hiện vai trò làm ngơ, giả bộ bị cướp như phó Tổng kho Lê Thị Xích và một số tên khác.
Trong đó, đáng nói nhất là việc hắn chỉ đạo đàn em cướp súng của kho để khống chế các nhân viên rồi tiến hành vụ cướp. Sau khi cướp, hắn giấu 2 khẩu súng ở tường rào kho và hắn đã chỉ cho công an thu hồi.
Đây là vụ án lớn nhất ở tỉnh Cửu Long thời bấy giờ, nó được nhanh chóng kết thúc điều tra sau nhiều nỗ lực của lực lượng phá án. Trong một phiên tòa đầu năm 1982, ngoài 2 tên cầm đầu là Đoàn Văn Út, Đoàn Văn Liêm lãnh án tử hình, các tên còn lại cũng nhận những bản án nghiêm khắc- một kết cục tất yếu của những kẻ giết người, cướp tài sản nhà nước và của nhân dân.
THANH NGHỊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin