
Trên địa bàn tỉnh Cửu Long thời bấy giờ chưa từng xảy ra cướp có vũ trang nên việc tổ chức điều tra về loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, vào thời điểm này, tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp nên cũng không loại trừ khả năng đây là hoạt động của các đối tượng chính trị hoặc ít nhất việc cướp thuốc tân dược cũng phục vụ ý đồ chính
>> Kỳ 1: Đêm mùng 3 tết kinh hoàng
Trên địa bàn tỉnh Cửu Long thời bấy giờ chưa từng xảy ra cướp có vũ trang nên việc tổ chức điều tra về loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, vào thời điểm này, tình hình biên giới Tây Nam khá phức tạp nên cũng không loại trừ khả năng đây là hoạt động của các đối tượng chính trị hoặc ít nhất việc cướp thuốc tân dược cũng phục vụ ý đồ chính trị của một lực lượng nào đó...
![]() |
Dựng lại hiện trường bọn cướp đưa thuốc ra ngoài. Ảnh tư liệu
|
Trong khi lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra cũng như lực lượng an ninh thời bấy giờ còn mỏng về số lượng, non về nghiệp vụ và kinh nghiệm nên công tác điều tra vô cùng vất vả. Tuy nhiên, theo mệnh lệnh của Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, của lãnh đạo Ty Công an, lực lượng Cảnh sát hình sự và điều tra Cửu Long quyết tâm bằng mọi giá phải nhanh chóng vén màn bí mật vụ cướp đặc biệt nghiêm trọng này.
Cuộc điều tra bắt đầu
Việc lấy lời khai các nạn nhân và nhân chứng được tiến hành khẩn trương, tỉ mỉ. Trinh sát đặc biệt chú ý lời khai của Đỗ Thị Thu và Lữ Lý Nữ, bởi 2 lời khai này cho thấy một nghi vấn, đó là việc khi bị trói, Lê Thị Xích nói nhỏ với Thu: “Cắn dây chuyền ném vào vách nhà chớ bị cướp mà còn dây chuyền công an sẽ nghi”.
Và sau khi được mở trói, Xích bảo với Thu và Nữ: “Đừng khai với công an là Bảy nó bị bắt, tội nghiệp nó trốn nghĩa vụ quân sự”. Còn lời khai của Phan Minh Triết- người bên ngoài vào không bị bắt trói- là khi anh đến lấy xe vespa cho Sinh mượn thì bọn cướp chĩa súng định bắt trói luôn, nhưng được một số người tại đây năn nỉ nên chúng cho anh lấy xe đi.
Chiều 7/2, tuy cuộc khám nghiệm chưa xong nhưng UBND tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn cấp các ngành: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ty Y tế, Pháp chế, Ủy ban Thanh tra để nhận định đánh giá tình hình vụ cướp. Sau khi nghe công an báo cáo sơ bộ công tác khám nghiệm và tài liệu thu thập ban đầu cũng như những nhận định của lực lượng công an, đồng chí Chủ tịch tỉnh thống nhất nhận định vụ án liên quan đến nội bộ tổng kho và chỉ thị lấy lời khai tất cả những người có mặt tại kho vào thời điểm xảy ra vụ cướp, đặc biệt lưu ý các lời khai mâu thuẫn, các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất và đi sâu nắm tình hình giúp công an điều tra vụ án.
Ngay sau cuộc họp đầu tiên này, một ban chuyên án được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Ban- Phó Trưởng Ty Công an làm trưởng ban. Từ chỉ đạo của Ban chuyên án, lực lượng cảnh sát hình sự dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tá Trưởng phòng Nguyễn Văn Tân (ông nghỉ hưu 1992 và đã qua đời) đã chia lực lượng thành 3 bộ phận: bộ phận nghiên cứu có nhiệm vụ nghiên cứu các lời khai tìm ra mâu thuẫn, phát hiện vấn đề mới trong lời khai phục vụ công tác đấu tranh và nắm tình hình.
Bộ phận nắm tình hình có nhiệm vụ nắm tình hình trong nội bộ tổng kho cũng như ngoài xã hội về những tin tức liên quan, nhất là rà soát các băng nhóm, các đối tượng hình sự nổi lên trên địa bàn, xác minh làm rõ những tin tức liên quan giúp bộ phận khai thác đấu tranh có hiệu quả.
Bộ phận khai thác tập trung đấu tranh làm rõ lời khai của các đối tượng đang bị tạm giữ, xét thấy vấn đề gì cần xác minh làm rõ thì chuyển cho bộ phận trinh sát nắm tình hình, khẩn trương truy tìm chứng cứ.
Tuy đã huy động toàn bộ trinh sát vào cuộc với cường độ làm việc rất cao nhưng đã 18 ngày trôi qua mà tiến trình vụ án vẫn giậm chân tại chỗ dù một số đối tượng nghi vấn như Lê Thị Xích, Nguyễn Kim Hằng (Bảy), Đỗ Thị Thu đã bị tạm giữ.
Những lời khai ban đầu của những người này tuy có mâu thuẫn và hé ra một tia sáng như đã nói ở trên, song xét về tài liệu chứng cứ để đấu tranh họ có liên quan vụ cướp hay không thì chưa có cơ sở. Cuộc truy tìm tài liệu chứng cứ nhằm mở nút vụ án diễn ra vô cùng quyết liệt.
... Và mở nút thắt vụ án
Nút thắt của vụ án được mở khi trinh sát thông qua các biện pháp nghiệp vụ nắm được nguồn tin vô cùng sốt dẻo: Tên Bảy đã từng là thành viên một băng cướp xe Honda tại Ngã Sáu Sài Gòn. Băng cướp này có 13 tên, đã cướp 22 xe Honda bằng thủ đoạn dùng gái điếm mồi chài khách để cướp. Bảy bị bắt giam ở Tây Ninh và trốn trại.
Từ nguồn tin này, trinh sát tập trung đấu tranh việc liên quan vụ cướp tổng kho thì Bảy khóc lóc kêu oan. Còn Lê Thị Xích, khi còn là nhân viên hiệu thuốc số 2 đã từng câu móc với một số tên khác tuồn thuốc ra chợ đen thu lợi bất chính. Với những biện pháp xét hỏi khôn khéo của trinh sát, đến sáng ngày 2/3, Xích khai nhận: Trong thời gian làm tại tổng kho, thị đã cùng Đỗ Thị Thu câu móc với tên Quang (Đoàn Văn Liêm) đưa thuốc Tây giả vào.
Xích, Thu làm chìa khóa giả và mở kho để Xích đánh tráo thuốc giả, tuồn thuốc thật ra ngoài; còn Thu làm nhiệm vụ cảnh giới. Xích khai tên Quang ở Tân Long Hội (Long Hồ). Trinh sát xác minh được biết gia đình Quang từ TP Hồ Chí Minh về cư ngụ tại Ấp 4, xã Tân Long Hội.
Sau nhiều ngày tiếp cận, trinh sát không phát hiện tên Quang có mặt tại nhà. Phải chăng thấy bị động nên hắn đã bỏ trốn? Trinh sát đi tìm lời đáp.
Theo lời khai của Xích thì Quang bà con với Võ Văn On- nhân viên tổng kho nhưng On phủ nhận điều này. Lúc này Ban chuyên án nhận định có nhiều khả năng tên Quang làm thuốc giả ở TP Hồ Chí Minh hoặc hắn sẽ về TP Hồ Chí Minh nhận thuốc giả từ đồng bọn.
Thế là một tổ trinh sát được bố trí tại phà Mỹ Thuận để đón bắt. Trong vai người kiểm soát vé, lúc 14 giờ ngày 13/3, tên Quang vừa lên phà thì bị trinh sát bắt giữ, túi xách hắn có 39 hộp Sitebel. 16 giờ cùng ngày, trinh sát khám xét nhà tên Quang, thu được 1.000 viên ampicilin, 22 miếng vàng lá giả, dầu gió giả và 1 vỏ lãi (ghe hai đáy), 2 đồng hồ điện tử. Đoàn Văn Tính (cha của Đoàn Văn Liêm) và em của Liêm là Đoàn Ngọc Thới cũng bị bắt giữ sau đó.
Việc bắt giữ tên Liêm chỉ căn cứ vào hành vi tàng trữ thuốc Tây giả, còn việc hắn có tham gia vụ cướp hay mức độ liên quan thế nào cần phải có chứng cứ xác đáng mới đấu tranh được.
Thuận lợi lúc này là chiếc đồng hồ điện tử tại nhà Liêm được cô Lữ Lý Nữ khẳng định là của mình bị bọn cướp lột sau khi bị trói. Một thuận lợi nữa là khi tên Liêm bị bắt, ông Tư Diện- người đến lãnh xăng- nhận diện khẳng định với trinh sát là tên này cấp xăng cho ông vào rạng sáng mùng 4 tết.
Đại úy Phan Vĩnh Lạc- Đội trưởng Đội trọng án (hiện là Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long) trực tiếp đấu tranh với tên Liêm.
- Anh bảo anh không biết gì về vụ cướp, vậy tôi hỏi anh, anh không phải là nhân viên của kho vậy có mặt tại kho lúc 3 giờ sáng để làm gì, và chính anh là người cấp xăng cho tài xế xe ông Bảy Hiệp, anh giải thích thế nào về điều này?
Liêm cứng họng, miệng ấp úng, Đại úy Phan Vĩnh Lạc tấn công đòn quyết định:
- Chúng tôi đã có đủ tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của anh và đồng bọn. Các anh tổ chức cướp để cứu đồng bọn là các nhân viên kho đã tuồn thuốc ra ngoài cho các anh. Các anh giết anh Đức vì anh Đức biết mặt các anh, có đúng vậy không? Chỉ có sự khai báo thành khẩn, anh mới mong được nhẹ tội.
- Tôi xin khai- Liêm khuất phục- các tên cướp là Thành, Vĩnh, Hòa, Lộc, tôi chỉ giữ ghe để chuyên chở thuốc mà sau này khi bán thuốc chúng cho tôi 15.000đ.
- Anh chỉ là người giữ ghe hay có vai trò quan trọng trong băng cướp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ, anh không thể che giấu được đâu. Anh suy nghĩ kỹ di, tôi sẽ còn gặp anh nữa đó.
Nói rồi Đại úy Phan Vĩnh Lạc rời bàn hỏi cung sau khi nhắc anh em canh giữ tên Liêm cẩn thận.
Một mắt xích vụ án đã được tháo gỡ, đây cũng là tài liệu chứng cứ để đấu tranh với những tên khác. Lúc này Xích khai trong lúc chở thuốc, Liêm có chở đến nhà cậu y là Đoàn Văn Ái. Sau khi bắt Đoàn Văn Ái, trinh sát cho Đỗ Thị Thu nhận diện qua ảnh, Thu khẳng định trong bọn cướp có tên này. Nhưng khi nhận diện trực tiếp thì Thu lại nói không phải.
Để giải mã khúc mắc trên, trinh sát tiến hành xác minh thì được biết: Ái có 2 người em ruột là Đoàn Văn Tự, Đoàn Văn Nhịn. Tự khai: Đêm mùng 3 tết, Nhịn từ Cần Thơ về Vĩnh Long. Nhưng trước cơ quan điều tra, Nhịn khẳng định không về Vĩnh Long vào thời điểm trên và không biết gì về vụ cướp. Trong khi đó, với tài nghệ đấu tranh khôn khéo, đội phó Phạm Văn Ngân (hiện ông là Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long) cũng đã buộc tên Đoàn Văn Thới khai ra sự thật. Thới thú nhận băng cướp có 7 tên, trong đó có Lộc, Việt và cậu của y là Quốc. Song, họ đã vượt biên.
Khẩn trương xác minh, trinh sát nắm được Việt đang ở vùng kinh tế mới (ấp Thống Nhất, Hòa Mỹ- Hậu Giang). Trinh sát đến nơi thì được biết Việt vượt biên bị Công an Kiên Giang bắt và y đã trốn trại về sống lang thang tại Cần Thơ. Lúc này, một mũi trinh sát truy theo tên Quốc thì được biết Quốc đang là học viên Quy hoạch ruộng đất của Ty Nông nghiệp đang thực tập công tác tại xã Đông Thành (Bình Minh) nhưng khi trinh sát đến nơi thì Quốc đã bỏ trốn trước đó 5 ngày.
Việc lấy lời khai các nạn nhân và nhân chứng được tiến hành khẩn trương, tỉ mỉ. Trinh sát đặc biệt chú ý lời khai của Đỗ Thị Thu và Lữ Lý Nữ, bởi 2 lời khai này cho thấy một nghi vấn. Đó là việc khi bị trói, Lê Thị Xích nói nhỏ với Thu: “Cắn dây chuyền ném vào vách nhà chớ bị cướp mà còn dây chuyền công an sẽ nghi”.
|
Kỳ cuối: Lần theo dấu vết
(Mời xem tiếp trên số báo VL thứ ba)
THANH NGHỊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin