Anh Nguyễn Minh Tấn (xã Phú Long, Châu Thành- Đồng Tháp) bán 1,6 tấn lúa nhưng hơn 1 năm sau vẫn chưa nhận được tiền.
Anh Nguyễn Minh Tấn (xã Phú Long, Châu Thành- Đồng Tháp) bán 1,6 tấn lúa nhưng hơn 1 năm sau vẫn chưa nhận được tiền.
Từ lâu, người dân làm ruộng hay có thói quen trong việc mua bán lúa thông qua “cò” giới thiệu. Tuy có thuận lợi nhưng cũng dễ xảy ra tranh chấp, bởi tất cả đều hợp đồng miệng không rõ ràng và cũng không có giá trị pháp lý, nhất là việc mua thiếu. Khi xảy ra tranh chấp thì người mua không biết đòi tiền ai và cuối cùng chỉ còn cách khởi kiện ra tòa nhờ pháp luật giải quyết.
Theo đơn kiện của anh Tấn, tháng 3/2013, ông Bùi Văn Nê (xã Tân Hưng- Bình Tân) có mua của anh 1,6 tấn lúa, giá 4.550 đ/kg, thành tiền là 7.440.000đ thông qua “cò lúa” Nguyễn Văn Út- người cùng địa phương- giới thiệu. Sau đó, ông Nê có hẹn địa điểm trả tiền nhưng do bận việc, anh Tấn không đến được.
Hôm sau, anh Tấn có điện thoại cho anh Út thì biết được ông Nê đang mua lúa ở Sóc Trăng. Khoảng 20 ngày sau, anh Tấn điện thoại đòi tiền ông Nê thì ông bảo đã giao tiền cho anh Út rồi. Tuy nhiên, anh Út cho biết là chưa nhận tiền lúa từ ông Nê. Thế là anh Tấn khởi kiện ra TAND huyện Bình Tân yêu cầu ông Nê phải trả 7.440.000đ.
Bị đơn Nê có thừa nhận mua lúa của anh Tấn 1,6 tấn lúa giá 7.440.000đ thông qua anh Út. Sau đó, ông có đưa tiền 2 lần đủ tiền 7.440.000đ (một lần 2 triệu đồng và lần 2 là 5.440.000đ) để trả tiền lúa cho anh Tấn. Bây giờ ông không còn thiếu tiền anh Tấn.
Tuy nhiên, anh Út trình bày là chỉ giới thiệu còn việc mua bán thỏa thuận giá cả và việc phía ông Nê trả tiền hay chưa thì anh không biết. Anh chỉ biết giữa anh Tấn và ông Nê có thỏa thuận mua bán lúa. Anh Tấn không liên lạc được ông Nê nên nhờ mình đòi tiền dùm.
Sau đó, anh cùng với anh Châu gặp ông Nê và ông Nê đã đưa cho anh Châu (người làm thuê cho ông Nê) 5 triệu đồng, còn 2 triệu đồng thì anh nợ ông Nê trước đó. Anh không biết anh Châu có đưa số tiền trên cho anh Tấn chưa, còn anh cũng chưa đưa 2 triệu cho anh Tấn.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu và lời trình bày của các bên liên quan tại tòa, HĐXX xem xét yêu cầu của anh Tấn là có căn cứ, vì theo quy định của pháp luật thì hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên liên quan.
Tòa xác định, ngày 9/3/2013, anh Tấn có hợp đồng miệng bán lúa cho ông Nê và ông Nê chưa giao tiền cho anh Tấn. Ông Nê bảo chỉ trực tiếp mua lúa của anh Út nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Chuyện nhùng nhằng tiền bạc giữa ông Nê và anh Út thì 2 bên có quyền khởi kiện trong vụ án khác.
Từ những chứng cứ và tài liệu có được, TAND huyện Bình Tân xác định ông Nê mua lúa của anh Tấn còn thiếu tiền. Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Tấn và buộc ông Nê phải trả cho anh Tấn 7.440.000đ tiền lúa.
Qua vụ án, thêm bài học kinh nghiệm trong việc mua bán thông qua “cò”. Đó là 2 bên cần có một hợp đồng rõ ràng để tránh những phiền phức không đáng có.
TRUNG HƯNG- HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin