Kỳ cuối: Dựa vào “tai mắt” người dân

03:05, 21/05/2014

Bên cạnh tăng cường kiểm tra, quản lý thì sự phối hợp của các ban ngành, đặc biệt của người dân trong việc theo dõi “đường đi nước bước” của hàng “dỏm” được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay.

>> Kỳ 1: Nhức nhối với hàng hóa không rõ nguồn gốc

Bên cạnh tăng cường kiểm tra, quản lý thì sự phối hợp của các ban ngành, đặc biệt của người dân trong việc theo dõi “đường đi nước bước” của hàng “dỏm” được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra là cần thiết nhưng cần huy động toàn dân vào cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả.

Vụ lúa Đông Xuân 2013- 2014 vừa qua, Công ty Hóa Nông Lúa Vàng cung cấp thuốc vật tư nông nghiệp không đạt yêu cầu cho hàng trăm nông dân ở huyện Vũng Liêm sử dụng, nên không đạt hiệu quả. Mặc dù, sau đó công ty đã đến bồi thường thiệt hại, song sau vụ việc vẫn đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như công tác quản lý thị trường mà một số công ty đang triển khai tại nhiều địa phương.

Dân chịu thiệt

Là nông dân đã mua thuốc của Công ty Hóa Nông Lúa Vàng sử dụng, Ngô Văn Quận ở ấp Hiếu Xuân Tây (xã Hiếu Thành) cho biết: “Trước khi vụ lúa bắt đầu, công ty đã tổ chức hội thảo để giới thiệu sản phẩm, sau đó tôi cũng làm đúng theo hướng dẫn nhưng vẫn không đạt hiệu quả”. Thu hoạch 16,5 công chỉ đạt hơn 6 tấn lúa.

Tức mỗi công chỉ 20 giạ trong khi những ruộng lân cận tới 50 giạ. “Ngày giới thiệu sản phẩm có thạc sĩ và kỹ sư đầy đủ nhưng không biết kiểm chứng sao mà lúa thất quá trời. May là công ty đến bồi thường chứ đổ thừa này kia rồi biến mất luôn, tụi tui ở đây cũng chẳng biết làm gì”.

Nhiều nông dân cho rằng, đối với những trường hợp công ty đến mua bán số lượng lớn, lỡ khi lúa thất bát dù làm đúng quy trình mà công ty đưa ra thì việc khiếu nại bồi hoàn dễ dàng, còn những trường hợp mua tại các đại lý nhỏ lẻ, số lượng ít thì đành… cắn răng chịu!

Anh Tống Minh Châu (xã Tân Phú- Tam Bình) canh tác 16 công lúa cho biết, thị trường quá nhiều nhãn hiệu phân bón nên nông dân không biết đường đâu mà lần. Những nhãn hiệu uy tín lâu đời thì giá tương đối cao, nhãn hiệu mới thì nông dân không an tâm. “Không ít lần tôi mua phải phân bón giả nhưng khi vác ra tới ruộng chuẩn bị rải mới phát hiện. Nói chủ đại lý thì họ đổ thừa cả lô hàng sao có chuyện giả, nên đành chịu”- anh Châu nói.

Ngoài phân bón, gần đây trên thị trường phát hiện thêm thuốc bảo vệ thực vật giả. Ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh- cho rằng do phân bón là nhu cầu sống còn đối với nông dân, trong nước không thể đáp ứng được thì phải nhập khẩu.

Chính vì vậy, Nhà nước đã phát động các thành phần kinh tế cùng tham gia sản xuất phân bón để làm sao cung cầu gặp nhau. Chính phát động này mà trong quá trình cạnh tranh diễn ra không lành mạnh, dẫn đến hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra.

Dựa vào nguồn tin người dân cung cấp

Nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt có tăng nhưng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép, cho nên nhiều cơ sở nhỏ lẻ mặc sức sản xuất phân bón kém chất lượng.

Ông Phạm Tứ Phương cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là do thiếu bến để lưu hàng hóa tạm giữ, trang thiết bị hỗ trợ lấy mẫu, kiểm tra nhanh. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ đấu tranh quyết liệt nên tình hình thị trường có nhiều chuyển biến tích cực.

Đồng thời, có sự đồng lòng của người dân, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thị trường. Tới đây chi cục sẽ chỉ đạo các đội tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, nhất là 2 vụ lúa chính trong năm; phối hợp thanh tra nông nghiệp tổ chức kiểm tra tình hình vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, khi có phản ánh của người dân sẽ kiểm tra đột xuất.

Đại diện Ban Quản lý chợ Vĩnh Long cho biết: “Nhờ thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên thời gian qua, tình hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ở chợ đã hạn chế đáng kể. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện công tác tốt hơn nữa”.

Vận động tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh không tiếp tay mua bán, vận chuyển, chứa chấp hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác.

Ông Nguyễn Văn Mừng- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (TX Bình Minh) còn cho rằng, nhiều vụ “nóng” như bơm nước vào heo, kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu,…thời gian qua mà đội phát hiện, kiểm tra, xử phạt kịp thời công lao đều người dân cung cấp.

Vì vậy, lực lượng “tai mắt” này cần được phát huy. Ngoài ra, “chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền và thường xuyên duy trì. Vì có như vậy người dân mới hiểu, không tiếp tay cho buôn lậu, sẵn sàng tố cáo để công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng đạt hiệu quả cao hơn”- Nguyễn Văn Mừng cho biết thêm.

Ông Phạm Tứ Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh:

Phân bón giả tồn tại trên thị trường thì người bán biết, đại lý biết, chỉ có nông dân không biết. Trong quá trình sử dụng trên đồng ruộng, nông dân sử dụng đại trà, lượng phân thừa trong đất còn nhiều. Khi rải phân mới, kết hợp với phân cũ có kém chất lượng sẽ trung hòa khiến người dân khó phát hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến phân giả tồn tại.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh