Lấy cắp tài sản của người khác, bị cáo không chỉ rước tội vào thân mà còn gây ra cho con trẻ những tổn thương không gì bù đắp được.
Lấy cắp tài sản của người khác, bị cáo không chỉ rước tội vào thân mà còn gây ra cho con trẻ những tổn thương không gì bù đắp được.
Theo cha đến tòa trong buổi xét xử “mẹ lấy tiền của dì Sáu ngoài chợ”, cô bé mới hơn 10 tuổi chăm chú lắng nghe từng câu chất vấn của HĐXX. Thấy mẹ đứng trước vành móng ngựa vừa trả lời, vừa khóc, cô bé cũng rưng rưng đôi mắt buồn hiu.
Không hiểu sao gia đình lại cho bé chứng kiến cảnh mẹ nó xấu hổ thừa nhận hành vi ăn cắp trước mọi người như thế. Cha cô bé bảo “hôm nay nội ngoại đều ra tòa, ở nhà không còn ai nên phải đưa con theo”.
Thiết nghĩ, trong mỗi gia đình, cha mẹ luôn là tấm gương để con cái noi theo nên việc để cô bé mới hơn 10 tuổi nghe thấy những hình ảnh không hay về mẹ sẽ là điều không tốt cho sự phát triển và dạy dỗ bé sau này.
Bản thân bị cáo P.T.T. (ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) có lẽ cũng nhận ra điều đó nên suốt phiên xét xử sơ thẩm, T. tỏ ra ăn năn, hối cải bảo: “Chỉ vì lòng tham nhất thời mà bị cáo làm điều sai trái, khiến người thân phải xấu hổ. Giờ bị cáo rất hối hận, xin HĐXX cho bị cáo cơ hội sửa sai, được ở ngoài chăm lo cho con nhỏ”.
T. trước giờ chưa làm điều gì phạm pháp nhưng khi thấy trong hộc tủ bán hàng của chị Nguyễn Thị Mai có cọc tiền lớn, đã nổi lòng tham.
Sau đó, lợi dụng lúc chị Mai sơ hở, T. “chôm” cọc tiền 27 triệu đồng giấu dưới sạp bán hàng của mình để tiêu xài cá nhân. Khi phát hiện mất tiền, chị Mai nghi ngờ T. lấy cắp đến hỏi “có lấy thì cho xin lại” nhưng T. nhất mực chối và còn lớn tiếng bảo “không tin thì cứ xét”.
Chị Mai xét thật và thấy cọc tiền giấu dưới sạp nên báo công an. Mặc dù sau đó, chị Mai đã làm đơn bãi nại cho T. nhưng do hành vi của T. đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Cơ quan điều tra- Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố vụ án.
Gần 20 ngày T. bị tạm giam để phục vụ điều tra là khoảng thời gian gia đình T. chịu sự gièm pha, dị nghị của người đời.
Chồng T. ra đường xấu hổ chẳng dám nhìn ai, còn 2 đứa con thơ không biết chuyện gì đã xảy ra mà mẹ không về nhà nên cứ đòi cha dẫn đi tìm mẹ. Hôm theo cha ra tòa, cô bé biết mẹ làm chuyện sai trái bị phạt nên càng lo mẹ sẽ “bỏ 2 chị em như trước”.
Do thế, sau khi HĐXX tuyên phạt T. một năm 6 tháng tù treo tội “Trộm cắp tài sản”, con bé cứ nắm lấy tay cha hỏi: “Mẹ có về không cha?”
Không thấy cha trả lời vì mãi lo nghe thư ký phiên tòa giải thích thêm các quyền và nghĩa vụ T. phải thực hiện để tránh làm điều sai trái dẫn đến “án treo thành giam” trong thời gian thử thách, cô bé càng lo lắng giật mạnh tay cha hỏi lớn: “Mẹ có về không cha?” Khi nghe cha trả lời “có”, cô bé vui hẳn lên liền chạy ào về phía mẹ.
Có lẽ T. cũng hiểu được nỗi lòng của con nên ôm chặt cô bé vào lòng, đôi mắt đỏ hoe. Một phụ nữ lớn tuổi đứng cạnh bên nhìn cảnh ấy, nghẹn ngào bảo T.: “Vậy là qua hết rồi. Từ giờ nhớ sống cho tốt. Làm gì cũng phải suy nghĩ tới con đừng để nó lo lắng như thế nữa, tội lắm!” T. gật đầu khẽ dạ thay cho lời hứa phục thiện sau những lỗi lầm đã gây ra cho người thân.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin